Bồi thường oan: Sửa thông tư cho phù hợp với luật

Theo báo cáo này, số đơn đề nghị bồi thường chưa phản ánh đúng thực tế các trường hợp phải bồi thường vì còn các trường hợp đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án có dấu hiệu làm oan nhưng không có đơn khiếu nại kêu oan. Thực tế này có nguyên nhân là khoản 2 Điều 26 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (LTNBTCNN) quy định một trường hợp được bồi thường là “người bị tạm giam không thực hiện hành vi phạm tội”. Tuy nhiên, điểm a khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch số 05 ngày 2-11-2012 của VKSND Tối cao - TAND Tối cao - Bộ Công an - Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp (hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự) lại thu hẹp phạm vi được bồi thường theo quy định trên thành “người bị tạm giam không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật”. Vì vậy, những trường hợp tạm giam sau đó chuyển xử lý hành chính do hành vi không cấu thành tội phạm không được VKS các cấp tính vào diện được bồi thường thiệt hại.

Để tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, tháng 6-2015, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 96. Nghị quyết yêu cầu Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao và các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự đã ban hành, trong đó có việc sửa đổi Thông tư liên tịch số 05/2012 để phù hợp với BLHS, LTNBTCNN và thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử.

Mới đây, liên ngành VKSND Tối cao - TAND Tối cao - Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư liên tịch số 01 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 05/2012 (có hiệu lực kể từ ngày 3-8-2016). Theo đó, khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch số 05/2012 được sửa đổi, bổ sung như sau: 

“Người bị tạm giam thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 26 LTNBTCNN được bồi thường thiệt hại khi có quyết định của cơ quan hoặc người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự hủy bỏ quyết định tạm giam, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án hoặc tòa án tuyên bị cáo không phạm tội vì một trong những lý do sau đây:

a) Người bị tạm giam không thực hiện hành vi phạm tội;

b) Đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm”.

Như vậy, kể từ ngày 3-8-2016, những trường hợp tạm giam sau đó chuyển xử lý hành chính do hành vi không cấu thành tội phạm được xác định thuộc diện được bồi thường thiệt hại theo LTNBTCNN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm