Chiếc xe đạp và phút nóng giận mất khôn

L. bỏ chạy, lát sau quay lại với một thanh gỗ tấn công anh T. gây thương tật 60%. Sau đó, VKSND quận 5 (TP.HCM) truy tố L. về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 BLHS.

Ngày 20-4-2016, TAND quận 5 xử sơ thẩm. Từ đầu đến cuối, L. đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội. Phiên tòa tưởng chừng như không có gì đáng chú ý, cho đến khi một vị hội thẩm hỏi L.:

- Hai người quen biết từ trước, coi như là chiến hữu rồi, hà cớ gì mà bị cáo đánh người bị hại dữ vậy?

L. lấy tay áo lau nước mắt, kể: L. làm cho một tiệm rửa xe, tiền công mỗi ngày được 200.000 đồng. L. mới 28 tuổi mà vợ đẻ một lèo tới bốn đứa con. Trước đó, vì hết tiền mua sữa cho con nên L. mang chiếc xe đạp (mượn của chủ tiệm rửa xe) cầm cố cho một người tên H. vay 500.000 đồng, hẹn vài ngày sẽ chuộc lại. Bốn ngày sau, L. mang tiền đến chuộc xe thì H. bảo bán xe rồi. Anh T. biết chuyện, không những không thông cảm cho L. mà còn bênh vực H. Hai bên lời qua tiếng lại, anh T. vung tay đánh L. trước. L. đã bỏ chạy nhưng uất ức nên mới cầm cây quay lại…

- Hậu quả là hôm nay bị cáo đứng đây, trước vành móng ngựa để trả giá cho giây phút nóng giận của mình. Bị cáo có thương con không? Có muốn bỏ mặc bốn đứa con cho một mình vợ nuôi thế này không? - vị hội thẩm ngắt lời.

- Bị cáo thương con lắm - L. cúi đầu.

- Thương thì tại sao lại làm như vậy? Mình ra đường làm gì cũng phải nghĩ đến vợ con mình chứ! Bốn đứa con của bị cáo còn nhỏ lắm, giờ hằng ngày không có cha, bị cáo có muốn chúng bước chân vào con đường của mình không? Tất nhiên là bậc cha mẹ nào cũng không bao giờ muốn con mình như thế! Bị cáo không biết dằn xuống cơn nóng giận thì dạy dỗ con mình thế nào đây?

Rồi vị hội thẩm phân tích: “Bị cáo, một thanh niên trai tráng, cầm thanh gỗ đánh một người lớn hơn mình 16 tuổi gây thương tật đến 60% dù người này không liên quan gì đến chuyện chiếc xe đạp bị bán. Bị cáo đánh người là một cái sai. Không tôn trọng người lớn tuổi hơn mình là thêm một cái sai nữa. Tôi rất thông cảm vì bị cáo không được ăn học nhưng không phải vì vậy mà không biết đạo lý. Ra đời sống phải biết lẽ phải trái để dạy con mình nữa. Hành vi của bị cáo, sở dĩ cáo trạng dùng hai từ “côn đồ” là vì không biết đạo lý đó, bị cáo hiểu không? Ngày bị cáo trở về với gia đình, tôi rất mong bị cáo sẽ tu tâm dưỡng tánh. Bốn chữ tu tâm dưỡng tánh nó sẽ mang cái lợi cho mình và cho gia đình mình, bị cáo nhớ không”.

L. gật đầu trong tiếng nấc. Phía sau, người bị hại chỉ còn da bọc xương ngồi lặng lẽ trên chiếc xe lăn. Anh định đến tòa đòi ít tiền thuốc men vì nhà anh cũng nghèo, mưu sinh từng bữa bằng nghề mua bán ve chai. Nhưng rồi anh bảo: “Thấy nó vậy nên… thôi! Nó cũng nghèo như mình!”.

Tòa phạt L. tám năm tù, một mức án đã rất khoan hồng. L. mắt đỏ hoe nhìn khắp phòng xử tìm người thân nhưng không có ai cả. Đôi chân trần không dép quặm vào nhau, bụi bám đầy những khe nứt gót chân...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm