Cho luật sư quyền miễn trừ khi bào chữa?

Theo đó, trong tố tụng hình sự, người bào chữađược quyền miễn trách nhiệm dân sự và hình sự đối với những phát ngôn thiện chí trong lời bào chữa bằng miệng hay bằng văn bản hay đối với sự xuất hiện nghề nghiệp của họ trước tòa hay trước cơ quan pháp luật…, trừ trường hợp có căn cứ khẳng định là vu khống hoặc cố ý cung cấp hồ sơ, tài liệu mang tính chất giả mạo. Tài liệu liên quan vụ án thu thập được trong quá trình thực hiện trách nhiệm bào chữa của người bào chữa không bị bất cứ cơ quan nào hoặc cá nhân nào kiểm tra, niêm phong, lưu giữ.

Tuy nhiên, đáng tiếc là dự thảo BLTTHS (sửa đổi) đã không ghi nhận đề xuất của Liên đoàn Luật sư. Trong khi đó, thực tiễn phiên tòa hình sự ở nước ta cho thấy trong quá trình tranh tụng đã xảy ra nhiều vụ xung đột giữa những người tiến hành tố tụng và người bào chữa. Một số trường hợp căng thẳng đến mức sau đó cơ quan tố tụng gửi văn bản đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý người bào chữa hoặc ở phía ngược lại, người bào chữa gửi đơn khiếu nại yêu cầu xem xét trách nhiệm của người tiến hành tố tụng.

Chẳng hạn trong vụ Epco - Minh Phụng, sau phiên tòa VKS đã có văn bản đề nghị đoàn luật sư kiểm điểm xử lý một luật sư vì nội dung lời phát biểu tại phiên tòa. Trong vụ Trương Văn Cam và đồng phạm, sau phiên tòa, kiểm sát viên làm văn bản đề nghị khởi tố một luật sư vì cho rằng xúc phạm, vu khống cơ quan tố tụng. Trong vụ Vườn điều tại Bình Thuận, cả hai bên điều tra viên và luật sư đều đề nghị xem xét trách nhiệm lẫn nhau. Trong vụ án liên quan đất đai tại Mũi Né (Bình Thuận), luật sư đề nghị xem xét trách nhiệm của kiểm sát viên...

Điều 20 “Các nguyên tắc cơ bản về vai trò luật sư” của Liên Hiệp Quốc đã quy định quyền miễn trách nhiệm dân sự và hình sự đối với những phát ngôn thiện chí trong lời bào chữa miệng hay bằng văn bản hay đối với sự xuất hiện nghề nghiệp của luật sư trước tòa hay trước cơ quan pháp luật hay hành chính. Nhìn ra nước ngoài, pháp luật hình sự của Anh và Luxembourg cũng đã có quy định luật sư được hưởng quyền miễn trừ về ý kiến phát biểu tại phiên tòa hoặc các văn bản tố tụng liên quan mà luật sư đưa ra.

Rõ ràng khi tranh luận tại phiên tòa hình sự, do bản chất mang tính đối trọng với chức năng buộc tội nên nhiều ý kiến, quan điểm của người bào chữa có sự khác biệt căn bản, thậm chí xung đột với các cơ quan tố tụng. Do đó, tôi ủng hộ đề xuất của Liên đoàn Luật sư và rất mong vấn đề này sẽ được ghi nhận trong dự thảo BLTTHS (sửa đổi).

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm