Cần ban hành nghị định mới về thừa phát lại

Việc phát triển chế định thừa phát lại đang có dấu hiệu chựng lại và Chính phủ cần ban hành nghị định mới để thúc đẩy sự phát triển của chế định này.

Theo bà Thuận, vào tháng 11-2015, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 107 cho phép thực hiện chế định thừa phát lại trên phạm vi cả nước kể từ ngày 1-1-2016. Tuy nhiên, trong sáu tháng đầu năm 2016, việc triển khai thực hiện nghị quyết này đang có dấu hiệu chựng lại. Nguyên nhân là do thiếu kinh phí nên các tòa án không chuyển giao giấy tờ, văn bản cho các văn phòng thừa phát lại tống đạt, cơ quan thi hành án dân sự cũng chỉ giao nhỏ giọt. Việc xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án của các văn phòng thừa phát lại cũng có hạn chế và đạt tỉ lệ thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu của các văn phòng thừa phát lại chủ yếu đến từ việc lập vi bằng nhưng trong công tác này cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu hướng dẫn cụ thể.

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Bình Thuận. Ảnh: C.LUẬN

Đặc biệt, một nguyên nhân nữa cũng rất quan trọng là quy định pháp luật chưa được ban hành kịp thời. Nghị quyết 107/2015 của Quốc hội có giao cho Chính phủ hướng dẫn thực hiện về chế định thừa phát lại nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa có nghị định hướng dẫn, sửa đổi, thay thế Nghị định 61/2009 và Nghị định 135/2013 (về thí điểm thực hiện chế định thừa phát lại). Vì thế, việc triển khai thừa phát lại rất khó khăn. Các cơ quan liên quan như VKS, tòa án... cũng nói vì không có hướng dẫn nên cũng khó phối hợp thực hiện.

Từ đó, bà Thuận đã đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành nghị định hướng dẫn, sửa đổi, thay thế Nghị định 61/2009 và Nghị định 135/2013, đồng thời ban hành quy chế phối hợp nhằm thúc đẩy chế định thừa phát lại phát triển trên phạm vi cả nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm