Chấp hành viên không cưỡng chế, dân than trời

Tháng 8-2013, TAND tỉnh Hậu Giang đã mở phiên xử, tuyên buộc bà Phạm Thị Mỹ Thanh (chủ DNTN Thanh Khiết) phải trả 97 triệu đồng cho Công ty TNHH MTV SXTM-DV Kỳ Tài.

Chậm tổ chức THA

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, giám đốc Công ty Kỳ Tài đã có đơn yêu cầu thi hành án (THA). Ngày 20-11-2013, Chi cục THA dân sự TP Vị Thanh đã ra quyết định buộc bà Thanh phải THA. Chấp hành viên (CHV) TTPT được phân công thụ lý vụ này. Trong quyết định THA nêu rõ bà Thanh có trách nhiệm tự nguyện THA trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định THA.

“Từ đó tới nay đã hơn 18 tháng trôi qua, dù bà Thanh không tự nguyện THA nhưng CHV vẫn không ra quyết định cưỡng chế THA” - ông Bùi Văn Lý, Giám đốc Công ty Kỳ Tài, bức xúc.

Theo ông Lý, không những không ra quyết định cưỡng chế THA mà CHV còn có chiều hướng không khách quan, thiên vị bà Thanh. Tháng 11-2014, CHV mời ông đến để thông báo lại ý kiến của bà Thanh là chỉ chấp nhận trả 67 triệu đồng (giảm 30 triệu đồng so với bản án), mặt khác phía Công ty Kỳ Tài phải đến tận nhà bà Thanh để nhận tiền THA chứ không phải tại trụ sở cơ quan THA. Bức xúc, ông Lý đã làm đơn khiếu nại CHV.

Ông Bùi Văn Lý với các văn bản khiếu nại việc thi hành án chậm. Ảnh: G.TUỆ

Sẽ cưỡng chế kê biên tài sản

Để làm rõ hơn vụ việc, PV đã làm việc với ông Lâm Văn Tuyền (Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự TP Vị Thanh) về những vấn đề mà ông Lý khiếu nại. Ông Tuyền thừa nhận CHV “có chậm trong quá trình thi hành bản án” nhưng qua kiểm tra thì thấy CHV “không a dua với bà Thanh và không tư lợi trong việc thi hành bản án này”. Ông Tuyền cũng nhìn nhận việc CHV dẫn lời bà Thanh để thông báo với ông Lý về việc chỉ trả 67 triệu đồng tại nhà là “chưa chuẩn và không nên”.

Theo ông Tuyền, việc THA chậm cũng có nguyên nhân là tài sản của bà Thanh là tài sản chung của vợ chồng, trong khi bản án chỉ tuyên một mình bà Thanh phải trả tiền. Do đó, CHV phải yêu cầu vợ chồng bà Thanh kiện ra tòa chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân nhưng cả hai vợ chồng bà Thanh đều không kiện. Mặt khác, đất của vợ chồng bà Thanh đều đã được thế chấp tại ngân hàng.

“Tôi đã chỉ đạo CHV làm việc với ngân hàng để xem xét khoản vay đó như thế nào, chậm nhất trong tháng này sẽ tiến hành cưỡng chế kê biên tài sản để thực hiện dứt điểm bản án. Chúng tôi cũng muốn làm xong bản án chứ không muốn kéo dài” - ông Tuyền cho biết.

Quy định liên quan

Theo Luật THA dân sự 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), CHV có nhiệm vụ kịp thời tổ chức thi hành vụ việc được phân công; ra các quyết định về THA theo thẩm quyền… CHV phải triệu tập đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết việc THA. Xác minh tài sản, điều kiện THA của người phải THA; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải THA hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan xử lý vật chứng, tài sản và những việc khác liên quan đến THA. Quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm THA, biện pháp cưỡng chế THA; lập kế hoạch cưỡng chế THA; thu giữ tài sản THA…

Hết thời hạn tự nguyện THA (15 ngày kể từ ngày người phải THA nhận quyết định THA), người phải THA có điều kiện THA mà không tự nguyện thi hành thì CHV phải tổ chức cưỡng chế THA với các biện pháp: Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải THA; trừ vào thu nhập của người phải THA; kê biên, xử lý tài sản của người phải THA, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ...

Kinh nghiệm thi hành án

Tại TP.HCM, thông thường sau khi có được thông tin tài sản của người phải THA, các CHV sẽ ra ngay quyết định áp dụng các biện pháp bảo đảm, sau đó mới tiến hành các biện pháp cưỡng chế như kê biên tài sản, khấu trừ tiền...

Cách làm này sẽ hạn chế được rất nhiều trường hợp người phải THA tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc THA.

Ông HỒ QUÂN CHÍNH, Phó phòng Nghiệp vụ 1
Cục THA dân sự TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm