Ca sĩ Hồng Hạnh: ‘Tòa chậm giải quyết ly hôn’

Trình bày với Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (tức ca sĩ Hồng Hạnh) cho biết cuối năm 2014 bà gửi đơn đến TAND quận 3, TP.HCM yêu cầu ly hôn với chồng là người Nhật. Lý do bà yêu cầu ly hôn là cuộc sống hai vợ chồng bà không hòa hợp, mục đích hôn nhân không đạt được.

Chậm giải quyết ly hôn

đầu năm 2015, TAND quận 3 chuyển hồ sơ vụ kiện cho TAND quận 1 với lý do chồng ca sĩ Hồng Hạnh làm việc ở quận 1. Tháng 2-2015, TAND quận 1 ra quyết định thụ lý vụ án. Theo ca sĩ Hồng Hạnh, bà yêu cầu ly hôn còn tài sản chung thì hai người đã tự chia xong, hai người có một con chung nhưng đã thành niên và đang du học tại Hungary.

“Tuy yêu cầu của tôi đơn giản như vậy nhưng từ khi thụ lý vụ kiện đến nay TAND quận 1 giải quyết quá chậm, khiến tôi tốn nhiều thời gian, công sức…” - ca sĩ Hồng Hạnh nói.

Theo hồ sơ vụ việc, sau khi thụ lý vụ kiện khoảng một tháng thì phía bị đơn là chồng bà Hạnh đã có đơn yêu cầu phân chia tài sản chung. Sau khi ông này đóng tạm ứng án phí thì TAND quận 1 đã ra quyết định thụ lý yêu cầu này.

Ca sĩ Hồng Hạnh cho rằng bà rất thiện chí trong việc thương lượng, hòa giải với bị đơn. Tuy nhiên, việc xác minh của tòa làm cho vụ án bị tạm đình chỉ, kéo dài thời gian. Ngoài ra, bị đơn liên tục vắng mặt trong các phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải vào ngày 9-12-2016, ngày 27-12-2016. Từ đó bà mong muốn TAND quận 1 sớm đưa vụ án ra xét xử đúng trình tự, thủ tục tố tụng.

Ca sĩ này cũng cho biết không đồng ý với những ý kiến và văn bản trình bày được lập bằng tiếng Việt mà không có chữ ký của người phiên dịch nhưng đã được tòa chấp thuận. Bởi chính bị đơn đã thừa nhận trong bản tự khai là bản thân ông không hiểu rõ tiếng Việt...

Ca sĩ Hồng Hạnh trình bày việc tòa chậm giải quyết vụ ly hôn của mình tại tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Sẽ đôn đốc giải quyết sớm

Sáng 10-5, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Trương Thị Quỳnh Trâm, Phó Chánh án TAND quận 1, TP.HCM, cho biết lãnh đạo tòa sẽ đôn đốc để vụ án sớm được đưa ra xét xử.

Bà Trâm thông tin sau khi tòa thụ lý vụ ly hôn, ngày 13-2-2015, thẩm phán đã triệu tập để hòa giải nhưng các bên không thống nhất được các vấn đề phát sinh trong vụ án nên tòa đã lập biên bản hòa giải không thành. Thẩm phán trực tiếp giải quyết vụ án cũng báo lại rằng bị đơn đã nộp tạm ứng án phí cho yêu cầu phân chia tài sản chung nên đến tháng 3-2015, tòa thụ lý yêu cầu của bị đơn.

Bà Trâm lý giải: “Việc kéo dài vụ án cũng có lý do bị đơn là người nước ngoài, nhiều lần xin vắng vì đi về Nhật. Mỗi lần như thế làm lại thủ tục mất nhiều thời gian, đồng thời việc xác minh giấy tờ về tài sản tranh chấp ở nhiều nơi cũng gặp khó. Trong khi nguyên đơn nói tài sản tranh chấp là tài sản riêng của nguyên đơn thì bị đơn lại cho rằng đó là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân...”.

Hiện tòa đã mời các bên ngày 23-5 đến phiên họp công khai chứng cứ, làm rõ yêu cầu. Nếu bị đơn không đến thì tòa sẽ xác minh xem bị đơn có nơi cư trú ở Việt Nam hay không. Trường hợp không có thì tòa sẽ xin ý kiến, cân nhắc về thẩm quyền, niêm yết xét xử vắng mặt.

“Tiến độ giải quyết cũng còn phụ thuộc vào việc thu thập chứng cứ, sự hợp tác của các cơ quan, tổ chức đối với các yêu cầu xác minh của tòa. Đúng là có khoảng thời gian gián đoạn trong giải quyết vụ án ly hôn này. Nhưng tới đây lãnh đạo tòa sẽ đôn đốc, yêu cầu thẩm phán giải quyết đúng hạn luật định” - bà Quỳnh Trâm nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm