Chánh án TAND TP.HCM chia sẻ nhân ngày Luật sư Việt Nam

Nhân ngày truyền thống Luật sư Việt Nam (10-10), Chánh án TAND TP.HCM cùng các luật sư đã có những chia sẻ về đóng góp của luật sư trong hoạt động xét xử của tòa, cùng những tâm tư, kỳ vọng trong việc hành nghề luật. 
Đại biểu Quốc hội LÊ THANH PHONG, Chánh án TAND TP.HCM

Luật sư góp phần phát huy vị trí của thẩm phán

Nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống Luật sư Việt Nam 10-10, thay mặt lãnh đạo TAND TP.HCM, tôi gửi tới toàn thể đội ngũ luật sư những lời chúc tốt đẹp nhất.

Gắn bó với công tác xét xử trong nhiều năm, bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp luôn trân trọng những đóng góp của đội ngũ luật sư đối với hoạt động của tòa án hai cấp thành phố.

Ngày nay, trong tiến trình cải cách tư pháp và hội nhập thì luật sư có vai trò ngày càng quan trọng, góp phần cùng tòa án và cơ quan tư pháp khác xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Đại biểu Quốc hội  - Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong.

Trong hoạt động tư pháp, xét xử là khâu trọng tâm, bởi đây là biểu hiện tập trung và đầy đủ nhất quyền tư pháp. Một phán quyết có chính xác, khách quan, đúng pháp luật hay không, không chỉ phụ thuộc vào người tiến hành tố tụng mà còn là kết quả của hoạt động bổ trợ tư pháp, trong đó có đội ngũ luật sư.

Hoạt động bổ trợ tư pháp của luật sư có mối liên hệ chặt chẽ với tòa án. Khi xét xử, cá nhân tôi cũng như các đồng nghiệp rất trân trọng sự tham gia của luật sư. Bởi sự tham gia của luật sư không chỉ phát huy vị trí của thẩm phán mà còn giúp cho hội đồng xét xử làm sáng tỏ những góc khuất, xác định đúng bản chất của vụ việc. Điều này giúp cho hội đồng xét xử đưa ra phán quyết một cách khách quan, đúng pháp luật, góp phần bảo vệ công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Trong thời gian qua, dịch COVID-19 tại TP.HCM cũng như cả nước diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt của xã hội, trong đó có hoạt động của tòa án. Tòa án hai cấp thành phố đã thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch, đồng thời làm tốt công tác an sinh xã hội.

Để đảm bảo hoạt động trong điều kiện hiện phòng, chống dịch COVID-19, TAND Thành phố đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, trong đó có áp dụng công nghệ trong hoạt động tố tụng để người dân dễ dàng tiếp cận. Để làm được điều này, đòi hỏi không chỉ sự nỗ lực của đội ngũ công chức, người lao động Tòa án hai cấp Thành phố mà còn sự tham gia tích cực của đội ngũ Luật sư. 

Luật sư TRẦN MINH TRỊ, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Cần Thơ:

Nỗ lực thích nghi với "bình thường mới”

Thời gian qua, bên cạnh các hoạt động triển khai thông tin về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ cũng thực hiện các hoạt động tích cực nhằm thiết thực chào mừng Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam. Cụ thể là Trung tâm Tư vấn pháp luật Đoàn Luật sư TP Cần Thơ phối hợp với một số Tổ chức hành nghề luật sư thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân bằng hình thức trực tuyến.

Luật sư Trần Minh Trị, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Cần Thơ.

Đoàn Luật sư TP Cần Thơ cũng kiến nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức các khoá bồi dưỡng nghiệp vụ bằng hình thức trực tuyến để các luật sư tham gia cập nhật, chia sẻ kỹ năng hành nghề, miễn, giảm phí thành viên để hỗ trợ cho luật sư khó khăn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, đồng thời cũng có kế hoạch tổ chức khoá bồi dưỡng nghiệp vụ cho luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Cần Thơ và một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Thời gian tới, sau khi địa phương đã khống chế được tình hình dịch bệnh và trở lại hoạt động “bình thường mới”, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ mong muốn sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phối hợp của cơ quan, tổ chức, ban ngành, nhất là sự hỗ trợ của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình các luật sư hành nghề theo Quy chế phối hợp hoạt động giữa Đoàn Luật sư TP Cần Thơ với các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện từ năm 2015 đến nay.
Bên cạnh đó cũng kiến nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Thành ủy và UBND, Sở Tư pháp TP Cần Thơ có chính sách hỗ trợ các luật sư trẻ phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ pháp lý về đầu tư, kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài…
Chúng tôi cũng đặt ra mục tiêu sẽ tổ chức hoặc phối hợp tổ chức được nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi, chia sẻ về kỹ năng, kinh nghiệm hành nghề giữa luật sư Cần Thơ và các luật sư đồng nghiệp của các tỉnh, thành trong cả nước và quốc tế. Chúng tôi, kỳ vọng đội ngũ luật sư sẽ phát triển không ngừng và ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển chung của của địa phương và cả nước.
 
 

Đồng hành với cái lý, cái tình của người đồng bào

Nhiều năm qua, luật sư Kim Ron Tha, Đoàn Luật sư TP.HCM, nỗ lực hoàn thiện dự án đưa pháp luật vào cuộc sống của từng phum, sóc người Khmer ở Trà Vinh. Anh thường xuyên về quê, nhận bào chữa và bảo vệ miễn phí cho đồng bào quê hương nghèo khó.

Chánh án TAND TP.HCM chia sẻ nhân ngày Luật sư Việt Nam ảnh 3
Luật sư Kim Ron Tha, Đoàn Luật sư TP.HCM.

1. Ở Trà Vinh, đa số thanh niên Khmer khi học xong phổ thông thì chọn theo ngành sư phạm và nghề y. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi cũng từng chọn ngành sư phạm ngoại ngữ tại Trường Đại học Cần Thơ. Trên hành trình ấy, tôi dần tìm lại đúng niềm đam mê hành nghề luật và chọn TP.HCM để làm nghề.

Nhìn về quê hương, tôi nhận thấy đồng bào mình đang cần rất nhiều sự hỗ trợ về các điều kiện sinh sống, làm ăn cũng như kiến thức pháp luật. Tôi đã gặp rất nhiều khách hàng mà trong các giao dịch làm ăn, mua bán đã gặp những bất lợi pháp lý khi không nắm vững các quy định pháp luật.

Nhiều người đặt viết ký vào các hợp đồng chuyển nhượng đất mà không hề hay biết giá chuyển nhượng rẻ hơn thực tế rất nhiều, cùng những lắt léo, ràng buộc trong các điều khoản của hợp đồng. Bởi lẽ họ tin tưởng người mua, đồng thời không hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình cũng như của người khác. Khi ra đến pháp luật thì bất lợi luôn thuộc về họ...

2. Phổ biến, tuyên truyền pháp luật bằng các hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí là trách nhiệm xã hội của người hành nghề luật đã được pháp luật quy định. Tôi thành lập chi nhánh công ty luật tại Trà Vinh để thuận lợi thực hiện nhiệm vụ xã hội của mình. Việc đưa pháp luật vào cuộc sống đồng bào sẽ góp phần giảm thiểu những hủ tục, phát huy được những nét văn hóa lành mạnh như tình nghĩa, trách nhiệm tương thân, tương ái trong cộng đồng dân tộc.

Với mong muốn đưa pháp luật vào từng phum, sóc…, tôi đang thực hiện làm thư viện pháp luật (bằng 2 thứ tiếng: Việt Nam, Khmer) tại quê nhà để giúp đỡ bà con tiếp cận, hiểu rõ về vai trò, chính sách pháp luật của Nhà nước. Qua đó, giúp họ có điều kiện cập nhật thông tin pháp luật nhanh và hiệu quả hơn. Hiện dự án đang tìm kiếm người đồng hành, đặc biệt là vấn đề ngôn ngữ vì người biết luật thì không biết tiếng Khmer và ngược lại.

 Đồng bào dân tộc có những đặc thù riêng về tâm lý, phong tục tập quán, trình độ văn hóa. Do đó, cần chọn đội ngũ báo cáo viên có kỹ năng truyền đạt, am hiểu pháp luật và kiến thức xã hội để đáp ứng. Xây dựng những tình huống pháp lý cho bà con dễ nhớ; tài liệu tuyên truyền, ngắn gọn, dễ hiểu, gắn với thực tiễn đời sống và phù hợp với đặc điểm, tâm lý và nhu cầu của đồng bào thì sẽ nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật.

3. Mấy năm không có dịch bệnh COVID-19 thì từ đầu tháng 10, các luật sư đều thực hiện nhiều chương trình tư vấn pháp luật miễn phí để chào mừng ngày truyền thống của nghề. Tôi rất vui và tự hào vì được hành nghề với sự đam mê và lòng nhiệt huyết.

Những ngày này, khi có dịp gặp các luật sư đồng nghiệp, các luật sư có thâm niên trong nghề, được nghe họ chia sẻ động viên, tôi thấy mình được an ủi và vững niềm tin vào một nền tư pháp ngày càng triển đúng đắn, luôn phục vụ vì công lý, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của Nhà nước, vì mục tiêu mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; người bị buộc tội phải được hỗ trợ pháp lý, bào chữa một cách đầy đủ và đảm bảo được các quyền theo luật định.

4. Hiện nay, một số văn bản liên quan đến việc phòng chống dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng đến hoạt động nghề nghiệp của các luật sư. Bên cạnh đó, vẫn còn một số luật sư chưa được tiêm đủ hai mũi vaccine nên việc tham gia tố tụng còn nhiều hạn chế. Chính việc này sẽ làm ảnh hưởng đến công việc của các cơ quan tố tụng.

Quá trình tố tụng còn vướng mắc như văn bản chưa được thông báo rõ ràng đến các luật sư. Ví dụ, trong một vụ án, Bộ Công an đã ra văn bản nhưng không thông tin đến luật sư nên luật sư không nắm được. Hi vọng trong thời gian tới, các cơ quan tố tụng sẽ thông tin tốt hơn, đầy đủ hơn để luật sư nắm được. Từ đó việc giải quyết sẽ hiệu quả hơn.

Luật sư KIM RON THA, Đoàn Luật sư TP.HCM

(CÙ HIỀN ghi)

Nghề luật sư gắn với số phận con người
Nghề luật sư gắn với số phận con người
(PLO)- Các luật sư mong muốn cống hiến nhiều hơn cho việc đưa pháp luật vào cuộc sống, hỗ trợ người dân bảo vệ quyền lợi chính đáng, cũng như bảo vệ công lý và công bằng xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm