Bỏ thuốc chuột vào nồi nước bún bò là có tội

LTS: Thông tin Công an TP.HCM đình chỉ vụ án bỏ thuốc diệt chuột kịch độc vào nồi nước lèo bún bò khiến nhiều người băn khoăn.Pháp Luật TP.HCMxin giới thiệu ý kiến phân tích của hai chuyên gia pháp luật nhằm soi rọi thêm khía cạnh pháp lý của vụ án này.

Trước hết, để xác định ý thức chủ quan của bà Hồ Thị Ngọc Điệp trong vụ án này không chỉ căn cứ vào lời khai của bà Điệp. Bởi vì khi chưa gây ra hậu quả chết người thì bao giờ người có hành vi cũng chối là mình không có chủ ý giết người. Vì vậy, cần phải căn cứ vào các dấu hiệu khác để đánh giá ý thức chủ quan của bà Điệp.

Không thể vừa trực tiếp vừa gián tiếp

Thuốc chuột bỏ vào nồi nước lèo đã đưa đi giám định và có kết quả là chất kịch độc thuộc nhóm 1, gây nguy hiểm cho người và gia súc khi sử dụng. Tuy nhiên, bản giám định này lại chỉ nêu gây nguy hiểm cho người và gia súc khi sử dụng chứ không kết luận nếu người và gia súc ăn phải thì nhất định sẽ chết.

Nếu cho rằng “bà Điệp trước khi bỏ thuốc diệt chuột vào nồi nước lèo, bà Điệp phải biết là có hậu quả chết người nếu có người ăn phải, việc không có người ăn là do may mắn bị phát hiện sớm, hậu quả không xảy ra là nằm ngoài ý muốn của bà Điệp” thì chưa hoàn toàn chính xác.

Hơn nữa, có quan điểm cho rằng do may mắn bị phát hiện sớm, hậu quả không xảy ra là nằm ngoài ý muốn của bà Điệp, tức là hành vi của bà Điệp là do cố ý trực tiếp. Những người có quan điểm này lại cho rằng dù bà Điệp không muốn nhưng đã có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra thì về lý luận lại là cố ý gián tiếp. Vậy hành vi của bà Điệp không thể vừa cố ý trực tiếp lại vừa cố ý gián tiếp được!

Mặt khác, nếu cho rằng bà Điệp bỏ mặc cho hậu quả xảy ra, mà hậu quả chưa xảy ra thì làm sao lại thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt được!

Hành vi của bà Điệp là cố ý trực tiếp

Vậy hành vi của bà Điệp là hành vi cố ý trực tiếp hay cố ý gián tiếp?

Căn cứ vào các tình tiết của vụ việc thì do thù ghét, mâu thuẫn cá nhân với chị Trần Thị Bạch Tuyết nên bà Hồ Thị Ngọc Điệp đã lén đổ một gói 2 g thuốc diệt chuột vào nồi nước lèo bún bò của chị Tuyết. Cho dù bà Điệp khai rằng chỉ nhằm phá hoại, không cho chị Tuyết bán hàng cho khách nhưng không vì thế mà cho rằng bà Điệp không có mong muốn cho khách ăn bún của chị Tuyết. Khách làm sao mà biết được trong bát bún có thuốc chuột mà không ăn!

Muốn cho chị Tuyết dẹp tiệm (muốn phá hoại chuyện làm ăn của chị Tuyết) thì chí ít bà Điệp cũng phải mong muốn khách ăn bún có thuốc diệt chuột. Nếu bà Điệp bỏ thuốc diệt chuột vào nồi nước lèo mà không mong muốn cho khách hàng ăn bún của chị Tuyết thì việc bỏ thuốc diệt chuột vào nồi nước lèo sẽ vô nghĩa. Chưa có ai ăn bún của chị Tuyết là ngoài ý muốn của bà Điệp. Vì vậy, không thể cho rằng hành vi của bà Điệp chỉ là hành vi cố ý gián tiếp.

Ở đây chỉ có thể kết luận: Về ý thức của bà Điệp là mong muốn có người ăn bún của chị Tuyết; còn việc ai ăn có bị chết hay không bà Điệp không quan tâm, chết cũng mặc mà không chết cũng mặc, miễn là chị Tuyết không bán được hàng là thỏa mãn sự mong muốn của bà Điệp rồi. Do đó, phải coi hành vi bỏ thuốc diệt chuột vào nồi nước lèo là cố ý trực tiếp.

Không phạm tội này thì phạm tội kia

Hành vi bỏ thuốc độc vào đồ ăn, thức uống là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của một người mà là nhiều người. Do đó việc khởi tố bà Điệp là rất cần thiết.

Tuy nhiên, cần phải giám định lại để khẳng định: Nếu một người ăn một bát bún thì sẽ bị ngộ độc dẫn đến tử vong thì hành vi của bà Điệp là hành vi phạm tội giết người thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Nếu kết quả giám định khẳng định: Với hàm lượng thuốc diệt chuột như vậy, một người ăn một bát bún chỉ bị tổn hại đến sức khỏe thì hành vi của bà Điệp là hành vi cố ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

Nói tóm lại, hành vi bỏ thuốc diệt chuột kịch độc vào nồi nước lèo bún bò không thể nói là không cấu thành tội phạm. Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đình chỉ vụ án với lý do hành vi không cấu thành tội giết người là chưa đúng pháp luật, dễ khiến dư luận nghi ngờ và hoang mang.

ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao

Phải truy cứu hình sự mới đúng!

Lý do để CQĐT Công an TP.HCM đình chỉ vụ án có thể chấp nhận được với điều kiện phải chứng minh được những vấn đề sau đây:

1. Việc CQĐT cho rằng 2 g thuốc diệt chuột không đủ lượng để gây ngộ độc chết người - đây là kết luận cần phải chứng minh: Một là về số lượng chất độc tại sao xác định được là 2 g mà không phải nhiều hơn hoặc ít hơn? Hai là cơ quan nào giám định nồi nước lèo không đủ lượng để gây ngộ độc chết người?

2. Nếu bà Điệp nhằm vào việc phá hoại, không cho chị Tuyết bán hàng thì phải báo cho chị Tuyết biết trong nồi nước lèo đã có chất độc để ngăn chặn việc bán hàng; phải đổ nồi nước có thuốc diệt chuột đi (có đủ yếu tố về tội đe dọa giết người).

Trong vụ việc này, rõ ràng bà Điệp không thông báo gì, tức là bà vẫn muốn chị Tuyết bán hàng cho khách. Cũng cần nói thêm, để ngăn chặn chị Tuyết bán được hàng thì bà Điệp vẫn có nhiều cách dễ làm hơn như thêm nhiều muối, đường, gia vị hoặc rác rưởi dơ bẩn.

3. Việc xác định ý thức chủ quan (lỗi) của người phạm tội không phải lúc nào cũng dễ dàng, trong nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh thông qua hành vi (mặt khách quan), phương thức, thủ đoạn - công cụ phạm tội để xác định tội danh.

4. Hậu quả chưa xảy ra là do được ngăn chặn kịp thời, thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

Với những ý kiến trên, tôi cho rằng bà Hồ Thị Ngọc Điệp phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người (chưa đạt).

Ông VŨ PHI LONG, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự
TAND TP.HCM

PHƯƠNG LOAN ghi

Từng khởi tố vụ án nhưng sau đó đình chỉ

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, chị Trần Thị Bạch Tuyết nấu bún bò, bún riêu bán đồ ăn sáng trước nhà 73D Nam Cao, khu phố 1, phường Tân Phú, quận 9, TP.HCM. Rạng sáng 25-12-2016, chị Tuyết dọn hàng ra rồi chạy đi chợ. Do mâu thuẫn trong cuộc sống nên bà Hồ Thị Ngọc Điệp (cô chồng của chị Tuyết) đã lén đổ một gói thuốc vào nồi nước lèo.

Ngày 12-1-2017, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án giết người, đồng thời thu giữ hai mẫu nước lèo gửi về Phân viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) để phân tích.

Kết quả xét nghiệm cho thấy cả hai mẫu phẩm nước lèo đều có sự hiện diện của thuốc diệt chuột, chất kịch độc thuộc nhóm 1, gây nguy hiểm cho người và gia súc khi sử dụng.

Tại CQĐT, bà Điệp thừa nhận chính bà đã bỏ thuốc chuột vào nồi nước lèo của chị Tuyết.

Tuy nhiên, đến ngày 27-7-2017, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã đình chỉ điều tra vụ án. Theo Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, sau khi điều tra, nhận thấy hành vi dùng 2 g thuốc diệt chuột bỏ vào nồi nước lèo của bà Điệp không đủ lượng để gây ngộ độc chết người và chỉ nhằm phá hoại, không cho chị Tuyết bán hàng cho khách, không có ý thức giết người và thực tế sự việc bị phát hiện nên hậu quả chưa xảy ra. Do đó hành vi của bà Điệp không cấu thành tội giết người. Căn cứ khoản 2 Điều 107 BLTTHS, CQĐT đã đình chỉ điều tra vụ án hình sự này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm