Cách để youtuber kiếm tiền 'khủng' phải nộp thuế

Ngày 17-3, Sở TT&TT tỉnh Bình Dương cho biết đã ra quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng đối với youtuber Thơ Nguyễn do có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy mê tín dị đoan. Trước đó, cô này đã đăng tải đoạn video có nội dung “xin vía học giỏi” trên mạng xã hội TikTok.

Các youtuber tập trung tại một sự kiện ở TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI 

Nguồn thu khủng từ xã hội

Thơ Nguyễn hiện có ba kênh thông tin trên YouTube, TikTok và fanpage. Theo trang SocialBlade.com (website chuyên thống kê xếp hạng các tài khoản trên mạng xã hội gồm YouTube, Twitter, Instagram...), các kênh của Thơ Nguyễn thu về hơn 1,7 tỉ lượt xem trong năm 2020 (khoảng 144 triệu lượt xem/tháng), doanh thu tương đương 16 tỉ đồng/năm.

Qua rà soát, kiểm tra việc chấp hành nghĩa vụ thuế của youtuber này, Tổng cục Thuế cho biết trong các năm 2019, 2020 và 2021, youtuber Thơ Nguyễn đã kê khai, nộp thuế khoảng 2 tỉ đồng.

Theo thống kê của Facebook Việt Nam, năm 2017 có khoảng 50 bạn trẻ 19-20 tuổi đã trở thành triệu phú USD nhờ kiếm tiền qua mạng xã hội.

Cục Thuế TP.HCM từng phát hiện và truy thu 1,5 tỉ đồng tiền thuế của một người chủ kênh YouTube kiếm được hơn 19 tỉ đồng từ năm 2016 đến 2018.

Theo Bộ TT&TT, tính đến cuối năm 2020, tại Việt Nam có khoảng 15.000 kênh được bật nút kiếm tiền trên YouTube. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% trong số đó chịu sự quản lý của các công ty mạng có kê khai và nộp thuế đầy đủ. Như vậy, hiện cơ quan thuế chỉ nắm được thông tin của khoảng 5.000/15.000 kênh đã bật nút kiếm tiền để yêu cầu đóng thuế. Số tiền thất thu thuế do không kê khai thuế là rất lớn.

Sửa quy định để chống thất thu thuế

Hiện nay Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và nghị định liên quan (có nhiều nội dung liên quan đến việc quản lý thuế đối với người có thu nhập từ YouTube).

Theo ước tính từ SocialBlade.com, các cá nhân đang sở hữu những kênh YouTube hàng đầu tại Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng chục tỉ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, những nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như YouTube hay Google, Facebook hay Netflix chưa thực hiện các nghĩa vụ thuế.

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phân tích: Về lý thuyết, có hai cách để thu nộp thuế. Một là người có doanh thu, tức là các nhà cung cấp, các tập đoàn như Google, Facebook, YouTube… nộp. Khi đó họ sẽ thu tiền của khách hàng là tiền dịch vụ và thuế. Sau khi thu xong họ sẽ giữ lại phần tiền dịch vụ của họ, còn phần thuế họ nộp cho Nhà nước.

Cách thứ hai là người dùng dịch vụ, tức là các cá nhân, doanh nghiệp, phải nộp thuế. Khi đó Facebook, Google, YouTube… chỉ thu tiền dịch vụ, phần thuế họ sẽ ghi trong hóa đơn rằng “không bao gồm thuế”. Hoặc trong hợp đồng cung cấp dịch vụ họ sẽ nói rõ là bên dùng dịch vụ phải nộp thuế.

Ở Việt Nam từ trước đến nay đều áp dụng thu thuế theo cách thứ hai, tức là từ người dùng dịch vụ. Với cách thức này thì cơ quan thuế có thể “nắm” được người dùng dịch vụ ở Việt Nam.

Theo ông Đức, các cá nhân kiếm tiền khủng từ việc dùng dịch vụ trực tuyến (online) nhưng không kê khai thuế có thể bị cơ quan thuế xử phạt. Dự thảo thông tư của Bộ Tài chính mong muốn thu thuế theo cách thứ nhất, tức là thu trực tiếp thuế từ nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài.

Nhiều người lo ngại cách này phát sinh hệ quả là “đánh thuế hai lần” khi nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đã nộp thuế rồi mà người dùng tại Việt Nam vẫn kê khai, nộp thuế. Tuy nhiên, trong dự thảo thông tư đã có những quy định xử lý tình huống này.

Cần nhiều biện pháp mạnh

Pháp luật hiện hành có quy định về việc quản lý và thu thuế đối với các kênh YouTube bật nút kiếm tiền.

TS Phan Phương Nam, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, phân tích: Khi các kênh YouTube được bật nút kiếm tiền là họ được YouTube trả tiền cho việc quảng cáo trên đó. Vì thế, hoạt động này được coi là hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo (hoạt động kinh doanh), phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật thuế.

Theo pháp luật về thuế và các văn bản hướng dẫn thì thấy rằng khi đã xác định khoản thu này chịu thuế thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng và người có thu nhập là người nộp thuế thì theo quy định của Luật Quản lý thuế, các chủ thể này phải thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế.

Việc vi phạm sẽ tùy hành vi mà áp dụng các biện pháp khác nhau như vi phạm thủ tục thuế, trốn thuế. Cơ sở pháp lý xử phạt là quy định trong Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định 125/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

Cơ chế thực thi để xác định cá nhân có thu nhập tới mức phải chịu thuế và nộp thuế cũng rõ. Pháp luật hiện hành quy định là phải có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm mới phải chịu và nộp thuế.

TS Phương Nam đề xuất cần nhanh chóng thực hiện việc quản lý thuế. Đó là quản lý chặt các công ty đang hợp tác theo kiểu quản lý kênh (ký hợp đồng với youTube và các youtuber) để yêu cầu khấu trừ tại nguồn và xử lý khi họ không hợp tác. Cơ quan thuế cần tuyên truyền mạnh để người dùng nâng cao ý thức nộp thuế; phối hợp với ngân hàng làm rõ dòng tiền ngoại tệ chuyển về từ nước ngoài cho cá nhân.

Cơ quan thuế cũng hợp tác với cơ quan thuế nước ngoài để nắm thông tin và xác định thu nhập của youtuber. Ngoài ra cần có chính sách xác định thời điểm áp dụng (bỏ qua khoản thời gian trước đây hoặc một thời gian cụ thể) nhằm khuyến khích việc chủ động nộp vì có khi họ không biết được họ phải nộp thuế.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hồng, Đoàn Luật sư TP.HCM, phía người nộp thuế là các youtuber cần tự giác, nếu chậm, không hoặc khai báo thuế không trung thực thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý. Ngành thuế cần có các biện pháp cứng rắn, quyết liệt, không vì lý do nào mà bỏ việc truy thu thuế hoặc xử lý vi phạm.

Có thể phạt hành chính hoặc xử lý hình sự

Điểm c khoản 1, khoản 2 Điều 1 Thông tư 92/2015 của Bộ Tài chính quy định hoạt động của các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam và có đăng ký kiếm tiền trên kênh YouTube (gọi tắt là các youtuber) là hoạt động hợp tác kinh doanh, nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm sẽ là đối tượng phải đóng thuế.

Theo điểm d khoản 1 Điều 138 Luật Quản lý thuế 2019 và điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định 125/2020 (về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn) thì số tiền phạt với hành vi trốn thuế là từ một đến ba lần số tiền thuế trốn. Mức phạt được quy định tại Điều 17 Nghị định 125/2020. Ngoài ra, người trốn thuế còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc đóng đủ số tiền thuế đã trốn.

Tùy vào mức độ, hành vi vi phạm, người trốn thuế còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế theo Điều 200 BLHS 2015 với mức cao nhất của khung hình phạt lên đến bảy năm tù.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm