Cẩn trọng thì ít oan sai nhưng dễ lọt tội

Ngày 4-9, Ủy ban Tư pháp thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; báo cáo về công tác thi hành án; báo cáo của viện trưởng VKSND Tối cao và chánh án TAND Tối cao.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu thuộc Ủy ban Tư pháp, tình trạng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhiều lần giữa TAND và VKSND đã giảm đáng kể. Trong 1.300 hồ sơ TAND trả yêu cầu điều tra bổ sung, có 93% được VKS chấp nhận. Đáng lưu ý, số vụ án TAND trả hồ sơ cho VKSND, yêu cầu điều tra bổ sung nhiều gấp gần hai lần số vụ VKSND trả hồ sơ cho CQĐT.

Không trả hồ sơ kiểu thoải mái

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu thực tế: Nhiều năm qua, những vụ án phức tạp (do CQĐT cấp trung ương tiến hành điều tra, VKSND Tối cao kiểm sát điều tra) là loại án trả hồ sơ điều tra nhiều lần và tỉ lệ trả cao nhất, trên dưới 40%. “Cũng có thể lý giải một phần là án lớn thì phức tạp. Nhưng thường án lớn, phức tạp thì người làm thường là cấp cao và tinh nhuệ. Đề nghị các đồng chí lý giải thêm để năm tới hạ bớt tỉ lệ này xuống được không?” - bà Nga nói.

Đáp lại, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí giải thích: Trong nghiệp vụ, việc quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung là một động tác để làm rõ bản chất tội phạm mà giai đoạn trước làm chưa ra. Nếu cho qua luôn, đưa ra truy tố, xét xử sẽ bỏ lọt tội phạm. Ông Trí cho hay ông đã có lần báo cáo với Quốc hội về nguyên nhân vì sao án tham nhũng, kinh tế cứ bị trả đi trả lại. Vì đây là đối tượng có trình độ, có quan hệ, có tiền, có khả năng đối phó, thậm chí còn có những tác động khác. “Đặc biệt là tham nhũng trong hoạt động tư pháp thì xin thưa, chính cơ quan bảo vệ pháp luật vi phạm pháp luật” - ông Trí nhấn mạnh.

Ông Trí nói thêm: “Người ta đối phó giỏi thì đây là sự đấu tranh. Hai đối thủ ngang ngửa nhau thì trận đấu kéo dài là chuyện bình thường. Bây giờ đối tượng như thế, mình cứ nói kết thúc ngay được thì chỉ có không làm thôi, chứ làm thì phải trả đi trả lại. Vừa rồi, chính nhờ trả đi trả lại mà có những vụ án chúng ta xét xử được”.

“Trả hồ sơ thì luật cho phép nhưng không thể nói là trả nhiều lần và trả thoải mái, những án lớn cũng du di ở một tỉ lệ nhất định. Hằng năm, trả hồ sơ những án nghiêm trọng, phức tạp tới hơn 40%, liên tục các năm như thế, nếu đồng chí viện trưởng là cơ quan thẩm tra thì sẽ nói thế nào với cử tri và Quốc hội?” - bà Lê Thị Nga đặt tiếp câu hỏi.

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí tại cuộc họp. Ảnh: Đ.Minh

Cần sự an toàn cho cán bộ tư pháp

“Đấu tranh tội phạm đối với những án mình cho là đặc biệt nghiêm trọng và có đặc thù cần phải mạnh tay. Mạnh tay thì dễ oan sai, dễ lố, còn thận trọng, cẩn trọng thì ít có oan sai nhưng dễ lọt tội phạm” - ông Lê Minh Trí nêu quan điểm và đặt câu hỏi trong trường hợp phải mạnh tay thì chính sách bồi thường nhà nước thế nào? Đối với kỷ luật từng ngành thế nào?

Ông Trí kiến nghị cần có chính sách phù hợp với cán bộ tư pháp. Ông Trí kể trong vụ án ông Nguyễn Khắc Thủy (Vũng Tàu), khi đó ông đã phải yêu cầu viện trưởng VKSND TP Vũng Tàu phê chuẩn lệnh khởi tố với “cam kết” sau này chứng minh không được thì đình chỉ, không lo chuyện thi đua. “Thế vậy mới xử được. Còn suốt sáu tháng, VKSND Vũng Tàu không khởi tố được vì chỉ có lời tố giác duy nhất” - ông Trí nói.

“Vừa qua, luật mới ban hành rất nhiều nhiệm vụ, rất nhiều yêu cầu, áp lực anh em rất ghê gớm, cả CQĐT, VKS và tòa. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đè nặng lên trách nhiệm của anh em nhưng lại yêu cầu chống oan sai và chống bỏ lọt cũng rất cao” - ông Trí nói và cho rằng khi đề cao yêu cầu tấn công tội phạm thì cũng cần có chính sách an toàn cho đội ngũ cán bộ điều tra, truy tố, xét xử.

“Tôi đang cho điều chỉnh lại quy chế nghiệp vụ của ngành kiểm sát. Sắp tới, tai nạn nghề nghiệp tôi cho qua, chỉ cố ý làm trái, làm sai pháp luật tôi mới xử. Một năm 10 vụ, anh em làm tốt chín vụ, chỉ một vụ rủi ro mình cũng trừ thi đua, thậm chí tới khi bổ nhiệm mình gạt luôn thì anh em không có động lực làm việc” - ông Trí nói và cho rằng ngành công an, tòa án cũng phải đồng bộ để cán bộ yên tâm làm. Ông Trí cũng cho rằng Quốc hội nên ban hành nghị quyết chống lọt tội phạm vì “lọt tội là mầm mống của tiêu cực”.

Bà Lê Thị Nga nói tiếp: “Chúng tôi đồng ý, tấn công tội phạm thì phải có biện pháp bảo vệ cho anh em. BLHS cũng có những điều luật loại trừ trách nhiệm của cán bộ tố tụng trong những trường hợp nhất định. Chống oan sai và chống bỏ lọt luôn đi kèm với nhau. Nhưng nếu mình là gia đình có người bị oan sai, chúng ta có chấp nhận việc để tấn công tội phạm mà cho phép oan sai không?”.

Đề nghị giải trình vụ cưa gỗ khô bị tội

Tại phiên họp, bà Lê Thị Nga đã đề nghị chánh án TAND Tối cao giải trình về vụ án cưa gỗ khô bị tội. “Liên quan đến kháng nghị giám đốc thẩm của TAND Tối cao về vụ việc báo Pháp Luật TP.HCM nhiều lần nêu, có phản ứng của dư luận về việc bị cáo Phạm Tiến Dũng cưa cây gỗ khô trong rừng bị xử tội trộm cắp. Chúng tôi đề nghị xem đây như là một yêu cầu giải trình của ủy ban đối với chánh án, đề nghị đồng chí làm rõ” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói.

Liên quan đến vụ này, bốn luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh, Lê Văn Hoan, Nguyễn Thành Công và Trần Cao Đại Kỳ Quân cũng vừa có đơn gửi chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị được tham dự phiên xét xử giám đốc thẩm vụ án sắp tới theo Điều 383 BLTTHS 2015.

Tội phạm trong chính cơ quan phòng, chống tội phạm

Trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết hoạt động của các băng, ổ nhóm tội phạm hình sự có dấu hiệu phức tạp trở lại, có sự đan xen, gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường.

Các băng nhóm tội phạm triệt để lợi dụng danh nghĩa các doanh nghiệp để phạm tội, nhất là lĩnh vực cho vay tài chính, hoạt động “tín dụng đen”. Riêng tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế đã phát hiện hơn 16.000 vụ; 282 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ (tăng 27,03%).

Nổi bật, do tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp nên tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực, “tham nhũng vặt” trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.

Từ thực tiễn các vụ án lớn đã xử lý cho thấy các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng, tạo ra các nhóm lợi ích hoặc móc ngoặc giữa khu vực Nhà nước và doanh nghiệp tạo “sân sau”, công ty gia đình, dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu cho các dự án, thâu tóm đất công; cho vay sai nguyên tắc, thế chấp vòng vo, rút tiền của Nhà nước, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha nhận định bên cạnh những kết quả thì công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật còn một số hạn chế. Đáng chú ý, đã có một số tội phạm xảy ra ngay trong chính cơ quan phòng, chống tội phạm, có sự tiếp tay hoặc tham gia của một số sĩ quan cấp cao trong lực lượng công an…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm