Bình Chánh: Xử hình sự người tâm thần đánh công an

Sáng 8-12, TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM đã đưa bị cáo Chau Sum chống người thi hành công vụ ra xử sơ thẩm. Tuy nhiên, khi chưa kết thúc phần kiểm tra lý lịch bị cáo, tòa đã quyết định hoãn xử để triệu tập người liên quan là cảnh sát khu vực (CSKV) Nguyễn Duy Phương đến tòa.

Đi tìm em và lưng tưng “chiến đấu”

Chau Sum sinh năm 1986, quê huyện Tịnh Biên, một huyện miền núi của tỉnh An Giang, giáp biên giới Campuchia.

Khoảng 8 giờ tối 30-3-2015, Sum đến Công ty Giày Khải Hoàn 1 ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM tìm em đang làm công nhân tại đây để mượn tiền về quê. Vì công ty đang tăng ca nên bảo vệ không cho Sum vào.

Sum bước qua khu lưu trú của công nhân ở đối diện công ty rồi vào phòng của em lấy một cây kéo và một con dao đem ra mài. Sum còn chuẩn bị thêm một chai nhựa đựng tương ớt pha nước. Mục đích của Sum là đi tìm gặp giám đốc công ty để hỏi về việc bắt công nhân tăng ca. Sum lận cây kéo, chai tương ớt vào trong người rồi cầm dao đến trước cổng công ty.

Tiếp nhận tin báo, CSKV Nguyễn Duy Phương và hai dân phòng xuống hiện trường. Nhìn thấy Sum đang la hét và lăm lăm cây dao trên tay, Phương xưng danh cảnh sát và yêu cầu Sum bỏ dao xuống. Sum không chấp hành mà tiếp tục la hét và cầm dao tiến về phía Phương.

Phương dùng gậy cao su đánh văng dao trên tay Sum. Sum tiếp tục rút kéo ra để đâm Phương, đồng thời xịt tương ớt về phía Phương. Phương rút súng bắn chỉ thiên ba phát. Sum vẫn không dừng lại mà cầm kéo đâm Phương gây thương tích nhẹ ở tay.

Phương nổ súng bắn trúng phần hông của Sum. Sum vẫn dùng kéo tấn công và xịt tương ớt vào mặt Phương.

Thấy Phương gặp nguy hiểm, một nhân viên bảo vệ công ty giày dùng cây đánh Sum. Cùng lúc, hai cán bộ công an xã vừa đến, bắn tiếp hai phát súng chỉ thiên. Sum dùng kéo đâm loạn xạ rồi bỏ chạy thì bị khống chế bắt giữ.

Ánh mắt vô hồn của Chau Sum tại tòa. Ảnh: PHƯƠNG LOAN

“Nghe… e…e... mà không có hiểu…iểu…”

Bản kết luận giám định pháp y tâm thần ngày 20-4-2015 của Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM kết luận tình trạng tâm thần của Sum như sau: Chậm phát triển tâm thần, mức độ nhẹ kèm rối loạn hành vi phải chú ý theo dõi; bị hạn chế nhận thức và điều khiển hành vi trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội; việc Sum thực hiện hành vi phạm tội có đủ năng lực trách nhiệm hình sự hay không không thuộc thẩm quyền trả lời của giám định viên.

Tháng 10-2016, VKSND huyện Bình Chánh ban hành cáo trạng truy tố Sum về tội chống người thi hành công vụ, theo khoản 1 Điều 257 BLHS (phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm).

Theo cáo trạng, tại CQĐT Sum thừa nhận mọi hành vi phạm tội. Về dân sự, người liên quan là CSKV Phương từ chối giám định, không yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe.

Chau Sum học xong lớp 2 thì nghỉ theo cha đi cắt lúa mướn, tiếng Việt lơ lớ và không hiểu hết nghĩa. Vì vậy, tại phiên tòa ngày 8-12, ngay ở phần kiểm tra nhân thân, Sum đã khiến người dự khán phải bật cười.

Tòa hỏi: “Bị cáo cho tòa biết bị cáo tên gì?”. Bị cáo Sum: “Chau… au… Sum”. Tòa: “Bị cáo sinh năm bao nhiêu?”. Bị cáo: “Không nhớ!”. “Bị cáo quê ở đâu?”. “Việt… Nam…”. “Thì ở Việt Nam mà ở đâu của Việt Nam?”. “An Giang… ang”.

“Bị cáo có các quyền và nghĩa vụ sau đây (…) Bị cáo nghe rõ chưa?”.

“Nghe…e…e… mà không có hiểu…iểu…iểu”.

Đến đây, vị chủ tọa bèn gấp hồ sơ. HĐXX vào trong hội ý, sau đó ra công bố quyết định hoãn để triệu tập người liên quan là CSKV Phương.

Xử hình sự bị cáo tâm thần là không cần thiết

Ánh mắt vô hồn, câu trả lời đứt đoạn, không rõ ràng. Tình trạng hạn chế năng lực trách nhiệm hình sự của Chau Sum là rất nghiêm trọng theo kết luận giám định. Ngoài ra, lý do Sum tìm giám đốc công ty để hỏi về việc bắt công nhân tăng ca cũng thể hiện rằng Sum không nhận thức được như người bình thường. Ngoài tình trạng bệnh tâm thần, Sum còn là người dân tộc thiểu số (Khmer), học vấn kém và không có được sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình và xã hội như nhiều người khác.

Hành vi của Sum là nguy hiểm cho xã hội nhưng khi thực hiện hành vi thì Sum bị mất khả năng kiểm soát do bệnh, cộng với việc bị kích động nên đã thực hiện hành vi chống đối. Tuy nhiên, hậu quả của hành vi này đã được ngăn chặn. Với những trường hợp như vậy, theo tôi chỉ cần áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh là phù hợp, không nên trừng phạt quá nghiêm khắc một người mắc bệnh tâm thần, hạn chế năng lực. Bởi ngoài chức năng răn đe và trừng phạt thì pháp luật còn có tính nhân đạo, khoan hồng và giáo dục.

Luật sư NGUYỄN VĂN HỒNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm