Chén rượu chia lìa tình đồng hương

Bị cáo trần quốc Việt và bị hại Danh Lành (24 tuổi) vốn là người cùng xóm tại một vùng quê nghèo ở huyện Hòn Đất, Kiên Giang. Rời quê hương, cả hai cùng đi làm thuê cho một con tàu đánh bắt cá tận miệt biển ở Bến Tre. Cùng cảnh xa xứ, Việt và anh Lành đã thuê nhà trọ ở ấp An Lợi, xã An Thủy, huyện Ba Tri, bến tre để làm nơi nghỉ ngơi sau mỗi chuyến đi biển trở về. 

Phút nóng giận trong cơn say

Rong ruổi trên những chuyến tàu biển căng đầy sóng gió, dài đằng đẵng hàng tháng trời vì miếng cơm manh áo, họ đã gắn bó với nhau trong cuộc mưu sinh. Mỗi lần được trở về đất liền sau những chuyến đi biển dài ngày có lẽ là thời gian quý giá nhất để họ được ở bên gia đình.

Lần ấy cũng là một chuyến nghỉ ngơi như vậy. Theo hồ sơ, tối 16-6-2018, sau khi đã nhậu say anh Lành đến tìm gặp bị cáo Việt để hỏi chuyện về một đồng hương khác bị đánh. Bị cáo nói rằng mình không hay biết chuyện đó và không có liên quan gì nhưng anh Lành vẫn có nhiều lời lẽ trách mắng Việt. Thế rồi hai bên bắt đầu to tiếng cự cãi nhau và trong lúc nóng giận bị cáo đã với lấy chiếc dao đâm anh anh Lành dẫn đến tử vong…

Người chết, kẻ phải ra tòa, tình đồng hương trong gắn bó của những ngày gian khó cũng mất. TAND tỉnh Bến Tre lên lịch xét xử sơ thẩm vụ án, nửa đêm khuya vợ bị cáo phải đánh thức hai đứa con cùng hai người mẹ già bệnh tật (mẹ ruột và mẹ vợ) bắt xe đò từ xã Sóc Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) đến tòa. Họ bồng bế nhau đến để kịp dự phiên tòa và để được nhìn thấy mặt chồng, con sau nhiều ngày xa cách.

Bà Khưu Thị Lành (mẹ bị cáo Việt) phải cố gắng gượng và phải có sự trợ giúp của hai người thân thì mới có thể vào phòng xử án. Chưa được gặp mặt con nhưng hai hàng nước mắt trên gò má gầy gò của bà Lành đã lăn dài.

Bị cáo Trần Quốc Việt tại tòa. Ảnh: Đ.HÀ

Bà Lành kể chồng bà mất đã lâu, Việt là con trai duy nhất trong gia đình, đã có vợ và hai con nhỏ. Bị cáo là trụ cột chính nuôi bà thường xuyên bị bệnh và cả gánh nặng vợ con. Việt bị khởi tố, cả gia đình không biết trông cậy vào ai, để có tiền xe đi dự tòa bà phải đi xin của người thân, hàng xóm. “May mà hàng xóm thương tình, giúp đỡ nên tôi và các con cháu mới có tiền đi xe đến được tòa án” - bà Lành gạt nước mắt.

Vợ bị cáo Việt giao lại hai đứa con thơ cho người thân giữ ngoài sân tòa vì theo quy định các cháu không được vào phòng xử án. Vắng mẹ, khát sữa, khát nước, ngoài sân tòa tiếng trẻ thơ khóc liên hồi không dứt. Trong phòng xử tiếng chủ tọa xét hỏi, sự tĩnh lặng pha lẫn tiếng khóc nấc của trẻ con ngoài sân vang vọng khiến ai cũng thấy nhói lòng.

Gia đình bị cáo nghèo, không có đất đai để cất nhà nên phải cất nhờ trên đất của nhà cha mẹ vợ. Lâu nay kinh tế cả hai gia đình nội ngoại đều do một tay Việt đi làm nghề biển. Từ ngày xảy ra sự việc đau lòng, gia đình vốn đã khó giờ lại càng khó hơn. Cuộc sống của hai bà mẹ già và hai đứa con nhỏ của Việt phải nương nhờ vào sự cưu mang, giúp đỡ của xóm giềng.

Nước mắt sám hối muộn màng

Đứng trước bục khai báo, bị cáo Việt cũng không cầm được nước mắt. Bị cáo Việt bảo rằng mình rất ăn năn hối hận vì hành vi đã gây ra. Bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, cho rằng vì bị ức chế tinh thần và trong cơn say rượu bị cáo mới ra tay sát hại đồng hương. 

HĐXX hỏi: “Đều là đồng hương, là hàng xóm, cùng đi biển vì miếng cơm manh áo, tại sao bị cáo lại ra tay sát hại anh Lành?”. Nghe vậy, bị cáo chỉ cúi mặt nói: “Bị cáo đã biết lỗi”.

HĐXX tiếp: “Bị cáo thấy gì qua hành vi của mình?”. Việt đáp: “Bị cáo đã để lại hậu quả rất nghiêm trọng cho gia đình bị hại. Bị cáo cũng để lại mẹ già yếu và hai đứa con nhỏ, không ai chăm sóc, nuôi nấng. Giờ đây bị cáo cảm thấy hối lỗi vô cùng…!”. Vị thẩm phán không hỏi gì thêm và không khí phiên xử lúc này cũng chùng hẳn xuống. Có lẽ trong tâm khảm mình Việt đã thực sự hối lỗi nhưng đó là sự sám hối muộn màng.

Điều đau lòng nữa là từ khi xảy ra sự việc, dù là hàng xóm nhưng gia đình nạn nhân đã không nhìn mặt gia đình của bị cáo nữa. Tại tòa, phía gia đình bị hại một mực yêu cầu HĐXX xử phạt bị cáo mức án thật nghiêm, thay vì xin khoan hồng  để Việt có được tình tiết giảm nhẹ khi lượng hình.

Nói lời nói sau cùng, bị cáo mong HĐXX khoan hồng tuyên cho mình mức án nhẹ để sớm được trở về chăm sóc hai người mẹ già và hai đứa con thơ còn quá nhỏ. Bị cáo cũng gửi lời xin lỗi phía bị hại vì đã trót gây ra đau thương, mất mát cho gia đình. Trong những phút ngắn ngủi chờ tòa nghị án, bị cáo ngoái nhìn ra sân tòa dõi theo bóng con thơ chập chững khóc nấc. Lúc này người ta thấy trên khóe mắt của người cha tội lỗi đỏ hoe, Việt đã khóc nhưng phải nuốt nước mắt vào trong.

Tòa tuyên phạt 15 năm tù. Nghe xong Việt như muốn ngã qụy, hai người mẹ già, vợ bị cáo nước mắt đầm đìa. Bị cáo được đưa ra xe bít bùng về trại giam, phiên tòa khép lại với hình ảnh hai người mẹ già dìu nhau chầm chậm bước xuống từng bậc thang của tòa án. Họ biết sống ra sao trong tuổi xế chiều khi con thuyền đã vắng bóng người chèo chống…

Nhận định của HĐXX

TAND tỉnh Bến Tre nhận định hành vi của bị cáo Việt là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến tính mạng người khác, gây mất an ninh trật tự xã hội tại địa phương, thể hiện tính côn đồ… Tuy nhiên, xét thấy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như ăn năn hối cải, thật thà khai báo, đã tác động gia đình bồi thường một phần thiệt hại cho phía bị hại nên đã xem xét, tuyên phạt bị cáo với mức án trên. Ngoài ra, HĐXX còn tuyên buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại trên 163 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.