Chủ động khai báo đưa hối lộ: Người dính tội, người được miễn

Ngày 6-11, TAND TP Hà Nội tuyên phạt Phan Văn Anh Vũ bảy năm sáu tháng tù về tội đưa hối lộ, cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, Bộ Công an Nguyễn Duy Linh 14 năm tù về tội nhận hối lộ.

Trước đó, hồi tháng 6-2017, khi bị điều tra trong vụ án khác, Vũ chủ động khai đã đưa hối lộ 5 tỉ đồng và 4,5 triệu USD cho Linh; tuy nhiên sau đó lại nhiều lần không thừa nhận hành vi này cho đến khi ra tòa…

Khi nào dính tội đưa hối lộ?

Theo khoản 7 Điều 364 BLHS thì người đưa hối lộ chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự (TNHS). Tuy nhiên, cùng tình tiết chủ động khai báo trước khi bị phát giác nhưng có vụ thì cơ quan điều tra (CQĐT) đề nghị miễn tội, VKS yêu cầu khởi tố; có vụ thì CQĐT đề nghị truy tố, VKS lại miễn tội… 

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án đưa - nhận hối lộ và môi giới hối lộ
ngày 6-11. Ảnh: TP

Chẳng hạn, trong vụ đánh bạc ngàn tỉ đồng liên quan đến hai cựu tướng công an và 90 đồng phạm tại tỉnh Phú Thọ, bị cáo Nguyễn Văn Dương khai đã đưa hối lộ cho ông Phan Văn Vĩnh (cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) 2,7 tỉ đồng và 1 triệu USD, đưa cho ông Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng C50, Bộ Công an) 22 tỉ đồng.

Ngoài ra, Dương còn khai đã cho ông Vĩnh một đồng hồ Rolex trị giá 7.000 USD. Ông Vĩnh thì nói rằng đã mua đồng hồ này và đã trả cho Dương 1,1 tỉ đồng.

CQĐT từng đề nghị truy tố Dương tội đưa hối lộ nhưng sau đó VKSND tỉnh Phú Thọ miễn TNHS cho Dương với lý do để thực hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước theo điểm c khoản 2 Điều 29 và đoạn 2 khoản 7 Điều 364 BLHS.

Còn trong vụ VN Pharma, suốt quá trình tố tụng CQĐT đề nghị miễn TNHS cho cựu phó tổng giám đốc VN Pharma Ngô Anh Quốc về tội đưa hối lộ theo khoản 6 Điều 289 BLHS 1999 (tương ứng khoản 7 Điều 364 BLHS 2015) vì đã chủ động tự thú khi vụ án chưa được phát hiện, góp phần hiệu quả vào việc phá án. Tuy nhiên, VKSND Tối cao yêu cầu khởi tố. Sau đó hai cấp tòa đều tuyên án Quốc năm năm tù về tội đưa hối lộ.

 

Thế nào là chủ động khai báo trước khi bị phát giác?

Khoản 6 Điều 2 Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ.

Theo hướng dẫn này thì chủ động khai báo trước khi bị phát giác quy định tại khoản 7 Điều 364 và khoản 6 Điều 365 BLHS là trường hợp hành vi phạm tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ chưa bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, chưa bị ai tố giác nhưng người đưa hối lộ, người môi giới hối lộ đã tự khai báo toàn bộ sự việc đưa hối lộ, môi giới hối lộ mà mình thực hiện. 

Chủ động khai báo: Không đương nhiên thoát tội

TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết khoản 7 Điều 364 BLHS (tội đưa hối lộ) chia thành hai trường hợp:

Trường hợp 1: Người bị ép buộc đưa hối lộ và đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội. Trong trường hợp này, người có hành vi đưa hối lộ nhưng theo quy định được loại trừ tội phạm và do đó không phạm tội đưa hối lộ.

Trường hợp 2: Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc và đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn TNHS. Trong trường này, người thực hiện hành vi đưa hối lộ vẫn có tội. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp cụ thể, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp xử lý khoan hồng là miễn TNHS cho người phạm tội đưa hối lộ.

Miễn TNHS là biện pháp khoan hồng của Nhà nước đối với người phạm tội nếu hành vi phạm tội thỏa những điều kiện thuộc các trường hợp được miễn TNHS như tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội (Điều 16 BLHS), các trường hợp miễn TNHS theo Điều 29 BLHS, đại xá, miễn TNHS đối với người chưa thành niên phạm tội (khoản 2 Điều 91 BLHS)…

“Do đó, dựa vào sự đánh giá của cơ quan tiến hành tố tụng trong từng vụ án cụ thể, đối chiếu với các quy định của pháp luật hình sự mà trên thực tế có thể xảy ra nhiều trường hợp. Đó là: Cùng tình tiết chủ động khai báo trước khi bị phát giác nhưng có vụ thì CQĐT đề nghị miễn TNHS, VKS lại yêu cầu khởi tố để truy cứu TNHS; có vụ thì CQĐT đề nghị truy cứu TNHS, VKS lại miễn TNHS để thực hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước…” - TS Phan Anh Tuấn nói.

Có khả năng dẫn đến sự không thống nhất

TS Lê Nguyên Thanh, Trưởng bộ môn Tội phạm học Trường ĐH Luật TP.HCM, phân tích: Chủ động khai báo trước khi bị phát giác được hiểu là trường hợp người đưa hối lộ chưa bị phát hiện (chưa ai biết) nhưng đã tự mình đến cơ quan có thẩm quyền để khai báo toàn bộ sự việc đưa hối lộ do mình thực hiện. Điều đó cũng có nghĩa là người đưa hối lộ không tự mình đến khai báo thì cơ quan có thẩm quyền không thể biết được việc này.

Theo khoản 7 Điều 364 BLHS, người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn TNHS…

Như vậy, tùy trường hợp mà cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp miễn TNHS cho người đưa hối lộ hay không.

Theo TS Lê Nguyên Thanh, việc quy định tùy nghi tuy có khả năng dẫn đến sự không thống nhất trong nhận thức và áp dụng biện pháp miễn TNHS nhưng cũng có ý nghĩa tích cực là góp phần răn đe, phòng ngừa hành vi đưa hối lộ (do có nguy cơ bị truy cứu TNHS), đồng thời động viên người đưa hối lộ chủ động khai báo trước khi bị phát giác.

Để có cơ sở thuyết phục hơn trong việc áp dụng biện pháp miễn TNHS cho người đưa hối lộ, cơ quan có thẩm quyền cũng cần đánh giá mức độ đầy đủ và giá trị thông tin mà người đưa hối lộ đã chủ động khai báo; tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi đưa hối lộ trong từng vụ án cụ thể…

Nếu cơ quan, người có thẩm quyền vô tư, khách quan khi quyết định áp dụng biện pháp miễn TNHS trong trường hợp này thì không ngại việc lạm dụng hoặc tùy tiện.

Tuy chủ động khai báo nhưng lại nhiều lần phủ nhận

Suốt quá trình điều tra, truy tố và nửa đầu ngày xét xử vụ án đưa - nhận hối lộ, hai bị cáo Phan Văn Anh Vũ và Nguyễn Duy Linh khẳng định chỉ đưa - nhận quà là xì gà, thuốc lá chứ không phải tiền.

Trong đó, Anh Vũ cho rằng phải khai đưa tiền là do bị phạm nhân đánh đập, ép nghe theo điều tra viên (CQĐT đã kết luận lời khai này là không có căn cứ).

Bất ngờ xảy ra ở phần cuối xét hỏi ngày 5-11, sau nửa ngày không nhận tội, bị cáo Linh thừa nhận trong năm lần nhận quà, có một lần nhận 5 tỉ đồng như cáo trạng truy tố. Về phía mình, bị cáo Vũ cũng thừa nhận cáo buộc của VKS, không tranh luận gì thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm