Cho quan tham chuộc mạng là khuyến khích tham nhũng

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, dự thảo BLHS (sửa đổi) vẫn duy trì hình phạt tử hình cho hai tội tham ô và nhận hối lộ (thuộc nhóm tội tham nhũng). Tuy nhiên, dự luật lại cho phép người bị kết án tử hình đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất 1/2 số tiền, tài sản do phạm tội mà có, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì có thể được chuyển hình phạt tử hình xuống chung thân.

Đây quả là thông tin rất đáng chú ý. Nhiều người sẽ đặt câu hỏi thế này là thế nào? Kẻ tham nhũng dùng chính ngay số tiền tham nhũng bất chính (mà đáng ra phải được cơ quan điều tra (CQĐT) phát hiện, thu hồi vào ngân sách nhà nước) để đổi lại mạng sống của mình? Thế có khác gì khuyến khích người ta tham nhũng, vì cứ tham nhũng đi chắc gì đã bị phát hiện, nếu phát hiện chắc gì đã bị tòa tuyên án tử hình, nếu có bị tuyên án tử hình thì chắc gì đã phải bị thi hành án!

Từ chế định “thỏa thuận nhận tội” của Mỹ

Thực ra ý tưởng này không phải là mới mà chỉ là sự tham khảo, tiếp thu chế định “thỏa thuận nhận tội” (plea bargaining) trong pháp luật tố tụng hình sự Mỹ. Theo đó, bị cáo có thể thỏa thuận với tòa án về việc bị cáo sẽ nhận tội nhẹ hơn và sẽ phải chịu hình phạt nhẹ nhất so với truy tố của viện công tố và tòa án sẽ không xét xử bị cáo theo các truy tố nặng hơn đó của viện công tố.

Đây là cách tiếp cận đầy tính thực dụng trong đấu tranh chống tội phạm của pháp luật Mỹ. Bởi người ta cho rằng trong trường hợp này các bên đều có lợi: Viện công tố đỡ được gánh nặng chứng minh tội phạm theo truy tố ban đầu của mình mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ (vì ít nhất thì tội phạm cũng đã được phát hiện và kẻ phạm tội cũng đã bị trừng phạt); tòa án thì không phải tiếp tục phiên tòa nữa, Nhà nước tiết kiệm được khoản kinh phí cho hoạt động của guồng máy tư pháp; còn bị cáo thì tránh được trách nhiệm hình sự theo tội nặng hơn mà viện công tố đã truy tố lúc đầu.

Thực chất của “thỏa thuận nhận tội” là định lại tội danh theo hướng nhẹ hơn cho bị cáo. Ý tưởng trong dự thảo BLHS sửa đổi cũng theo logic “các bên cùng có lợi” vì CQĐT, VKS về hình thức được xem là hoàn thành nhiệm vụ thu hồi tài sản tham nhũng (trên thực tế Nhà nước sẽ nhận lại được tài sản của mình bị kẻ tham nhũng chiếm đoạt), kẻ phạm tội thì tránh được hình phạt tử hình, chỉ chịu hình phạt tù chung thân.

Trừng trị tham nhũng quan trọng hơn thu hồi tài sản

Bản chất câu chuyện ở đây là thay đổi hình phạt nhẹ hơn cho người bị kết án tử hình trên cơ sở kẻ phạm tội tự nguyện giao nộp lại cho Nhà nước 1/2 số tài sản tham nhũng đã không bị phát hiện và bị thu hồi trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Nếu như mục đích chủ yếu trong “thỏa thuận nhận tội” là phá án, phát hiện tội phạm thì ý tưởng trong dự thảo BLHS sửa đổi lại là vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng cho Nhà nước.

Mặc dù thu hồi tài sản tham nhũng cũng là vấn đề quan trọng và nan giải trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhưng theo tôi, trong bối cảnh hiện nay ở nước ta, vấn đề phát hiện tội phạm tham nhũng, trừng phạt kẻ phạm tội tham nhũng quan trọng hơn vấn đề thu hồi tài sản.

Có thể lấy vụ án tham nhũng của Lã Thị Kim Oanh làm thí dụ: Tài sản tham nhũng hơn 4.000 tỉ đồng nhưng thu hồi không được bao nhiêu. Tuy nhiên, việc phát hiện vụ án tham nhũng và trừng phạt kẻ tham nhũng theo pháp luật đã đáp ứng được yêu cầu bức xúc của xã hội. Mặt khác, nhiệm vụ phát hiện, thu hồi tài sản tham nhũng không dừng lại cùng với việc kết thúc điều tra vụ án hoặc tuyên án. Vào bất kỳ thời điểm nào có thông tin về tài sản tham nhũng thì Nhà nước vẫn có quyền thu hồi tài sản tham nhũng đó.

Làm tăng ý chí của quan tham

Bất kỳ sự vật, hiện tượng nào cũng cần được nhìn nhận ở cả hai góc độ: mặt tích cực và mặt hạn chế. Hạn chế của ý tưởng này trong dự thảo BLHS sửa đổi là càng làm sâu sắc thêm ý chí phạm tội tham nhũng. Thủ đoạn che giấu tài sản tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi hơn bởi lẽ tài sản tham nhũng không bị phát hiện, không bị thu hồi trong quá trình điều tra vụ án tham nhũng sẽ được xem như là phao cứu sinh cho kẻ phạm tội. Còn đối với CQĐT, VKS thì quy định này sẽ làm nhẹ hơn nghĩa vụ của họ về phát hiện và thu hồi tài sản tham nhũng, tăng thêm cơ hội cho các hiện tượng trục lợi, tiêu cực và lạm quyền trong quá trình điều tra, truy tố vụ án. (Các nghiên cứu về “thỏa thuận nhận tội” trong pháp luật tố tụng hình sự Mỹ cũng đưa ra nhận định như vậy).

Ngoài ra, nếu ý tưởng này thành hiện thực thì sẽ phát sinh thêm thủ tục tố tụng xem xét thay đổi hình phạt từ tử hình xuống chung thân.

Một lưu ý nữa trong học tập, áp dụng kinh nghiệm nước ngoài là phải tính đến các điều kiện lịch sử - xã hội, kinh tế, truyền thống văn hóa pháp lý ở mỗi quốc gia… Trong một hội thảo quốc tế về tố tụng hình sự tổ chức ở Hà Nội năm 2012, một học giả Trung Quốc khi giới thiệu về việc tham khảo kinh nghiệm nước ngoài (trong quá trình cải cách pháp luật hình sự - tố tụng hình sự ở nước họ) đã nói: Trung Quốc không tiếp nhận quy định “thỏa thuận nhận tội” vì nó xa lạ với truyền thống văn hóa pháp lý của Trung Quốc.

Làm vậy dân sẽ mất niềm tin vào công lý

Cho quan tham chuộc mạng là khuyến khích tham nhũng ảnh 3
 
Chúng ta đều biết tham nhũng càng lớn thì càng làm xói mòn niềm tin của người dân vào thể chế, Nhà nước. Nhẹ tay với tội phạm tham nhũng sẽ làm người dân mất niềm tin vào công lý. Do vậy đề xuất “bỏ tiền để mua lại sự sống” hoàn toàn không hợp lý và sẽ tạo ra tác động rất xấu cho việc phòng, chống tội phạm này. Trong khi đó, tội phạm về tham nhũng đang có xu hướng gia tăng và nguy hiểm về tính chất, mức độ thì càng không thể buông lỏng biện pháp chế tài.

Ở đây chúng ta không nên đặt vấn đề ý tưởng trên như là một chính sách khoan hồng đặc biệt. Bởi những người phạm tội đều là người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ và khả năng am hiểu pháp luật đầy đủ, thậm chí cao. Như vậy trước khi phạm tội họ đã ý thức hết được hậu quả và những tác động xấu trong hành vi của mình. Khi họ bị tòa án kết án tử chứng tỏ không còn cải tạo được nữa, vậy chúng ta mở ra một “đường sống” cho họ thì mang lại ích lợi gì! Tôi rất không đồng ý với đề xuất của ban soạn thảo, vì như thế thì chẳng hy vọng gì việc trị tận gốc nạn tham nhũng.

TS NGUYỄN DUY HƯNG, Trưởng khoa Luật,
Trường ĐH Thủ Dầu Một

Chiêu để cứu quan tham

Cho quan tham chuộc mạng là khuyến khích tham nhũng ảnh 4
 
Tôi nghĩ trong một bối cảnh tham nhũng trở thành quốc nạn như Việt Nam hiện nay thì dứt khoát không thể bỏ hình phạt tử hình cho hai tội liên quan đến tham nhũng. Chúng ta càng không nên có một chính sách đặc biệt để tạo cơ hội cứu những người đã bị kết án tử về tham nhũng như đề xuất của ban soạn thảo. Không thể tạo ra cơ chế để quan tham dùng tiền mua mạng sống vì sẽ có người nghĩ rằng cứ tham nhũng đi, chỉ cần có tiền thì sẽ thoát án tử hình. Nó đi ngược lại với quyết tâm phòng, chống tham nhũng của cả hệ thống chính trị. Xu hướng của BLHS các nước là giảm tối đa hình phạt tử hình, chúng ta cũng nên theo nhưng đối với tội về tham nhũng thì dứt khoát không được bỏ. Việc phát hiện ra tội phạm tham nhũng đã khó, việc xử tử hình lại càng khó vì phải đủ chứng cứ và đúng pháp luật nên không thể dễ dàng dùng tiền để đánh đổi lại.

Thực ra việc tòa án tuyên tịch thu lại tài sản đã tham nhũng vẫn được áp dụng trong các bản án nhưng tỉ lệ rất thấp. Để giải quyết vấn đề này thì cần siết chặt những quy định liên quan đến các biện pháp đảm bảo cho việc thu hồi chứ không nên bằng cách như trên.

Luật sư PHAN NGỌC NHÀN, nguyên Chánh án TAND
thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm