Chánh án Nguyễn Hòa Bình hết lo thiếu nguồn Thẩm phán Tối cao

Chiều 10-6, với 420 phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014 của Quốc hội khóa XIII về việc thi hành Luật Tổ chức TAND.

Theo đó, Nghị quyết cho phép áp dụng điểm a khoản 1 Điều 69 Luật Tổ chức TAND 2014 với điều kiện “mở” hơn để giải quyết vướng mắc trong giao thời giữa luật cũ và luật mới.

Nghị quyết nêu rõ: “Kể từ ngày 10-6-2019 đến ngày 1-2-2022, cho phép Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong đó có từ nguồn Thẩm phán cao cấp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện luật định nhưng chưa đủ 05 năm làm Thẩm phán cao cấp”.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ hôm nay, 10-6, là ngày được Quốc hội biểu quyết thông qua.

Trong báo cáo thẩm tra ngày 5-6, Ủy ban Tư pháp của QH cho rằng việc triển khai thi hành Luật Tổ chức TAND 2014 còn có phần chậm; do giai đoạn quá độ chuyển tiếp giữa luật cũ và luật mới nên nguồn cán bộ để bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao và lãnh đạo TAND Tối cao còn nhiều bất cập. Nguồn cán bộ là những người không công tác tại các tòa án theo khoản 2 Điều 69 Luật Tổ chức TAND 2014 chưa được chú trọng…

Tuy nhiên, những khó khăn này đang phát sinh trong thực tiễn, cần phải có giải pháp khắc phục để bảo đảm hoạt động bình thường của HĐTP TAND Tối cao và kiện toàn lãnh đạo TAND Tối cao.

Do đó, Ủy ban Tư pháp tán thành với nội dung đề nghị của Chánh án TAND Tối cao về sửa đổi Nghị quyết 81/2014 của QH khóa XII theo hướng: Từ nay đến ngày 1-2-2022, cho phép Chánh án TAND Tối cao trình QH phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao, trong đó có từ nguồn thẩm phán cao cấp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo luật định nhưng chưa đủ năm năm làm thẩm phán cao cấp.

Ngày mai, 11-6, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình sễ trình bày tờ trình đề nghị QH phê chuẩn việc bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao. Dự kiến nhân sự được trình Quốc hội phê chuẩn làm Phó Chánh án TAND Tối cao sẽ đảm nhiệm chức vụ Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra về đề nghị này. Sau đó, các đoàn đại biểu QH sẽ họp riêng để thảo luận về đề nghị của Chánh án TAND Tối cao.

Ngày 12-6, QH sẽ tiến hành bỏ phiếu kín về việc phê chuẩn đề nghị của Chánh án TAND Tối cao về việc bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao. Chiều cùng ngày, QH thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án TAND Tối cao về việc bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao.

Tuần trước, thảo luận tại Quốc hội, ĐB Nguyễn Đức Sáu (TP.HCM) cho rằng việc sửa Nghị quyết 81/2014 là “cần thiết và cấp bách”. Thực tế hiện nay Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao “đang thiếu điều kiện để bổ sung một chức danh phụ trách Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương” và nếu không sửa Nghị quyết 81 “thì không thể bổ sung thêm một thành viên”, vì Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương đã nghỉ hưu.

“Nếu như thiếu vắng thành viên là Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương tham gia Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của ngành Tòa án, đặc biệt là Tòa án Quân sự”, ĐB Sáu nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm