Chết khi công an mời làm việc: Luật còn bỏ ngỏ

Ngày 17-10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thượng tá Phan Văn Cường (Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Khánh Hòa) cho biết CQĐT vẫn đang làm rõ nguyên nhân cái chết của bà Huỳnh Thị Nhung (45 tuổi, ở thôn Tân Khánh 2, xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa). Bà Nhung là chủ nhà nghỉ, đã tử vong sau khi làm việc tại trụ sở Công an thị xã Ninh Hòa.

Cái chết nhiều nghi vấn

Thượng tá Cường nói: “Giám đốc công an tỉnh đã chỉ đạo CQĐT tập trung làm rõ tất cả vấn đề liên quan đến vụ việc. Khi có kết luận chính thức, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin cho báo chí”.

Trong khi một nguồn tin khác cho Pháp Luật TP.HCM hay lãnh đạo công an tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị chức năng làm rõ trách nhiệm của các cán bộ Công an thị xã Ninh Hòa. Hiện một số cán bộ công an thị xã đang giải trình sự việc. Bước đầu Công an thị xã Ninh Hòa báo cáo là không có camera tại khu vực phòng làm việc của công an với bà Nhung. Còn cây kéo mà công an cho rằng bà Nhung dùng để tự sát là kéo cắt giấy của một cán bộ để trên bàn làm việc trong lúc lấy lời khai.

Các vấn đề như bà Nhung đến trụ sở công an như thế nào, được mời đến làm việc hay bị tạm giữ, bắt giữ; có biên bản phạm tội quả tang không…, phía công an tỉnh cho biết sẽ có kết luận chính thức và trả lời sau. Cùng ngày, ông Nguyễn Trọng Chinh (chồng bà Nhung) đã gửi đơn đề nghị khởi tố vụ án đến Cục Điều tra VKSND Tối cao vì cho rằng không có việc vợ ông tự sát.

Đây không phải lần đầu người dân tử vong khi công an mời đến làm việc. Trước đó, một cán bộ Công an phường Tam Bình (quận Thủ Đức, TP.HCM) đến nhà mời ông T. đến công an phường làm việc. Sáng hôm sau, vợ ông T. được công an thông báo ông T. treo cổ tự sát tại công an phường. Sau đó công an thông tin nạn nhân chết do dùng dây thun quần của chính mình để treo cổ tự tử…

Ông Nguyễn Trọng Chinh (chồng bà Huỳnh Thị Nhung) gửi đơn đề nghị khởi tố vụ án. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Chưa quy định khi bị công an mời làm việc

Theo Điều 57 BLTTHS 2015, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền được thông báo về hành vi bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố. Họ được tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ mình, được thông báo kết quả giải quyết và khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng liên quan đến mình. Điều 58 bộ luật này cũng quy định nhiều quyền của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang và người bị bắt theo quyết định truy nã.

Điều 8 và Điều 9 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 cũng quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm trong tạm giữ, tạm giam. Đó là cấm tra tấn, truy bức, dùng nhục hình; các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của họ… Người bị tạm giữ, tạm giam cũng có các quyền được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm. Họ được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam; được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật; được bồi thường thiệt hại nếu bị giam, giữ trái pháp luật…

Tuy nhiên, theo một thẩm phán TAND TP.HCM và luật sư (LS) Từ Tiến Đạt (Đoàn LS TP.HCM), luật chưa quy định quyền và trách nhiệm cũng như các chế tài tương ứng trong việc công an mời người dân đến làm việc. Trong khi đây được coi là một thủ tục khá nhạy cảm vì chưa có sự giám sát và phê chuẩn của cơ quan VKS và thực tế đã có nhiều vụ xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Theo vị thẩm phán, khi chưa xác định và chưa có bằng chứng về hành vi vi phạm pháp luật, công an không có quyền buộc người dân phải đến trụ sở làm việc. Theo Điều 10 BLTTHS 2015 (quy định về quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân) thì trừ trường hợp phạm tội quả tang, không ai bị bắt nếu không có quyết định của tòa án hoặc phê chuẩn của VKS.

Vì thế, theo LS Đạt, giấy mời của công an phải ghi rõ nội dung làm việc, ví dụ liên quan đến vụ án nào, đến vi phạm hành chính hay vi phạm khác. Nếu công an mời qua điện thoại, mời miệng hoặc không nêu rõ nội dung làm việc thì người dân có quyền từ chối.

Để tránh sự tùy tiện thì cần có điều luật cụ thể quy định chi tiết về việc công an mời người dân đến trụ sở làm việc. Chẳng hạn được mời trong trường hợp nào, công an cấp nào có quyền mời, khi nào người dân có quyền từ chối và từ chối ra sao. Cũng phải quy định quyền của người dân và trách nhiệm của cơ quan công an nếu trong quá trình làm việc xảy ra hành vi ép cung, đe dọa hoặc đánh đập.

Chết trong khi bị tạm giữ, tạm giam

• Chiều 3-3-2012, tại nhà ông Nguyễn Tấn Dũng (sát nhà Trần Thị Hải Yến) có tổ chức hát karaoke đến khuya, dẫn đến cãi vã, xô xát với gia đình Yến. Ông Dũng bị thương ở đầu 12%, Yến bị Công an huyện Tuy An, Phú Yên bắt tạm giam về hành vi cố ý gây thương tích. Đầu năm 2013, TAND huyện xử sơ thẩm phạt Yến 30 tháng tù, Yến kháng cáo. TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm, hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Sau đó Yến vẫn bị tạm giam ở nhà tạm giữ công an huyện nhưng gia đình nhận được thông báo bị can đã dùng áo treo cổ tự tử...

• Đêm 7-7-2015, anh Bé Tư bị công an xã bắt tạm giữ hình sự tại trụ sở Công an xã Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) vì nghi trộm cắp tài sản. Đến sáng 8-7, anh Trần Ngọc Bé Ba (anh của anh Tư) được công an xã mời đến để “chứng kiến” em trai mình đã chết tại trụ sở công an xã trong tư thế quỳ gối trên giường, hai tay co trước ngực, cổ bị buộc bằng dây vải màn. Công an cũng thông báo anh Tư đã chết do treo cổ tự tử…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm