'Chúng tôi đã họp hết cách chứ không hề thờ ơ với dân'

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM vì sao thẩm quyền giải quyết vụ việc thuộc cấp tỉnh nhưng Cục THADS tỉnh Tây Ninh lại bảo ông Mơi liên lạc với Chi cục THADS huyện Trảng Bàng, ông Lê Văn Tiễn (Cục trưởng Cục THADS tỉnh Tây Ninh) cho biết: “Lý do là trước đó Cục đã ủy thác về cho Chi cục giải quyết nên thẩm quyền giải quyết vẫn thuộc Chi cục huyện Trảng Bàng”.
“Chúng tôi không đổ thừa cho ai cả nhưng cơ quan THA trước kia có cái sai là không tổ chức thi hành kịp thời và đầy đủ nên sau này mới không còn đất để giao. Tôi mất rất nhiều thời gian công sức cho vụ này, rất khó cho chúng tôi. Các cơ quan chức năng thì khẳng định cấp đất cho hai hộ dân liền kề là đúng quy định pháp luật. Chúng tôi là những người thừa kế để giải quyết vụ này, đã họp rồi báo cáo hết cách, không hề dửng dưng với ông Mơi”, ông Tiễn khẳng định.
Như đã thông tin, năm 1986 ông Nguyễn Văn Mơi kiện ông CQM ra TAND tỉnh Tây Ninh để đòi lại nhà, đất ở thị trấn Trảng Bàng. Tháng 9-1994, tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên buộc ông M. phải trả lại nhà, đất cho ông Mơi với tổng diện tích gần 430 m2.
Tháng 8-1995, THA dân sự tỉnh Tây Ninh tiến hành cưỡng chế và giao nhà cho ông Mơi nhưng lại không… giao đất. Năm 2003, Cục THA dân sự tỉnh Tây Ninh ủy thác cho Đội THA dân sự huyện Trảng Bàng (nay là Chi cục THA dân sự huyện Trảng Bàng) để tiếp tục thi hành. Sau đó, Đội THA dân sự huyện Trảng Bàng giao cho ông Mơi thiếu hơn 213 m2 đất vì lúc này đã không còn đất để giao. Lý do là Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh cấp giấy đỏ cho hai hộ dân khác chồng lên phần đất của ông Mơi nhưng cả Sở và UBND huyện đều không chịu thu hồi phần cấp sai.
Chúng tôi đã họp hết cách chứ không hề thờ ơ!

Suốt 22 năm qua, chẳng có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm đối với phần đất của ông Nguyễn Văn Mơi. Ảnh: N.NGA

Không còn đất để giao, Chi cục THA dân sự huyện Trảng Bàng trả lại đơn yêu cầu THA cho ông Mơi. Ông Mơi khiếu nại thì Cục THA dân sự tỉnh rút hồ sơ lên và vận động ông rút đơn. Ông Mơi không đồng ý, nên các cơ quan ban ngành tiến hành tổ chức họp, TAND tỉnh Tây Ninh đã đứng ra làm công văn gửi tới TAND Cấp cao tại TP.HCM đề nghị xem xét lại bản án về phần đo đạc diện tích đất của ông Mơi.

Vừa qua, TAND Tối cao có văn bản (lần hai) khẳng định không có căn cứ để kháng nghị tái thẩm đối với bản án phúc thẩm trong vụ việc của ông Mơi.
Một lần nữa, ông Mơi kiên trì yêu cầu Cục THA dân sự tỉnh Tây Ninh tổ chức THA. Bất ngờ, đầu tháng 12 này, ông Mơi nhận được văn bản của Cục đề nghị ông liên hệ với Chi cục THADS huyện Trảng Bàng để được giải quyết theo thẩm quyền.
“Huyện không thể thi hành bản án này được nữa. Cục đã rút hồ sơ và đã xử lý mấy năm nay, giờ Cục lại bảo tôi quay về huyện. Họ cứ chuyển qua chuyển lại hoài để khỏi phải THA chăng? Tôi theo đuổi vụ án đã gần hết nửa đời người rồi, tôi phải làm sao để nhà nước trả lại đất đây?”, ông Mơi khẩn cầu tha thiết.
TS Nguyễn Văn Tiến (giảng viên ĐH Luật TP.HCM) phân tích, khoản 2 Điều 35 Luật THADS quy định: Cơ quan THADS cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án cấp tỉnh trên cùng địa bàn. Như vậy trong vụ án của ông Mơi, TAND tỉnh tây Ninh xử sơ thẩm thì thẩm quyền giải quyết THA thuộc về Cục THADS tỉnh. Do đó, Cục yêu cầu ông Mơi liên lạc với chi cục huyện Trảng Bàng để giải quyết theo thẩm quyền là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Một Cục trưởng Cục THADS chia sẻ thêm: "Theo tôi vụ này thuộc trường hợp khó khăn phức tạp, Cục tỉnh phải rút hồ sơ lên để giải quyết thì phù hợp hơn. Việc Cục yêu cầu ônng Mơi liên lạc với Chi cục là đang né tránh trách nhiệm."

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm