Chánh án tỉnh Kon Tum làm thẩm phán dự khuyết vụ gỗ khô

Sau khi bị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng huỷ bản án, sáng nay (22-7) TAND tỉnh Kon Tum tiếp tục đưa vụ án cưa gỗ khô ra xét xử phúc thẩm lần 3.
Theo quyết định phân công thẩm phán giải quyết vụ án, hội đồng xét xử lần này do Phó Chánh án tỉnh Đỗ Thị Kim Thư (làm chủ toạ) cùng với Chánh toà Hình sự Nguyễn Văn Long và Chánh toà Dân sự Trần Tỷ.
Chánh án Nguyễn Văn Dũng, Phó Chánh án Nguyễn Tiến Tăng, Chánh toà hành chính Vũ Văn Thuấn, Phó chánh toà dân sự Dương Thị Vân, Huỳnh Nguyên, Nguyễn Thị Như Mai là thẩm phán dự khuyết.

Năm bị cáo cho biết nếu bị kết tội trở lại, sau khi ra tù họ vẫn tiếp tục đi kêu oan.

Trong phần thủ tục phiên toà, một luật sư của các bị cáo có đơn xin hoãn phiên toà, người làm chứng vắng mặt... Do không có luật sư mà các bị cáo đang kêu oan nên đã đề nghị hội đồng xét xử hoãn phiên toà.
Sau khi nào hội ý, TAND tỉnh Kon Tum quyết định hoãn phiên toà và sẽ dời lịch xét xử vào sáng ngày 9-8.
Toàn bộ diễn biến bất ngờ vụ án:

Kiểm lâm Phan Tiến Dũng cả nể anh Lê Quốc Khánh thường tìm người làm cà phê giúp nên đồng ý cho anh Khánh cùng với các anh Nguyễn Ngọc Bình, Nguyễn Văn Thụ, Nguyễn Văn Bảy vào rừng đặc dụng Đăk Uy cưa cây gỗ trắc đã chết khô với khối lượng 0,123 m3 (trị giá hơn 19 triệu đồng).

Tháng 9-2016, TAND huyện Đắk Hà phạt năm bị cáo trên 12-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Cả năm bị cáo đồng loạt kháng cáo kêu oan. Sau đó TAND tỉnh Kon Tum xét xử phúc thẩm đã hủy bản án sơ thẩm.

Tháng 9-2017, TAND huyện Đắk Hà xử sơ thẩm (lần hai) vẫn kết tội năm bị cáo về tội trộm cắp tài sản.

Tháng 6-2018, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm (lần hai) đã xác định hành vi của năm bị cáo là “khai thác trái phép” và chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ có thể xử phạt hành chính nên đã tuyên cả năm bị cáo không phạm tội trộm cắp tài sản.

Ngay lập tức Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, yêu cầu TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm theo hướng các bị cáo có tội.

Tháng 9-2018, Chủ nhiệm uỷ ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga yêu cầu Chánh án TAND Tối cao giải trình về vụ án.

Mãi một năm sau, tức đầu tháng 6-2019, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng mới có quyết định giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm như đã nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm