Cai nghiện ma túy: Bộ Công an quản hay xã hội hóa?

Chiều 2-11, sau khi họp riêng về dự thảo nghị quyết quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh và bãi nhiệm đại biểu (ĐB) Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Một trong những vấn đề các ĐB quan tâm là giao công tác cai nghiện cho cơ quan nào.

Người nghiện và tội phạm: Ranh giới mong manh

ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) dẫn vụ án các đối tượng nghiện giết nữ sinh ở Thường Tín (Hà Nội) mới đây và cho rằng đó là một sự việc hết sức đau lòng. Ông nói: “Đã nghiện thì các đối tượng rất cần tiền để mua ma túy, từ đó gây ra những hành vi bất chấp đạo lý. Chúng ta, nhất là người yếu thế, sống cạnh người nghiện thì không biết hậu quả sẽ thế nào. Trong thời COVID-19 này, kinh tế, đời sống khó khăn, tôi cho rằng tội phạm, trong đó có tội phạm về ma túy sẽ rất nhiều”.

ĐB Bùi Mậu Quân (Hải Dương) chia sẻ: Khi đã nghiện rồi thì người ta có thể sinh ra các hành vi trộm, cướp. Nhìn thấy những phụ nữ đeo vòng cổ, vòng tay… người ta có thể cướp để kiếm tiền mua ma túy ngay.

“Từ người bệnh trở thành người nghiện, thành tội phạm là ranh giới rất mong manh. Khi đó, người nghiện không chỉ gây ra tội lỗi với người khác mà còn là người thân của mình. Tôi từng chứng kiến có những vụ người nghiện nằm ra cửa nói bố mẹ nếu không đưa tiền cho đi mua ma túy thì cứ… bước qua xác” - ĐB Quân kể và cho rằng người nghiện ở ngoài xã hội là rất nguy hiểm.

Vậy người nghiện ma túy có cai, chữa khỏi được không? ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nói về mặt y tế thì cực kỳ khó. Bởi khi một người nghiện ma túy, nhất là khi đã tiêm chích rồi thì rất khó cai. Ở góc độ vĩ mô, chiến lược, ĐB Hiếu cho rằng dự luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) có hai công tác là “phòng” và “chống” ma túy. Nhưng dường như các biện pháp chỉ nghiêng về “chống” mà chưa chú trọng nhiều đến “phòng”.

“Ma túy ai cũng thấy nguy hiểm nhưng nó chỉ gây tác hại ở các nước nghèo” - ĐB Nguyễn Lân Hiếu nhận định. Ông cho rằng kinh tế - xã hội phát triển lên thì sẽ giảm được sự tàn phá của ma túy bền vững hơn. “GDP tăng lên một chút là sẽ khác hẳn. Càng nghèo càng khổ thì ma túy càng tấn công vào người nghèo, bởi họ cũng chưa có hiểu biết đầy đủ về ma túy. Kinh nghiệm những nước xung quanh, khi kinh tế - xã hội phát triển lên thì ma túy giảm. Chẳng hạn như Malaysia hiện nay cũng giảm tỉ lệ người nghiện ma túy đi nhiều” - ĐB Hiếu nói và đề xuất nên phối hợp, học tập các nước phát triển trong phòng, chống ma túy.

Các học viên lao động tại cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Hưng Yên. Ảnh: TTXVN

Có nên giao tư nhân cai nghiện ma túy?

Một trong những vấn đề mà các ĐB quan tâm là ai chủ trì công tác cai nghiện. ĐB Nguyễn Mai Bộ đề xuất giao cơ sở cai nghiện công lập cho Bộ Công an quản lý thay vì để ở Bộ LĐ-TB&XH như hiện nay. ĐB Bộ nói Bộ Công an có đủ biện pháp mạnh để quản lý tốt công tác cai nghiện.

ĐB Ngô Minh Châu (TP.HCM) nói hiện có hình thức chữa bệnh, cai nghiện cộng đồng, cai nghiện tập trung và nhóm còn nghi vấn chưa phát hiện. Ông Châu đề nghị phải nghiên cứu cách ứng xử với cai nghiện cộng đồng cho phù hợp. ĐB Châu khá ủng hộ việc cai nghiện tập trung, bởi ông cho rằng đó là biện pháp nhân đạo. 

“Hồi chúng tôi đi làm BLHS ở Quảng Ninh, gặp đúng hôm Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh “vỡ trận” vì hôm đó có trại cai nghiện mà học viên phá trại. Lực lượng cưỡng chế không có. Chúng ta có thực tế rồi thì mạnh dạn giao cho Bộ Công an, để từ đó thiết kế lại Điều 12 về cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy” - ĐB Bộ đề xuất.

ĐB Bùi Mậu Quân thì lại nói “giao cho công an cũng là khó khăn”. Ông Quân cho rằng nếu đã xác định người nghiện là người bệnh thì nên cai nghiện tại cộng đồng, gia đình và nên xã hội hóa công tác này. Nếu có giao cho công an thì cũng không triệt để được. ĐB Quân dẫn ra các thành tích về bắt giữ ma túy, coi đó như một cách “phòng” hiệu quả, diệt được ma túy tận gốc. “Đây là vấn đề xã hội nên phải đấu tranh có bài bản, căn cứ và nguồn lực” - ĐB Quân nói.

ĐB Võ Thị Ánh Xuân (An Giang) hỏi ĐB Quân xem liệu quy định về các cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân như ở Điều 32 của dự luật có khả thi không: “Nhà nước quản lý còn khó khăn, quy định này thực tế có thể triển khai được không? Giao cho tư nhân thì cần cho họ quyền gì?” - bà hỏi.

ĐB Quân nói ma túy là một vấn đề xã hội và cai nghiện ma túy cần phải được xã hội hóa. Cai nghiện tại cộng đồng, tư nhân có mô hình rồi nhưng cũng chưa phù hợp lắm.

“Phải có cơ chế. Có thể phải giao cả quyền để cơ sở cai nghiện tư nhân hợp đồng với lực lượng bảo vệ, có chuyên môn, thậm chí có thể cho phép sử dụng công cụ hỗ trợ. Một số vụ phá trại cai nghiện nhưng bảo vệ thì yếu, rồi cũng lại phải công an truy bắt. Phải có cơ chế, chứ nói chung chung cũng khó” - ĐB Quân bày tỏ.

Khôi phục các cơ sở cai nghiện tập trung?

Cai nghiện ma túy: Bộ Công an quản hay xã hội hóa? ảnh 2
 

Trước đây, gần như tỉnh nào cũng có cơ sở cai nghiện tập trung. Năm 2008, khi sửa đổi luật, chúng ta coi người nghiện là bệnh nhân, cai nghiện tại gia đình thì một số cơ sở cai nghiện ở ta chuyển sang mục đích khác. Tôi cho là cơ sở cai nghiện tập trung rất quan trọng. Nhiều gia đình có con bị nghiện ma túy cũng rất đau khổ, không quản lý được thì còn phải xích chân con lại nhưng cũng không giải quyết được gì.

Tôi sang Trung Quốc thấy họ thực hiện cai nghiện chặt chẽ như trại giam. Một đối tượng nếu có hồ sơ đầy đủ chứng minh nghiện ma túy là phải cai nghiện ba năm. Sau cai nghiện, nếu tái nghiện là bị truy tố. Trung Quốc giao các trại cai nghiện tập trung này cho Bộ Công an, còn một số nước như Thái Lan thì vẫn là Bộ LĐ-TB&XH. Tôi cho rằng cần có cơ sở cai nghiện tập trung.

Thượng tướng LÊ QUÝ VƯƠNG, Thứ trưởng Bộ Công an 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm