Chết vì lọt 'hố tử thần': Truy trách nhiệm hình sự để răn đe

Sự việc một người đàn ông tử vong do lọt hố cáp ngầm xảy ra mới đây tại Hà Nội là câu chuyện không mới. Đã đến lúc cần quy trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, tổ chức liên quan để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người bị thiệt hại.

Có dấu hiệu tội phạm

Cụ thể, rạng sáng 5-7, người dân đi tập thể dục phát hiện một người đàn ông tử vong dưới hố cáp ngầm không có nắp đậy trên đường Đặng Vũ Hỷ (phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội). Gần hiện trường có một xe máy bị trượt dài. Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. 

Hiện trường vụ người đàn ông tử vong do lọt “hố cáp tử thần” ở Hà Nội. Ảnh: Nhóm FB Beat Gia Lâm/BHT

Đáng nói là tình trạng nhiều hố ga không có nắp tại địa bàn phường Thượng Thanh đã được người dân phản ánh trước (và sau) khi xảy ra vụ việc đau lòng trên. Lãnh đạo phường cho biết đã từng gửi văn bản đến các cơ quan, đơn vị liên quan đề nghị nhanh chóng lắp đặt nắp hố ga nhưng thừa nhận có hố ga không có nắp bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có việc nắp nhiều lần bị trộm.

Câu hỏi đặt ra là ai sẽ chịu trách nhiệm trước những cái chết đến từ “hố tử thần” như trên.

Bàn về vấn đề này, ThS Võ Phước Long, giảng viên Khoa luật, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết vụ tai nạn thương tâm kể trên là câu chuyện rất cũ và thực tế đã xảy ra ở nhiều nơi, đã đến lúc cần quy trách nhiệm pháp lý để những sự việc tương tự không còn tái diễn. Tuy nhiên, khi phân tích về trách nhiệm “quản lý” và trách nhiệm “pháp lý” vẫn còn nhiều băn khoăn.

Cụ thể, theo các khoản 1, 2 Mục II Thông tư 04/2008 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn quản lý đường đô thị (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 16/2009) thì: Hè (hay vỉa hè, hè phố) là bộ phận của đường đô thị, phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến. Đây là công trình giao thông, thuộc trách nhiệm xây dựng, duy tu, sửa chữa và quản lý của “pháp nhân”.

Còn vi phạm về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông là trách nhiệm hình sự (TNHS) của “cá nhân” theo pháp luật hiện hành nếu có thương tích hoặc tử vong xảy ra.

Theo ThS Phước Long, vụ việc người đàn ông tử vong dưới “hố tử thần” có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông theo Điều 281 BLHS 2015 nhưng điều luật này chỉ truy cứu TNHS đối với cá nhân.

Vì vậy, cơ quan điều tra cần làm rõ hố cáp không có nắp đậy thuộc trách nhiệm quản lý của đơn vị nào và đã giao cho “cá nhân” nào duy tu, sửa chữa hay chưa. Để xảy ra hậu quả làm chết người thì những “cá nhân” này phải chịu TNHS về tội trên.

Khung hình phạt với hậu quả làm chết một người là từ sáu tháng đến ba năm tù (theo khoản 1 Điều 281) do có hành vi không khắc phục kịp thời đối với công trình giao thông bị hư hỏng, đe dọa an toàn giao thông.

Trong trường hợp đã có văn bản của UBND phường Thượng Thanh nhưng các đơn vị có trách nhiệm chưa giao cho “cá nhân” kịp thời sửa chữa thì những đơn vị này đã có hành vi không có biện pháp khắc phục kịp thời theo quy định các hư hỏng của công trình đường bộ gây mất an toàn giao thông. Mức phạt hành chính cho lỗi này đối với tổ chức là 6-8 triệu đồng theo điểm a khoản 3 Điều 15 Nghị định 100/2019.

Phải bồi thường cho gia đình nạn nhân

Trong khi đó, ThS Huỳnh Thị Nam Hải, giảng viên Khoa luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cho biết: Theo khoản 17 Điều 3 Luật Viễn thông năm 2009 thì công trình viễn thông là công trình xây dựng, bao gồm hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động (nhà, trạm, cột, cống, bể) và thiết bị mạng được lắp đặt vào đó.

Do đó, có thể xác định hố cáp viễn thông là “công trình viễn thông”. Đồng thời, theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 1 Thông tư số 35/2017 của Bộ GTVT (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015) quy định công trình viễn thông thuộc công trình có yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật không thể bố trí ngoài phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Do vậy, trong trường hợp xảy ra sự cố thì chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người được giao quản lý, sử dụng công trình thiết yếu phải có trách nhiệm khắc phục ngay sự cố và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan. Những người kể trên phải chịu toàn bộ trách nhiệm và kinh phí khắc phục sự cố theo điểm đ khoản 5 Điều 1 Thông tư số 35/2017.

Như vậy, nếu không kịp thời khắc phục dẫn đến tai nạn gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015.

ThS Nam Hải lưu ý, nếu có người trộm cắp nắp đậy của các hố cáp này thì cũng phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người. Nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau, theo quy định tại Điều 587 Bộ luật Dân sự.

Ngoài ra, cũng cần xác định người bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại cho mình hay không. Nếu người bị thiệt hại điều khiển phương tiện quá tốc độ, thiếu quan sát, say rượu hay điều khiển phương tiện đi trên vỉa hè… thì bị xem là có lỗi trong việc gây thiệt hại cho mình.

Khi đó, theo khoản 4 Điều 585 Bộ luật Dân sự, người bị thiệt hại sẽ không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Nói cách khác, bên bị thiệt hại sẽ không được bồi thường toàn bộ thiệt hại.


Phải bồi thường tổn thất về tinh thần

Trong vụ việc này, gia đình nạn nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định rõ nguyên nhân tử vong và lỗi của các bên để xem xét khởi tố vụ án hình sự nếu có dấu hiệu tội phạm cũng như giải quyết vấn đề về bồi thường thiệt hại.

Trên cơ sở kết luận của cơ quan điều tra về lỗi của mỗi bên, các bên có thể thỏa thuận với nhau về việc bồi thường. Trường hợp không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện, yêu cầu tòa án giải quyết.

Do người bị tai nạn đã tử vong nên gia đình có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự. Cụ thể, thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm gồm: Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (khoản 2 Điều 591 Bộ luật Dân sự).

ThS HUỲNH THỊ NAM HẢI, giảng viên Khoa luật,
Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm