Chấp hành viên ‘nhức đầu’ vì… heo, gà, vịt

Chi cục Thi hành án (THA) dân sự tại một tỉnh miền Tây vừa cho biết đang phải nhờ người trông coi và kiêm luôn nhiệm vụ nuôi giùm bốn con heo con, sáu con vịt và hai con gà. Đây là số gia súc, gia cầm mà phía người phải THA đã bỏ lại khi bị cưỡng chế giao đất.

Nợ tiền không trả, không thi hành án

Sự việc xuất phát từ việc nhà ông H. mua thiếu thức ăn cho gia súc, gia cầm của bà O. nhưng không trả nợ đúng thời hạn. Bà O. khởi kiện, được tòa tuyên buộc vợ chồng ông H. phải trả cho bà 600 triệu đồng.

Sau khi bà O. yêu cầu THA, chấp hành viên (CHV) và đoàn vận động THA đã xuống tận nhà ông H. cả chục lần để khuyên ông tự nguyện. Tuy nhiên, vợ chồng ông không hợp tác. CHV tống đạt bất cứ giấy tờ gì, vợ chồng ông H. cũng đều không ký nhận nên CHV buộc phải niêm yết theo quy định.

Thuyết phục hết nước hết cái không xong, CHV phải quay sang vận động người được THA là bà O. “Nếu chỉ kê biên đất thôi mà không kê biên phần đất có gắn căn nhà thì không đủ giá trị để thi hành cho bản án. Dù vậy, chúng tôi vẫn vận động bà O. đồng ý để lại một phần diện tích đất có gắn căn nhà cho gia đình ông H. vì nếu bán hết thì nhà ông H. sẽ không có chỗ ở” - vị CHV kể.

Sau ba lần cơ quan THA giảm giá vẫn không có người mua đấu giá đất, bà O. đồng ý mua lại với số tiền hơn 600 triệu đồng. Bà O. đã đóng tiền đầy đủ nhưng do trước đó ông H. từng thế chấp thửa đất này vay ngân hàng nên CHV phải dùng hơn 200 triệu đồng trả cho ngân hàng, phần THA cho bà O. chỉ còn lại hơn 300 triệu đồng.

Heo, gà, vịt bất ngờ xuất hiện

Từ đó, thật trớ trêu là mỗi lần CHV đến khảo sát để giao đất cho bà O. thì lại phát sinh thêm vật dụng trên đất, khi thì dây điện, khi thì vài khúc cây… Đặc biệt, đến ngày đoàn cưỡng chế xuống cưỡng chế giao đất cho bà O. thì nhà ông H. khóa cửa đi vắng và trên phần đất bị cưỡng chế bất ngờ xuất hiện… bốn con heo con, sáu con vịt, hai con .

CHV “bí” vì xưa nay chưa gặp trường hợp này bao giờ. Bởi lẽ đối với những vật dụng khác như đồ đạc thì CHV có thể mang về kho vật chứng cất giữ hoặc thuê kho gửi nhưng với heo, gà, vịt thì làm sao mà cất giữ. Chưa kể nếu không trông coi và cho ăn thì chúng sẽ chết.

Sau một hồi suy nghĩ tìm hướng xử lý không ra, CHV đã buộc phải gọi điện thoại cho cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh để “cầu cứu”. Sau khi nghe chỉ đạo nghiệp vụ từ cấp trên, CHV đã lập biên bản về số heo, gà, vịt trên rồi đi tìm thuê người trông giữ và cho ăn. Thật may là bà O. đã nhận nuôi giùm vài hôm mà không tính công.

Sẽ mời cả bên thú y vào cuộc

Vị CHV chia sẻ: “Thứ Sáu tuần rồi tôi đã gửi thông báo cho ông H. đến nhận lại heo, gà, vịt. Nếu trong vòng ba ngày làm việc (không tính thứ Bảy và Chủ nhật), tức hạn chót là thứ Tư (17-5) mà ông H. không đến nhận heo, gà, vịt về thì chúng tôi phải thành lập hội đồng thẩm định giá và bán luôn, được bao nhiêu tiền sẽ đem gửi ngân hàng. Ở nông thôn vẫn có nhiều chuyện mắc cười lắm nhưng trường hợp như thế này thì xưa nay hiếm thấy”.

Vị cục trưởng Cục THA dân sự của tỉnh này cũng chia sẻ: “Tôi đã chỉ đạo nếu sau ba ngày không ai đến nhận lại thì CHV phải thành lập hội đồng định giá và mời luôn cả thú y của huyện tới kiểm dịch. Do đây là tài sản không thể để lâu nên sau khi định giá mà có ai mua là bán liền, không cần phải thông qua việc tổ chức bán đấu giá”.

Chúng tôi thắc mắc: Giả sử trong thời gian này, lỡ một trong các con vật trên chết thì chi cục THA dân sự hay người nhận nuôi sẽ phải bồi thường cho gia đình ông H.? Vị cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh cho hay: “Lúc đó chúng tôi sẽ mời thú y đến kiểm tra nguyên nhân heo, gà, vịt chết. Nếu chết do nguyên nhân khách quan thì chi cục THA dân sự, người nhận nuôi giùm và người phải THA sẽ tiến hành thương lượng. Còn nếu như chết do người nhận nuôi bỏ đói thì người nuôi phải có nghĩa vụ bồi thường. Còn nếu không thỏa thuận được giá tiền bồi thường thì sẽ đưa nhau ra tòa”.

Theo TS Nguyễn Văn Tiến (Trường ĐH Luật TP.HCM), Luật THA dân sự và các văn bản hướng dẫn chưa dự trù hết được những tình huống xảy ra trên thực tế như trong bài viết. Những con heo, vịt, gà này không phải là tài sản kê biên, do đó nếu gửi người khác nuôi, lỡ chúng chết thì cơ quan THA dân sự hay người nhận nuôi sẽ phải bồi thường? Cũng may đây là gia súc, gia cầm bình thường thì có thể thuê hoặc nhờ người trông coi, nuôi được nhưng đối với những động vật như ong, rắn, trăn, cá sấu… thì phải gửi ở đâu? Thông thường những trung tâm cứu trợ động vật hoang dã chỉ nhận nuôi khi đó là những động vật cần được bảo tồn.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...