Cá nhân tổ chức họp báo phải xin phép trước 24 giờ

Vụ việc bà Nguyễn Thị Luật (79 tuổi, trú phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) ủy quyền cho Công ty Luật TNHH Everest tổ chức buổi họp báo với nội dung: Công bố lý do, căn cứ pháp lý mà gia đình bà khiếu nại giám đốc thẩm đối với bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Bắc Giang đang thu hút dư luận. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của TS Lê Minh Hùng (khoa Luật dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM), liên quan đến quyền họp báo của cá nhân.

Cá nhân được họp báo

Quyền tự do hội họp, tự do thông tin, tự do báo chí là quyền con người, quyền cơ bản của công dân được hiến pháp, các đạo luật liên quan của Nhà nước thừa nhận, quy định, bảo vệ và đảm bảo thực hiện.

Theo Điều 25 Hiến pháp 2013, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Họp báo là một nội dung quan trọng của quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin. Theo Điều 42 Luật Báo chí, cơ quan, tổ chức, công dân có quyền tổ chức họp báo để công bố, tuyên bố, giải thích, trả lời các nội dung có liên quan tới nhiệm vụ, quyền hạn hoặc lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, việc chủ động cung cấp thông tin đến với công chúng thông qua kênh báo chí bằng cách tổ chức họp báo là việc có lợi.

Tuy nói họp báo là quyền tự do của công dân nhưng cần được thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật. Về nguyên tắc, một chủ thể khi thực hiện quyền của mình thì không được xâm phạm tới trật tự công, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác. Việc tổ chức họp báo phải đảm bảo yêu cầu về nội dung và thủ tục theo những điều kiện luật định. Theo Luật Báo chí, về nội dung, người tổ chức họp báo không được vi phạm điều cấm của pháp luật (Điều 9 Luật Báo chí).

Về thủ tục, người tổ chức phải xin phép trước 24 giờ tính đến thời điểm dự định họp báo. Nội dung họp báo phải thực hiện đúng với nội dung đã được cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trả lời chấp thuận. Trường hợp không có văn bản trả lời thì phải đúng với nội dung đã thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.

Hiện nay, ngoài những hoạt động họp báo trong lĩnh vực kinh doanh, văn hóa giải trí thì việc họp báo để công bố những thông tin về việc tranh chấp quyền và lợi ích pháp lý của cá nhân ở Việt Nam là rất hiếm. Điều này cho thấy dường như người dân chưa chủ động cung cấp thông tin và các cơ quan quản lý vẫn còn khá dè dặt trong việc xét cho phép.

Buổi họp báo của bà Luật (phải) và ông Nguyễn Minh Mẫn (Quyền Vụ trưởng Vụ III, Thanh tra Chính phủ) với tư cách  cá nhân. Ảnh: TP

Nếu vi phạm sẽ bị chế tài

Việc tổ chức họp báo vi phạm các quy định về nội dung và thủ tục như trên phải gánh chịu những chế tài. Cơ quan báo chí và PV đến tường thuật, đưa tin, bình luận về buổi họp báo phải chịu trách nhiệm về thông tin và không được loan truyền những tin tức, tư liệu, hình ảnh vi phạm điều cấm của Luật Báo chí. Mọi vi phạm đều có thể bị những chế tài tương ứng theo Điều 59 Luật Báo chí và quy định xử phạt hành chính hoặc hình sự.

Chế tài hành chính áp dụng cho cả hành vi vi phạm về nội dung, thủ tục tổ chức họp báo và được xử lý theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Báo chí và Nghị định 159/2013 của Chính phủ (xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản). Cụ thể, Điều 11 Nghị định 159 quy định mức phạt từ 200.000 đến 100 triệu đồng tùy vi phạm. Ngoài ra còn phạt bổ sung như tịch thu tang vật vi phạm hành chính và khắc phục hậu quả như buộc xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài hành chính, nếu buổi họp báo có những vi phạm nghiêm trọng về nội dung xâm phạm tới trật tự công, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác thì còn có thể bị truy tố các tội như vu khống... BLHS không có quy định về tội nào liên quan đến vi phạm thủ tục tổ chức họp báo. Ngoài ra, nếu gây thiệt hại thì còn phải bồi thường theo BLDS.

Về trường hợp cụ thể của gia đình bà Luật, việc bà xin phép tổ chức họp báo là đúng quy định. Nhưng Sở TT&TT TP Hà Nội từ chối cấp phép nên bà Luật khiếu nại, tiếp tục yêu cầu được tổ chức họp báo và chưa nhận được câu trả lời. Theo Điều 41 Luật Báo chí, nếu bên tổ chức họp báo đã xin phép đúng thời hạn và hình thức mà cơ quan có thẩm quyền không có văn bản trả lời thì phải họp đúng với nội dung đã thông báo. Nếu dừng lại ở đó thì việc tổ chức họp báo là đúng quy định. Tuy nhiên, trong khi bên tổ chức họp báo không được Sở TT&TT cho phép, đang thực hiện việc khiếu nại và chưa nhận được trả lời khiếu nại nhưng vẫn tiến hành tổ chức họp báo là chưa đúng quy định về thủ tục. Việc này có thể bị xử lý theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 159.

Phải chịu trách nhiệm với thông tin

Cá nhân có quyền cung cấp thông tin cho báo chí thông qua hình thức họp báo để công bố, giải thích, trả lời các nội dung có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn hoặc lợi ích của cá nhân đó. Khi cung cấp thông tin thì đây là phát ngôn một chiều nên cá nhân đó tự chịu trách nhiệm về tính chính xác, đúng đắn, chân thật về thông tin mà mình công bố.

Nếu phát thông tin, trả lời sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân khác thì có thể bị xử phạt hành chính. Cơ quan báo chí có quyền đăng tải lại thông tin cuộc họp báo nhưng phải tự chịu trách nhiệm về độ chính xác của thông tin đó.

Luật sư NGUYỄN SƠN LÂM,  Đoàn Luật sư TP.HCM

Điều 9 Luật Báo chí đã ổn

Quy định cơ quan có thẩm quyền phản hồi đối với yêu cầu tổ chức họp báo trong vòng 24 giờ khiến họ khó có thể xem xét kịp thời các nội dung sẽ được thông báo họp báo. Do đó với tính chất của một cuộc họp báo đưa thông tin đến xã hội một cách rộng rãi thì cần thêm thời gian để cơ quan chức năng xem xét nội dung dự định họp báo.

Các hành vi bị cấm theo Điều 9 Luật Báo chí đã có sự tương thích với BLHS, BLDS và được cụ thể hóa trong nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí. Nó vẫn đảm bảo tính khả thi trong thực tế, nên theo tôi thì chưa cần thiết phải mở rộng phạm vi cấm. Nếu vi phạm điều cấm thì sẽ bị chế tài theo Điều 11 Nghị định 159 và bồi thường theo khoản 1 Điều 34 BLDS 2015.

Luật sư NGUYỄN DUY, Đoàn Luật sư TP.HCM

Cần bổ sung quy định

Các quy định liên quan thì có nhiều nội dung chưa rõ ràng hoặc chưa khả thi. Thứ nhất, Luật Báo chí quy định bên xin tổ chức họp báo thì báo bằng văn bản trước 24 giờ là tương đối ngắn. Cần có thời gian nhiều hơn cho những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến an ninh quốc gia hoặc danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức hoặc các thông tin có thể gây ra những hiệu ứng xã hội tiêu cực, cần có sự tham vấn từ nhiều cơ quan, tổ chức hữu quan.

Thứ hai, quy định hiện nay chưa rõ về căn cứ để cơ quan cấp phép trả lời từ chối cấp phép và các thủ tục khiếu nại, thời hạn giải quyết hợp lý cho loại khiếu nại về loại việc đặc thù này. Thời hạn cấp phép hoặc thời hạn giải quyết khiếu nại cần được minh định trong Luật Báo chí với khoảng thời gian khẩn trương để đảm bảo tôn trọng quyền tự do của công dân.

Chẳng hạn trong vụ việc của bà Luật, Sở TT&TT TP Hà Nội không có văn bản giải quyết khiếu nại thì cũng cần được xem xét, đánh giá theo quy định chung của Luật Khiếu nại. Nếu đã hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà chưa giải quyết xong việc khiếu nại thì coi như chấp thuận cho tổ chức họp báo. Nếu bên xin tổ chức họp báo khi chưa được cho phép và thời hạn giải quyết khiếu nại vẫn còn thì coi như bên tổ chức họp báo đã vi phạm về thủ tục xin phép.

Vì vậy Luật Báo chí cần chỉnh sửa các quy định về cho phép tổ chức họp báo và có văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể các quy định này. Có như vậy mới tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức thực hiện quyền tự do báo chí. Nó cũng đảm bảo cho cơ quan báo chí hoạt động nghề nghiệp cũng như để xử lý các hành vi vi phạm điều cấm của Luật Báo chí.

Sở TT&TT TP Hà Nội nói gì?

Ngày 13-11, trả lời Pháp Luật TP.HCM liên quan đến các quy định cá nhân tổ chức họp báo và trách nhiệm của người dân, Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đến công chúng, bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở TT&TT (TP Hà Nội), thừa nhận những vấn đề báo đưa ra đang phát sinh nhiều nên cần có báo cáo để các cơ quan có thẩm quyền xem xét nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân và quy định của Nhà nước.

Bà Tú cũng khẳng định đối với những cá nhân có văn bản xin cấp phép họp báo, đơn vị đều có phản hồi. “Các phản hồi của chúng tôi theo đúng trình tự thủ tục hành chính của Nhà nước. Vì vậy, không có chuyện chúng tôi không trả lời…” - bà Tú nói và hứa những thắc mắc của báo Pháp Luật TP.HCM sẽ được đơn vị trả lời bằng văn bản trong thời gian sớm nhất.

VIẾT LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm