Cha mẹ chưa đăng ký kết hôn, trẻ vẫn được khai sinh

Trao đổi, luật sư (LS) Tăng Quốc Thừa, Đoàn LS TP.HCM, cho biết tinh thần của pháp luật về hộ tịch là ưu tiên bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Để đảm bảo mọi đứa trẻ sinh ra đều được làm giấy khai sinh, Luật Hộ tịch 2014 và các văn bản hướng dẫn đã dự liệu gần như bao quát hết mọi trường hợp có thể xảy ra.

Mọi đứa trẻ đều có quyền khai sinh

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch 2014 và khoản 1 Điều 9 Nghị định 123/2015, người đi đăng ký khai sinh tại UBND cấp xã nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cán bộ hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.

Tương tự, khi đăng ký khai sinh tại UBND cấp huyện, theo khoản 1 Điều 36 Luật Hộ tịch 2014 và khoản 1 Điều 9 Nghị định 123/2015, người đi đăng ký khai sinh cũng phải nộp các loại giấy tờ trên. Trường hợp cha hoặc mẹ, hoặc cả cha và mẹ là người nước ngoài thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con. Trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài mà người đó là công dân.

Điều 12 Thông tư 15/2015 của Bộ Tư pháp quy định nếu khi đăng ký khai sinh cho trẻ mà có người yêu cầu nhận cha, mẹ, con thì cơ quan đăng ký hộ tịch kết hợp giải quyết thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con.

Hồ sơ gồm có: Tờ khai đăng ký khai sinh và tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định; giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch (văn bản của người làm chứng về việc sinh, nếu không có thì giấy cam đoan về việc sinh, biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi, văn bản chứng minh việc mang thai hộ); chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 11 Thông tư 15.

Anh Nguyễn Hoài Thanh phải ngồi chờ ở UBND xã Hòa Minh, Châu Thành, Trà Vinh cả ngày mới làm được khai sinh cho con. Ảnh: T.VÂN

Về chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con gồm những loại giấy tờ sau: Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền. Trường hợp không có các văn bản nêu trên thì phải có thư từ, phim, ảnh, băng đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ và giấy cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ là con chung của hai người.

Như vậy, việc cán bộ hộ tịch đòi hỏi sổ tạm trú của cha hoặc mẹ; không chấp nhận một số loại giấy tờ thay thế giấy chứng sinh (trường hợp không có hoặc bị mất giấy chứng sinh); không chấp nhận thư từ, phim, ảnh, băng đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ và giấy cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ là con chung của hai người (trường hợp không có giấy xét nghiệm ADN)... là sai quy định hiện hành.

Những trường hợp đặc biệt

Ngoài ra, theo LS Tăng Quốc Thừa, Điều 13 Thông tư 15 còn quy định chi tiết việc đăng ký nhận cha, mẹ, con, bổ sung hộ tịch cho các trường hợp đặc biệt.

Thứ nhất là trường hợp nam, nữ sống chung như vợ chồng, không đăng ký kết hôn mà có con chung. Nếu đứa trẻ sống chung với cha, khi người cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với người mẹ thì không cần có ý kiến của người mẹ trong tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con. Nếu có giấy chứng sinh và giấy tờ tùy thân của người mẹ thì phần khai về người mẹ được ghi theo giấy chứng sinh và giấy tờ tùy thân của người mẹ. Nếu không có giấy chứng sinh và giấy tờ tùy thân của người mẹ thì ghi theo thông tin do người cha cung cấp, người cha chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp.

Thứ hai là trường hợp con sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, đã được đăng ký khai sinh, không có thông tin về người cha. Vợ chồng có văn bản thừa nhận con chung thì không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con mà làm thủ tục bổ sung hộ tịch để ghi bổ sung thông tin về người cha trong sổ đăng ký khai sinh và giấy khai sinh.

Thứ ba là trường hợp con sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, chưa từng được đăng ký khai sinh mà vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì thông tin về người cha được ghi ngay vào giấy khai sinh mà không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con...

Một số trường hợp bị làm khó

- Vợ chồng chị Nguyễn Thị Minh Phương (phường Hiệp Phú, quận 9, TP.HCM) tổ chức đám cưới năm 2016, chưa đăng ký kết hôn vì anh đi lao động ở nước ngoài, chưa xác nhận độc thân được. Tháng 3-2017, chị Phương sinh bé gái, chồng chị liên hệ phường Hiệp Phú (nơi chị Phương có hộ khẩu thường trú) để làm khai sinh cho bé thì một cán bộ phường hướng dẫn phải làm xét nghiệm ADN để chứng minh mối quan hệ cha, con thì mới ghi tên cha trong giấy khai sinh của bé.

Sau khi báo phản ánh, ông Lê Hùng Phi, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Phú, cho biết sẽ giải quyết cho người dân theo đúng quy định pháp luật.

- Vợ chồng anh Nguyễn Hoài Thanh (xã Hòa Minh, Châu Thành, Trà Vinh; một người khuyết tật phải ngồi xe lăn bán vé số) cưới nhau năm 2011, chưa đăng ký kết hôn vì nhà gái không chấp nhận, giấu hết giấy tờ tùy thân của chị. Họ có một bé trai năm nay hơn bốn tuổi. Khi bé hai tuổi, bà nội bé ra xã Hòa Minh (nơi anh Thanh có hộ khẩu thường trú) làm giấy khai sinh cho bé thì cán bộ tư pháp-hộ tịch Trần Thị Cẩm Hồng không tiếp nhận hồ sơ với lý do vợ chồng anh Thanh không có giấy chứng nhận kết hôn. Anh Thanh đề nghị làm khai sinh cho con chỉ ghi tên cha, không ghi tên mẹ, bà Hồng cũng không chịu, nói anh Thanh không có gì chứng minh là cha bé. Anh Thanh đề nghị đi xét nghiệm ADN, bà Hồng lắc đầu, bảo vợ anh phải về Cần Thơ xin tạm vắng rồi sang đây làm sổ tạm trú.

Sáng 17-5, PV Pháp Luật TP.HCM đã cùng vợ chồng anh Thanh đến UBND xã Hòa Minh làm giấy khai sinh cho bé. Dù vợ chồng anh Thanh nộp đầy đủ giấy chứng sinh, CMND của anh chị, sổ hộ khẩu của anh... nhưng bà Hồng vẫn từ chối nhận hồ sơ, nói không có giấy chứng nhận kết hôn, sổ tạm trú. Dù chủ tịch xã đã chỉ đạo giải quyết ngay nhưng bà Hồng không chấp hành, cứ dùng dằng gây khó dễ, có thái độ hách dịch, cửa quyền... Sau khi báo phản ánh, địa phương đã xác định thái độ ứng xử của bà Hồng là sai và thống nhất phải có hình thức xử lý.

Những việc cán bộ hộ tịch không được làm

1. Cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, trì hoãn, gây khó khăn, phiền hà, nhận hối lộ khi đăng ký, quản lý hộ tịch...

3. Đặt ra thủ tục, giấy tờ, cố ý kéo dài thời hạn giải quyết đăng ký hộ tịch trái quy định của luật này...

7. Công chức làm công tác hộ tịch vi phạm các quy định tại điều này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

(Trích Điều 74 Luật Hộ tịch 2014)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm