Chỉ vi phạm quy định của luật, pháp lệnh, nghị định mới bị tội cố ý làm trái?

Tôi đồng ý là Điều 165 BLHS hiện hành quy định quá rộng và chung chung, dễ dẫn tới áp dụng tùy tiện, cứvi phạm quy định nói chung về quản lý kinh tế là tội phạm. Tuy nhiên, không nên bỏ tội danh này vì các nhà làm luật sẽ không thể cụ thể hóa được tất cả vi phạm trong quản lý kinh tế. Nếu bỏ tội này thì sẽ có những trường hợp phạm tội nhưng không thể xử lý hình sự được vì chưa được luật liệt kê, dẫn tới bỏ lọt tội phạm. Hoặc trong tương lai, một số luật chuyên ngành có thể sửa đổi, bổ sung quy định về một số lĩnh vực quản lý kinh tế. Khi đó, chẳng lẽ BLHS sẽ luôn phải chạy theo các luật chuyên ngành để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp?

Một điều chắc chắn là các nhà làm luật không thể liệt kê được hết các quy định về quản lý kinh tế trong cuộc sống hiện tại và tương lai. Vì vậy thay vì bỏ Điều 165, chúng ta chỉ cần sửa lại theo hướng chỉ xử lý hình sự người cố ý làm trái quy định của luật, pháp lệnh, nghị định về quản lý kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước.

Khi truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này, các cơ quan tố tụng bắt buộc phải chứng minh có hành vi cố ý làm trái quy định cụ thể của luật, pháp lệnh, nghị định về quản lý kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước. Các trường hợp vi phạm quy địnhtrong văn bản của cấp bộ, ngành, địa phương về quản lýkinh tế không thuộc đối tượng xử lý hình sự mà điều chỉnh bằng các luật khác (Bộ luật Lao động, Luật Cán bộ, công chức, Luật Xử lý vi phạm hành chính…).

Sửa quy định như trên sẽ phù hợp với điểm mới về quyền con người tại Điều 14 Hiến pháp 2013: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm