Cần sớm hợp pháp hóa việc cá nhân kêu gọi từ thiện

Trong văn hóa của người Việt Nam, tinh thần tương thân tương ái luôn được đề cao. Câu chuyện người giúp nhau chén cơm, nhúm gạo lúc khó khăn, hoạn nạn dường như chẳng còn quá xa lạ. Khi xã hội càng thay đổi, nhiều giá trị tinh thần bị lãng quên thì cái nghĩa “nhiễu điều phủ lấy giá gương” vẫn được phát huy là một điều đáng mừng.

Tuy nhiên, khi giá trị của những vật chất quyên tặng ngày càng lớn thì giữa người cho tặng, người nhận và người thực hiện việc từ thiện đòi hỏi càng phải có sự rõ ràng.

Các nhóm thiện nguyện chuyển lương thực cứu trợ người dân miền Trung bị ảnh hưởng mưa lũ hồi tháng 10-2020. Ảnh: TT

Thời gian dài vừa qua, nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng kêu gọi từ thiện đã bị gọi tên, yêu cầu sao kê tài khoản vì hoài nghi có sự thiếu minh bạch. Từ những việc làm nhân văn, phát huy được nguồn lực xã hội kịp thời giúp đỡ người dân vượt qua lúc khó khăn, thiên tai, dịch bệnh… thì giờ đây việc từ thiện trở thành vấn đề bàn tán với nhiều ý kiến tiêu cực.

Nhìn nhận từ góc độ luật pháp thì những ồn ào về việc làm từ thiện của nghệ sĩ, người nổi tiếng có hai nguyên nhân lớn.

Thứ nhất, Điều 5 Nghị định 64/2008 chỉ cho MTTQ và Hội Chữ thập đỏ… hay nói cách khác là cơ quan nhà nước được phép tiếp nhận, phân phối nguồn lực thiện nguyện. Theo quy định này thì các chủ thể khác ngoài các chủ thể nêu trên không được phép tiếp nhận, phân phối nguồn lực thiện nguyện.

Cách quy định như trên là không phù hợp thực tiễn vì rõ ràng là năng lực tiếp nhận và phân phối các nguồn lực từ thiện của các chủ thể này có giới hạn, trong khi nhu cầu được cứu trợ, hỗ trợ của người dân là rất cao. Vì vậy, thời gian qua đã xuất hiện các cá nhân kêu gọi đóng góp và phân phối nguồn lực đóng góp thiện nguyện. Dù hành vi này không phù hợp với quy định nhưng lại có lợi cho người gặp khó khăn.

Thứ hai, khi cá nhân sử dụng tài khoản của mình để kêu gọi và tiếp nhận đóng góp từ thiện, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng thì ngân hàng chịu trách nhiệm bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng. Do vậy, việc kiểm soát tiền đến, tiền đi như thế nào, khách hàng chỉ có thể cung cấp cho chủ tài khoản hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Từ đây bắt nguồn cho sự nghi ngờ về những tài khoản cá nhân làm từ thiện không minh bạch thông tin và gây mất niềm tin cho những người ủng hộ từ thiện, gây nên sự lo lắng cho những người kêu gọi từ thiện vì điều đó có thể ảnh hưởng đến uy tín cá nhân của họ.

Do có những bất cập trong hoạt động kêu gọi, quyên góp thiện nguyện của cá nhân nên nhà làm luật cần sớm hợp pháp hóa việc cá nhân, tổ chức tư được phép kêu gọi từ thiện để tăng sự hỗ trợ cho người dân các vùng gặp thiên tai, khó khăn. Điều này giúp xã hội hóa hoạt động cứu trợ tốt hơn.

Đồng thời, Nhà nước cần xây dựng cơ chế kiểm soát pháp lý các tài khoản từ thiện bằng cách cho phép xuất hiện quỹ tín thác (Trust) từ thiện. Quỹ này cần được quản lý và điều hành công khai bởi nhiều chủ thể, chứ không chỉ một mình người kêu gọi từ thiện. Từ đó việc kêu gọi từ thiện trở nên minh bạch hơn, sức lan tỏa tốt hơn để huy động nguồn lực xã hội giúp đỡ nhiều hơn cho những hoàn cảnh khó khăn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm