Cấp phiếu lý lịch tư pháp, làm sao tiện cho dân?

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, tính đến 31-12-2015, Trung tâm Lý lịch tư pháp (LLTP) quốc gia đã cấp 536 phiếu LLTP cho người nước ngoài có thời gian cư trú tại Việt Nam; các Sở Tư pháp đã cấp hơn 1,2 triệu phiếu LLTP...

Còn tình trạng chậm cấp phiếu

Ông Hoàng Quốc Hùng (Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia) nhìn nhận mặc dù đã giải quyết được một số lượng lớn yêu cầu cấp phiếu LLTP nhưng tình trạng chậm thời hạn cấp phiếu LLTP vẫn “diễn ra phổ biến tại Trung tâm LLTP quốc gia và hầu hết các Sở Tư pháp”. “Ngoài hai Sở Tư pháp không chậm thời hạn cấp phiếu cùng năm Sở Tư pháp có tỉ lệ chậm thời hạn dưới 1%, các Sở Tư pháp còn lại đều bị chậm thời hạn cấp phiếu LLTP. Cá biệt có bảy Sở Tư pháp tỉ lệ chậm thời hạn khá cao từ 39% đến 62%” - ông Hùng nói.

Để khắc phục, ông Hùng cho biết từ tháng 12-2015, Trung tâm LLTP quốc gia đã phối hợp với Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát (C53 Bộ Công an) thử nghiệm tra cứu, xác minh thông tin thông qua việc sử dụng phần mềm “kiềng ba chân” kết nối giữa Trung tâm LLTP quốc gia, C53 Bộ Công an và các Sở Tư pháp. Việc thử nghiệm được thực hiện tại trung tâm và 31 Sở Tư pháp.

Hội nghị toàn quốc tổng kết năm năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp. Ảnh: Đ.MINH

Mô hình “kiềng ba chân” nói trên được áp dụng cho những trường hợp tra cứu, xác minh phức tạp như công dân Việt Nam cư trú ở nhiều nơi, có thời gian cư trú ở nước ngoài và người nước ngoài có yêu cầu cấp phiếu LLTP. Mô hình này dùng phần mềm “tra cứu án tích” kết hợp với máy scan tốc độ cao để truyền trực tiếp (qua Internet) yêu cầu tra cứu thông tin LLTP, hồ sơ của đương sự từ Sở Tư pháp về C53 Bộ Công an và Trung tâm LLTP quốc gia. C53 Bộ Công an có trách nhiệm tra cứu, trả kết quả xác minh án tích về Trung tâm LLTP quốc gia (qua Internet) ngay trong ngày. Sau khi rà soát, đối chiếu với cơ sở dữ liệu của Trung tâm LLTP quốc gia, giám đốc trung tâm sẽ ký công văn trả lời kết quả tra cứu, xác minh rồi truyền qua Internet về Sở Tư pháp các địa phương.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, giải pháp trên được sự hưởng ứng lớn từ phía người dân. Dù quy trình, thủ tục vẫn cần hoàn thiện thêm nhưng ông Ngọc mong muốn mô hình này được áp dụng đại trà, tạo “bước nhảy vọt” trong công tác cấp phiếu LLTP.

Nhiều bất cập về quy định

Hội nghị cũng dành một chuyên đề mổ xẻ bất cập của Luật LLTP hiện hành, trên cơ sở đó đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung phù hợp.

Theo đại diện Trung tâm LLTP quốc gia, Hiến pháp 2013 đề cao quyền con người, trong đó quy định rõ mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân; thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được pháp luật bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, quy định về quyền yêu cầu cấp phiếu LLTP số 2 hiện nay thể hiện cả những án tích đã được xóa của người từng bị kết án. Đặc biệt, phiếu LLTP số 2 chỉ cấp cho cơ quan tố tụng và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết nội dung về LLTP của mình. Nhưng trong thực tiễn triển khai, quy định này đã bị lạm dụng khi một số cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài yêu cầu công dân Việt Nam và người nước ngoài có thời gian cư trú ở Việt Nam phải nộp phiếu LLTP số 2 khi xin thị thực nhập cảnh...

Cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng trình tự, thủ tục cấp phiếu LLTP còn nhiều bất cập, gây khó khăn, trở ngại cho người dân và gây lúng túng cho cơ quan giải quyết yêu cầu. Chẳng hạn, hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP chưa thật sự thuận tiện, phù hợp như quy định phải có CMND hoặc hộ chiếu đối với người chưa đủ 14 tuổi, người không quốc tịch hoặc giấy tờ xác nhận tạm trú hoặc sổ đăng ký thường trú, tạm trú của người nước ngoài đã từng cư trú tại Việt Nam…

Ngoài ra, theo quy định, cá nhân phải nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP và nhận kết quả trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu. Phương thức cấp phiếu này đã làm tăng chi phí, gây những khó khăn nhất định cho người yêu cầu cấp phiếu đang học tập, lao động, cư trú ở nước ngoài hoặc cư trú ở xa nơi đăng ký hộ khẩu thường trú…

Thí điểm cấp phiếu qua bưu điện

Trung bình mỗi ngày Sở Tư pháp TP.HCM tiếp nhận khoảng 200 yêu cầu cấp phiếu LLTP (có thời điểm lên tới 300-500 hồ sơ/ngày) và thực hiện trả kết quả tương đương với số lượng hồ sơ tiếp nhận.

Sở Tư pháp TP.HCM là đơn vị được chọn thí điểm thực hiện đề án thí điểm cấp phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến. Đề án được triển khai từ cuối tháng 9-2015, tính đến nay Sở đã tiếp nhận 229 hồ sơ LLTP trực tuyến và chuyển phát thành công hơn 4.400 hồ sơ đến người có yêu cầu cấp phiếu LLTP. Dịch vụ chuyển phát kết quả giải quyết hồ sơ LLTP đến địa chỉ của người dân qua bưu điện đã đáp ứng nhu cầu của người dân, giảm lượng khách đến trực tiếp tại trụ sở cơ quan và đến nay chưa xảy ra trường hợp khiếu nại liên quan đến đời tư cá nhân...

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vụ án ông Tô Hoài Dân: Phản cung toàn diện

Vụ án ông Tô Hoài Dân: Phản cung toàn diện

(PLO)- Cả 3 bị cáo trong vụ án lừa đảo liên quan ông Tô Hoài Dân ở Cà Mau đều phản cung, cho rằng mình không có chiếm đoạt của Nhà nước 7,3 tỉ đồng như cáo buộc.