Chi lố 1 tỉ, đòi 10 năm chưa xong

Ông Lê Công Thành (ngoài 90 tuổi, ngụ TP.HCM) trình bày, năm 1999, ông và bà LTH được tòa án giải quyết cho ly hôn. Do ông và bà H. mắc nợ nhiều người nên bị khởi kiện và tòa án đã tuyên nhiều bản án theo hướng hai người phải trả nợ.

Chi lố, khó đòi

Do ông Thành, bà H. không có tiền để thi hành án (THA) nên Đội THA quận Bình Thạnh (nay là Chi cục THA dân sự quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã bán đấu giá căn nhà là tài sản chung của hai người. Tiền bán nhà được hơn 25,7 tỉ đồng, theo nguyên tắc chia tài sản chung mỗi người được hưởng một nửa (tương đương với hơn 12,8 tỉ đồng). Nhưng thực tế THA quận đã chi cho bà H. hơn 13,8 tỉ đồng (lố hơn 940 triệu đồng từ phần ông Thành).

Ông Thành khiếu nại nhưng bị bác nên đã khởi kiện yêu cầu tòa chia tài sản chung là căn nhà bằng một bản án. Sau khi xử phúc thẩm, tháng 4-2005, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên mỗi người được hưởng một nửa giá trị nhà và buộc bà H. trả cho ông Thành hơn 940 triệu đồng THA đã chi lố. Tòa cũng cho ông Thành và bà H. quyền yêu cầu giải quyết đối với chấp hành viên đã chi tiền lố bằng một vụ kiện khác.

Ông Lê Công Thành trình bày sự việc. Ảnh: N.NGA

THA quận Bình Thạnh tiếp tục thi hành bản án này. Nhưng do bà H. có tài sản chung là căn nhà với một người khác ở thị xã Thuận An, Bình Dương nên tháng 3-2006, THA quận ra quyết định ủy thác THA.

Sau nhiều lần khiếu nại trong hơn 10 năm tổ chức THA, đầu năm 2017 Chi cục THA thị xã Thuận An đã mời ông Thành đến nhận gần 400/940 triệu đồng tiền được THA. Cơ quan này cũng cho hay do bà H. đã qua đời và cũng không còn tài sản nào khác nên đã đình chỉ việc THA. Như vậy sau khi trừ các chi phí khác, số tiền ông Thành còn được THA là gần 400 triệu đồng.

Sẽ yêu cầu báo cáo

Tháng 4-2017, ông Thành gửi đơn yêu cầu Chi cục THA quận Bình Thạnh bồi thường vì chấp hành viên chi lố tiền, là nguyên nhân khiến ông bị thiệt hại gần 400 triệu đồng. Đơn này cũng được gửi đến Cục THA TP.HCM và Tổng cục THA (Bộ Tư pháp).

Chi cục THA chưa giải quyết khiếu nại. Trong khi cuối tháng 7 vừa qua, Cục THA TP.HCM đã trả lời theo hướng bác đơn. Cục THA cho rằng tòa đã quyết định bà H. phải hoàn trả cho ông Thành tiền chi lố và đã thi hành một phần. Do bà H. đã chết, không còn tài sản nào khác nên việc THA bị đình chỉ. Do vậy khoản tiền gần 400 triệu đồng mà bà H. còn phải trả cho ông Thành đã chấm dứt. Việc ông Thành yêu cầu Chi cục THA quận Bình Thạnh bồi thường là không có cơ sở.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chi cục trưởng Chi cục THA quận Bình Thạnh Nguyễn Văn Hòa cho biết chấp hành viên từng thi hành vụ việc này đã nghỉ hưu. Theo ông Hòa, do vụ việc khá phức tạp và cũng xảy ra khá lâu rồi nên ông đã giao cho hai phó chi cục trưởng kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ và sẽ trao đổi lại với PV sau...

Trong khi đó ông Lê Hữu Hòa (Phó Cục trưởng Cục THA TP.HCM) nói: “Những thông tin mà báo trao đổi Cục chưa nắm được hết. Chúng tôi sẽ mời ông Thành đến làm việc để nắm lại thông tin và sẽ yêu cầu Chi cục THA quận Bình Thạnh báo cáo để có hướng xử lý tiếp theo”.

Thi hành án phải bồi thường?

TS Lê Minh Hùng (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) phân tích, bản án của TAND TP.HCM không kết luận việc chi lố tiền của Chi cục THA quận là phán quyết không đầy đủ. Nhưng tòa đã tuyên buộc bà H. phải trả cho ông Thành 940 triệu đồng tức là thừa nhận việc THA quận làm sai. Từ đó khiến ông Thành không thu hồi đủ số tiền đáng được hưởng. Vì thế Chi cục THA quận phải sớm giải quyết đơn của ông Thành, không nên kéo dài nữa.

Phó viện trưởng VKSND của một tỉnh (đề nghị không nêu tên) cho rằng thiệt hại của ông Thành chính thức xảy ra từ khi Chi cục THA thị xã Thuận An ra quyết định đình chỉ THA với bà H. Căn cứ Điều 38 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra.

Trong vụ này Chi cục THA quận Bình Thạnh có nghĩa vụ bồi thường cho ông Thành. Nếu cơ quan này không trả lời đơn hoặc hai bên không thương lượng được việc bồi thường thì ông Thành có quyền khởi kiện ra tòa.

Bồi thường nhà nước về thi hành án

Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra trong các trường hợp:

1. Ra hoặc cố ý không ra quyết định:

a) THA;

b) Thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy quyết định về THA;

c) Áp dụng biện pháp bảo đảm THA;

d) Cưỡng chế THA;

đ) Thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án.

e) Hoãn THA;

g) Tạm đình chỉ, đình chỉ THA;

h) Tiếp tục THA.

2. Tổ chức thi hành hoặc cố ý không tổ chức thi hành quyết định quy định tại khoản 1 điều này.

(Trích Điều 38 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm