Các trường phải công khai việc cấp văn bằng, chứng chỉ

Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, chủ trì hội nghị với sự tham dự của trưởng, phó phòng Tư pháp 24 quận, huyện trên địa bàn TP và các phòng chuyên môn của Sở Tư pháp. 

hội nghị giao ban tư pháp 24 quận-huyện

Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP, chủ trì hội nghị giao ban tư pháp 24 quận, huyện. Ảnh: KIM PHỤNG 

Phòng Tư pháp quận Bình Thạnh kiến nghị về việc các loại giấy tờ được làm giả ngày càng tinh vi nên người thực hiện chứng thực rất khó nhận biết. Theo Thông tư 19/2015 của Bộ GD&ĐT thì các trường phải công bố công khai thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử nhưng rất nhiều trường ĐH không công khai thông tin này nên rất khó tra cứu để xác định văn bằng giả, thật. Đề nghị Sở Tư pháp kiến nghị để cơ quan có thẩm quyền có giải pháp buộc các trường ĐH thực hiện đúng quy định của pháp luật. 

Phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp trả lời thắc mắc này là trong năm 2017, Sở Tư pháp đã tổ chức hai hội nghị liên quan đến công tác chứng thực gồm: Hội nghị tập huấn về kỹ năng nhận dạng giấy tờ giả và giao ban công tác chứng thực năm 2017 vào ngày 12-7-2017 và Hội nghị về các giải pháp phòng ngừa, xử lý tình trạng giả mạo trong hoạt động công chứng, chứng thực vào ngày 19-12-2017. Sắp tới, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn, tọa đàm, giao ban về việc phát hiện, xử lý giấy tờ giả, giả mạo chủ thể trong hoạt động công chứng, chứng thực; phối hợp với cơ quan Công an TP, quận, huyện trong việc xây dựng cơ chế phát hiện, điều tra, xử lý hành vi giả mạo giấy tờ, chủ thể;

Liên quan đến việc thực hiện Điều 29 của Thông tư 19 về quy định công bố công khai thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của các trường ĐH, Sở Tư pháp sẽ có văn bản báo cáo Bộ Tư pháp có ý kiến với Bộ GD&ĐT về vấn đề này.

Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 16 Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục thì: “Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi không cập nhật và công khai thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của đơn vị". 

Hội nghị cũng giải thích, hướng dẫn những khó khăn vướng mắc trong quý IV-2017 với nhiều nội dung như kết hôn, ghi chú ly hôn, chứng thực, xử lý vi phạm hành chính...

Hội nghị cũng thông tin tình hình xử lý vi phạm hành chính trong quý vừa qua.  Các phòng Tư pháp đã tham mưu UBND quận, huyện ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 743 trường hợp, tổng số tiền phạt là 729.250.000 đồng; tiếp tục tư vấn cho UBND quận, huyện về tính pháp lý của các hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý các đối tượng nghiệm ma túy để đề nghị ra quyết định đưa đi chữa bệnh bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để đáp ứng yêu cầu quản lý, phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội...

Kết luận hội nghị, bà Phan Thị Bình Thuận đề nghị các trưởng, phó phòng Tư pháp lưu ý đảm bảo đúng thời hạn hoàn thành kế hoạch công tác tư pháp năm 2017 và triển khai kế hoạch, nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2018. Trong năm 2018, có nhiều quy định pháp luật mới có hiệu lực thi hành Sở sẽ tổ chức tập huấn quy định trên, đề nghị các đơn vị lưu ý tham dự tập huấn đầy đủ để về triển khai thực hiện tại địa phương...

Tổng số vụ việc giải quyết hồ sơ hộ tịch trong quý IV trên toàn địa bàn quận, huyện là 146.592 hồ sơ (tăng 51,4% so với cùng kỳ năm 2016), thu lệ phí đạt 3.411.510.000 đồng...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm