Cần xử lý các 'ông lớn' viễn thông vụ đánh bạc ngàn tỉ?

Sáng 22-11, phiên sơ thẩm xét xử vụ án đánh bạc trực tuyến ngàn tỉ liên quan đến hai cựu tướng công an tiếp tục với phần tranh luận.

Đáng chú ý, trong phần bào chữa của mình, luật sư (LS) Trần Hồng Phúc, người bào chữa cho Nguyễn Văn Dương, ngoài việc đề nghị HĐXX giảm nhẹ tối đa trách nhiệm hình sự đối với thân chủ còn cho rằng cần phải xử lý trách nhiệm của các nhà mạng trong vụ án này.

LS Trần Hồng Phúc trình bày.

Theo LS Phúc, đại đa số người chơi bạc sử dụng hình thức thẻ cào viễn thông (Viettel, VinaPhone, MobiFone) để đăng nhập vào hệ thống trò chơi do Công ty Nam Việt quản lý để đổi lấy Rik. Do sự quản lý lỏng lẻo của các nhà mạng để cho công ty trung gian thanh toán lại kết nối với nhà mạng nhằm gạch thẻ, điều đó chứng minh nhà mạng đang thu mua lại chính thẻ do mình phát hành ra.

“Nếu các nhà mạng không cho phép gạch thẻ cào viễn thông của mình thanh toán cho các dịch vụ game thì không có việc dùng thẻ điện thoại đổi rik chơi game. Nhà mạng chỉ có thể cho gạch thẻ vào dịch vụ viễn thông của chính nhà mạng, nay lại cho thanh toán nội dung số của các game khác với phạm vi dịch vụ viễn thông của mình nên có phần lỗi của nhà mạng” - nữ LS đặt vấn đề.

Tại phiên tòa sáng 17-11, bị cáo Phạm Tuấn Anh (trưởng phòng kỹ thuật vận hành - trung tâm thanh toán Công ty CNC) và Nguyễn Ngọc Thịnh (nhân viên trung tâm thanh toán Công ty CNC) đã khẳng định thẻ cào viễn thông vốn chỉ là thẻ thanh toán giá cước khi sử dụng dịch vụ thông tin di động theo quy định.

Tuy nhiên, chúng lại được các nhà mạng đưa vào game bài, thông qua biện pháp phát hành rồi thu mua lại chính thẻ của mình thì mới nạp được vào game. Như vậy, việc phát hành thẻ rồi qua dịch vụ gạch thẻ mua lại chính là hành vi “biến” thẻ thanh toán dịch vụ viễn thông thành tiền. Nếu không có việc gạch thẻ này thì người chơi không đánh bạc được và không có vụ án này.

“Đại diện VKS cho rằng các cổng trung gian thanh toán như của CNC là để “nuôi sống con game” nhưng chúng tôi cho rằng các cổng này không nuôi sống được, sẽ chết nếu không cho gạch thẻ cào viễn thông. Bản chất cổng CNC chỉ là cổng chuyển tiếp gạch thẻ, do không kết nối trực tiếp với nhà mạng nên không gạch thẻ được” - LS Phúc khẳng định.

Ngoài ra, cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ cũng kết luận số tiền thu lời bất chính của các công ty viễn thông (Tổng Công ty Viễn thông quân đội Viettel, Tổng Công ty Dịch vụ viễn thông (Tập đoàn VNPT), Tổng Công ty Viễn thông MobiFone) phải truy thu là trên 1.200 tỉ đồng. Sau khi vụ án bị khởi tố, các nhà mạng đã dừng dịch vụ thẻ cào thanh toán trực tuyến. Điều này chứng minh các nhà mạng đã nhận thấy lỗi sai của mình.

LS Phúc còn dẫn lại thông tin từ truyền thông về hội nghị giao ban quản lý tháng 4-2018 của Bộ TT&TT. Tại đây, Cục Viễn thông được yêu cầu phải hoàn thành Đề án quản lý thẻ cào di động trong thanh toán dịch vụ nội dung số và báo cáo lãnh đạo Bộ trước ngày 15-5-2018. Sau đó, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về biện pháp quản lý thẻ cào di động.

Như vậy, động thái này cho thấy quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông có những lỗ hổng, khiếm khuyết và cơ quan quản lý nhà nước phải đi vào hoàn thiện hành lang pháp lý mà cụ thể là các biện pháp quản lý thẻ cào. Do đó, cần đánh giá nhìn nhận “nhân văn”, có tình có lý đối với trách nhiệm hình sự của các bị cáo, trong đó có Nguyễn Văn Dương phạm tội liên quan đến game online trái phép trong bối cảnh thiếu khuyết về hành lang pháp lý liên quan trực tiếp đến việc sử dụng thẻ cảo viễn thông vào game bài.

“Việc chưa xem xét đồng thời trách nhiệm của các nhà mạng trong vụ án này đã làm cho vụ án chưa được toàn diện, việc xử lý các bị cáo trong vụ án này thiếu vắng vai trò của các nhà mạng có phần gây bất lợi cho các bị cáo về tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc…” - LS Phúc nói.

 VKS đề nghị tuy thu 3 nhà mạng hơn 100 tỉ đồng

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ, tổng số tiền các nhà mạng được hưởng trong vụ án đánh bạc trực tuyến ngàn tỉ nói trên là hơn 1.200 tỉ đồng. Trong đó, Viettel hưởng hơn 913 tỉ đồng, VinaPhone hưởng hơn 147 tỉ đồng; MobiFone hưởng hơn 171 tỉ đồng.

Cơ quan công tố xác định đây là số tiền thu lời không chính đáng đã được chứng minh là nguồn gốc tiền do đánh bạc mà có, nên việc hưởng lợi của các nhà mạng là không có căn cứ pháp lý, vi phạm khoản 1 Điều 10 Nghị định số 25/2011.

Do vậy, cơ quan này đề nghị áp dụng điểm b khoản 1 Điều 41 BLHS năm 1999, được sửa đổi bổ sung năm 2009 để truy nộp ngân sách nhà nước. Tổng số tiền phải truy thu của ba nhà mạng theo cáo trạng là hơn 300 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong phần tranh luận, đại diện VKS chỉ đề nghị truy thu hơn 100 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vụ án ông Tô Hoài Dân: Phản cung toàn diện

Vụ án ông Tô Hoài Dân: Phản cung toàn diện

(PLO)- Cả 3 bị cáo trong vụ án lừa đảo liên quan ông Tô Hoài Dân ở Cà Mau đều phản cung, cho rằng mình không có chiếm đoạt của Nhà nước 7,3 tỉ đồng như cáo buộc.