Cháu đòi tiền cơm, dì đòi tiền nhà

TAND TP.HCM vừa xử phúc thẩm, tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND quận Gò Vấp trong vụ bà NTMP khởi kiện yêu cầu tòa buộc gia đình ông NĐT (anh trai) ra khỏi căn nhà mà mình đã mua.

Đòi tiền sửa nhà, tiền nuôi dưỡng

Theo hồ sơ, tháng 4-2016, bà NTMP mua của dì ruột - bà BTS một căn nhà tại quận Gò Vấp. Hai bên đã hoàn tất thủ tục đăng bộ sang tên.

Trước đó, bà S. cho gia đình ông T. ở nhờ tại căn nhà này. Sau khi mua nhà, bà P. nhiều lần yêu cầu ông T. ra khỏi nhà nhưng ông không chịu nên bà khởi kiện yêu cầu TAND quận Gò Vấp giải quyết.

Làm việc với tòa, ông T. cho biết bà S. độc thân, sống một mình. Năm 1971, khi cha ông mất, bà S. phụ giúp mẹ ông nuôi các anh chị em của ông. Năm 1985, ông nghe theo lời mẹ, đưa vợ con sang ở cùng bà S. để chăm sóc, phụng dưỡng bà. Bà S. có hứa khi nào chết sẽ để lại cho ông căn nhà này. Vì vậy, ông đã bỏ tiền ra sửa chữa căn nhà nhiều lần, tổng cộng 175 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn cho bà S. ăn ngày ba bữa, chu cấp tiền bạc cho bà S. tiêu xài cá nhân, tạm tính khoảng 177 triệu đồng.

Ông T. đồng ý trả lại nhà nhưng với điều kiện là bà S. phải trả cho ông 50% giá trị căn nhà (tương đương 1 tỉ đồng) xem đây là tiền sửa nhà, công nuôi dưỡng.

Tòa xác định bà S. là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Bà trình bày với tòa rằng không hứa hẹn gì với ông T. hết: “Tôi thấy vợ chồng nó nghèo khổ kêu về cho ở nhờ, tôi còn cho mượn một chỉ vàng và một ngàn đồng bạc để có vốn làm ăn. Nếu không nhờ tôi thì nó có sống được đến hôm nay không mà giờ còn đòi tiền cơm của tôi, nếu nó đòi tôi tiền cơm thì tôi đòi luôn tiền nhà… Tôi cho nó ở, cho nó mượn nhà sản xuất, kinh doanh (ông T. từng làm nghề sản xuất vỏ xe). Đâu phải tôi không có gì mà nó sang nó ở nó nuôi không tôi đâu”. Từ đó, bà S. chỉ đồng ý trả cho ông T. số tiền ông đã sửa nhà là 177 triệu đồng.

Được 400 triệu vẫn không chịu

Xử sơ thẩm hồi tháng 9-2017, TAND quận Gò Vấp chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bà P., buộc gia đình ông T. phải trả lại nhà cho bà P. Do ông T. chỉ trình bày ý kiến về việc bà S. phải trả cho ông 1 tỉ đồng chứ không đưa ra yêu cầu độc lập hay phản tố nên tòa không xét nội dung này.

Ông T. kháng cáo. Tại phiên xử phúc thẩm mới đây của TAND TP.HCM, ông kể lể rằng ngày xưa chính bà S. kêu vợ chồng ông sang ở chung và nói “sống nuôi, chết chôn, cho nhà”. “Vợ chồng tôi đã phụng dưỡng bà suốt 31 năm nay, bỏ bao công sức, tiền bạc xây dựng, giữ gìn căn nhà. Đến lúc gần đất xa trời, bà ấy nghe lời xúi giục, lấy lại nhà rồi bán cho em gái tôi với giá chỉ 100 triệu đồng, trong khi căn nhà giá thị trường phải hơn 2 tỉ đồng” - ông T. tố.

HĐXX ngắt lời, khuyên giải: “Dù gì cũng là người nhà cả, hai bên hãy gác lại hiềm khích mà bàn xem chọn phương án nào cho êm đẹp nhất. Ngày sau con cháu nó còn nhìn vào”…

Nghe vậy, bà S. đồng ý hỗ trợ ông T. 400 triệu đồng. Phía ông T. thì có đề xuất khác. Theo ông, hai bên thống nhất giá trị căn nhà hiện tại khoảng 2 tỉ đồng, ông đề nghị được nhận nhà và trả cho bà S. 1 tỉ đồng. Bà S. không đồng ý.

Hòa giải không thành, HĐXX tiếp tục làm việc và tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm. Như vậy, theo hai bản án thì phía ông T. sẽ phải ra khỏi căn nhà tranh chấp mà không được một đồng nào.

“Dù sao mình cũng là người ở nhờ”…

Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX đã cố gắng hòa giải. Một thẩm phán khuyên ông T.: “Dù sao mình cũng là người ở nhờ, ông à! Ông làm ăn trên đất của bà ấy mấy chục năm nay là đã mang một ân tình lớn. Dù gì ông cũng là một người cháu, hãy cư xử làm sao cho đúng đạo lý làm cháu trước. Giờ ông liệt kê ra tiền cơm nuôi bà từng bữa và đòi lại, thật lòng chúng tôi nghe nó phản cảm quá!”.

Một thẩm phán khác cũng khuyên thêm: “Một khi tòa phán quyết thì một trong các bên sẽ cảm thấy rất khó chịu. Giờ còn thỏa thuận được thì ông nên cân nhắc mà quyết định”.

Dù vậy, ông T. vẫn quyết không đổi ý: “Xin tòa giúp cho, phải cho tôi 1 tỉ tôi mới đủ tiền mua nhà”.

Chủ tọa cố khuyên nhủ: “Ông đừng xin tòa, tòa không có tiền và không có quyền cho ông. Ông xin bà ấy kìa… Thay vì nói một cách khác, suốt bao nhiêu năm sống ở đây, nếu mà cư xử khéo thì không chừng được cả đấy chứ không phải thế này. Nhưng mà phải có vấn đề với nhau mới dẫn đến ngày hôm nay. Để đến hôm nay, thật sự mà nói là tình cảm đã mất rồi đó. Một khi tình cảm đã mất rồi thì về tiền bạc là không thể tính toán được. Cứ cho là bà có hứa sống nuôi, chết chôn, cho nhà đi nhưng bà đã chết đâu mà ông đòi cho nhà?”. Cuối cùng, ông T. vẫn không đổi ý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm