Cô bán chuối hại chết bà bán rau

Ngày 5-1, TAND tỉnh Vĩnh Long xử sơ thẩm, tuyên phạt Trần Thị Ngọc Ngà (39 tuổi, ngụ TP Cần Thơ) 20 năm tù về tội giết người, sáu năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt là 26 năm tù. Tòa cũng buộc Ngà phải bồi thường thêm 113 triệu đồng về tổn thất tinh thần và mai táng phí cho gia đình nạn nhân.

Lòng tốt bị lợi dụng

Năm 2013, gia đình bị cáo Ngà từ TP Cần Thơ dắt díu nhau đến huyện Long Hồ, Vĩnh Long mưu sinh bằng nghề bán chuối chiên, mít chiên ở chợ, khu công nghiệp. Quá trình buôn bán, Ngà quen biết và kết thân với bà TTT (69 tuổi) làm nghề bán rau ở chợ Phước Yên, xã Phú Quới. Lần đó bà T. nhờ Ngà tìm người bán giúp một con bò và hứa sẽ cho tiền “hoa hồng” nếu bán được. Ngà hứa sẽ giúp bà T. bán bò nhưng không tìm được ai. Quá trình tiếp cận, Ngà nghĩ bà T. buôn bán nhiều năm sẽ có tiền phòng thân khi ốm đau nên tìm cách gần gũi để trộm.

Ngày 8-8-2016, Ngà đã đến nhà bà T. hai lần để nói về chuyện bán bò giúp nhằm thực hiện ý định nhưng không thành. Trưa hôm sau, với lý do đưa bịch rau, bị cáo lại đến nhà bà T. và ở lại chơi khá lâu. Bà T. đi vào nhà vệ sinh và có nhờ Ngà cắm giúp điện sáng để tìm điện thoại bị rớt. Lúc đưa điện thoại cho bà T., Ngà thấy túi áo bên cạnh của bà cồm cộm nên đoán trong đó có tiền. Sẵn có ý trộm tiền từ đầu, Ngà khống chế đồng thời dội nước liên tục lên đầu khiến bà T. bất tỉnh. Chờ có vậy, Ngà lục túi áo lấy tiền rồi sửa tư thế cho bà T. ngồi dựa lưng vào vách nhà tắm và bỏ về nhà.

Khi chồng bà T. về, vào nhà tắm phát hiện vợ nằm bất động nên đưa ra ngoài thay quần áo và gọi con đến nhưng bà T. đã tử vong. Nghi ngờ Ngà giết bà T. để cướp tài sản nên gia đình báo công an. Quá trình điều tra xác định Ngà đã chiếm đoạt của bà T. hơn 12 triệu đồng. Kết luận giám định cho thấy bà T. chết do ngạt nước, chấn thương sọ não.

Nói lời sau cùng, Ngà cúi đầu xin lỗi gia đình bà T. Ảnh: N.NAM

Từ ý trộm thành giết người

Khi phạm tội, Ngà đang mang thai đứa con thứ ba được bảy tháng nên chỉ bị tạm giam thời gian ngắn, sau đó được tại ngoại để sinh con, chờ ngày ra tòa. Tại tòa bị cáo Ngà thừa nhận mọi hành vi như bản cáo trạng quy kết, thành khẩn khai báo và tỏ ra ăn năn hối cải.

Tòa hỏi: “Khi phạm tội, bị cáo có suy nghĩ hậu quả xảy ra như thế nào không?”. Ngà vừa khóc vừa đáp: “Bị cáo chỉ có ý định trộm tiền của bà T., không biết vì sao khi đó lại hành động như vậy, bị cáo cũng không biết bà T. chết khi nào, lấy được tiền là bỏ đi ngay”. Tòa tiếp: “Mục đích bị cáo lấy tiền, khi bà T. xỉu thì có thể lấy được rồi, sao lại cố tình giết nạn nhân?”, bị cáo im lặng.

Tòa hỏi: “Bị cáo thiếu nợ bao nhiêu?”, Ngà trả lời: “Thưa, 200 triệu đồng”. Tòa hỏi tiếp: “Cuộc sống buôn bán đủ sống không?”, Ngà đáp: “Dạ không. Lúc đầu mối mai không có, thuê nhà hơn triệu đồng một tháng nên hết vốn, phải hỏi vay tiền góp, tiền đứng..”. Tòa hỏi: “Bị cáo có ân hận không?”, Ngà trả lời: “Dạ thưa tòa, bị cáo rất ân hận…!”.

Đại diện VKS đề nghị tòa phạt Ngà tù chung thân về tội giết người, từ bốn đến sáu năm tù về tội cướp tài sản. HĐXX cho rằng vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, bị cáo đã thành khẩn nhận tội, ăn năn hối cải, gia đình đã khắc phục một phần hậu quả, khi phạm tội đang mang thai nên giảm nhẹ hình phạt như trên.

Bản năng người mẹ...

Bị cáo khóc từ lúc phiên tòa chưa bắt đầu cho đến khi kết thúc, hai mắt đỏ hoe. Đứa con mà Ngà hạ sinh trong thời gian điều tra mới hơn hai tháng cũng được người nhà đưa đi theo vì không thể rời vú mẹ. Đang ngồi chờ tòa xử, nghe tiếng con khóc phía ngoài, theo bản năng Ngà lại chạy vội ra ẵm và cho con bú. Rồi tranh thủ lúc tòa vào nghị án, bị cáo cũng chạy ra cấp tập cho con bú cữ trưa. Chiếc khăn thay vì để lau sữa cho con được dùng để lau nước mắt cho mẹ. Dường như đứa trẻ cũng cảm nhận được sự bất an của người mẹ nên bú không ngon, lâu lâu lại ngoảnh ra khóc hờn.

Được nói lời sau cùng, Ngà không xin giảm án mà quay về phía gia đình bà T. cúi đầu xin lỗi: “Con thành thật xin lỗi gia đình dì T. vì đã gây ra đau thương, mất mát. Nếu có cơ hội trở về, con sẽ cố gắng lao động để bù thêm mất mát cho gia đình dì..!”. Vị luật sư bào chữa chỉ định nhìn bị cáo bảo “biết đó là giọt nước mắt muộn màng nhưng đó là sự thức tỉnh của nhân tính”. Một người còn biết hối hận, biết thương con thì vẫn còn có thể cải tạo được!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm