Cơ quan điều tra quy gỗ ra gạo là sai

Như đã phản ánh, vụ cán bộ kiểm lâm để mất hơn 50 m3 gỗ ở Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Ngọc Linh gây tranh cãi giữa cơ quan tố tụng tỉnh Kon Tum và trung ương về cách xác định thiệt hại của CQĐT. Cạnh đó CQĐT còn cho rằng gặp vướng vì thiếu hướng dẫn tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng trong tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong BLHS 1999.

Pháp Luật TP.HCM giới thiệu bài phân tích của TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự, ĐH Luật TP.HCM.

Không thể quy gỗ ra gạo

Hành vi thiếu trách nhiệm của hai cá nhân trong vụ việc này thực hiện vào tháng 4-2012, do đó BLHS 1999 được áp dụng để xác định có tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285) hay không.

BLHS 1999 không cho phép quy đổi thiệt hại vật chất trong các tội phạm nói chung và tội thiếu trách nhiệm ra đơn vị là kg gạo. Tất cả quy định của BLHS 1999 và các văn bản hướng dẫn về tội phạm đều dựa trên đơn vị là tiền đồng.

Cơ quan tố tụng huyện Đăk Glei (Kon Tum) định giá hơn 50 m3 gỗ tròn bị mất tại thời điểm tháng 4-2012 tương đương hơn 14 tấn gạo là không đúng với quy định của BLHS 1999. Do đó phải định giá hơn 50 m3 gỗ theo đơn vị tiền đồng để làm căn cứ xác định thiệt hại vật chất của vụ án.

Thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng?

Từ khi Quốc hội ban hành BLHS 1999 đến khi bộ luật này hết hiệu lực thì chưa có văn bản hướng dẫn nào về khái niệm hậu quả nghiêm trọng tại Điều 285 BLHS 1999 (nay là Điều 360 BLHS 2015).

Tội này được thực hiện với lỗi vô ý nên so với các tội phạm vô ý gây thiệt hại về tài sản khác trong BLHS 1999 thì thiệt hại về tài sản đối với tội phạm được thực hiện với lỗi vô ý là 50 triệu đồng. Chẳng hạn, tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản (Điều 145 BLHS 1999) thì phải gây thiệt hại từ 50 triệu đồng trở lên mới cấu thành tội phạm.

Vì không có hướng dẫn chính thức về dấu hiệu gây hậu quả nghiêm trọng tại Điều 285 BLHS 1999 nên chỉ có thể dự kiến dấu hiệu này dựa vào mối liên hệ có tính đồng bộ giữa quy định tại Điều 285 với các tội phạm khác.

Cụ thể, khi so sánh Điều 285 với Điều 145 BLHS 1999 thì tội thiếu trách nhiệm trong trường hợp gây thiệt hại về tài sản thì ngoài xâm phạm sở hữu còn xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức. Điều này được phản ánh ở mức hình phạt của tội danh này luôn cao hơn tội vô ý gây thiệt hại đến tài sản (Điều 145) khi gây thiệt hại về tài sản tương đương.

Từ logic trên, có thể suy luận rằng dù có hướng dẫn về dấu hiệu gây hậu quả nghiêm trọng tại Điều 285 BLHS 1999 thì thiệt hại về vật chất của dấu hiệu này cũng phải từ 50 triệu đồng trở lên.

Với sự đánh giá dấu hiệu gây hậu quả nghiêm trọng tại Điều 285 BLHS 1999, khi so sánh thì thấy Điều 360 BLHS 2015 có tính khoan hồng hơn. Vì thế Công văn 111 của TAND Tối cao hướng dẫn TAND tỉnh Kon Tum có thể lấy dấu hiệu thiệt hại vật chất tại khoản 1 Điều 360 BLHS 2015 để thay cho hậu quả vật chất của dấu hiệu gây hậu quả nghiêm trọng tại Điều 285 BLHS 1999 là có tính hợp lý.

Tóm lại, trong vụ việc này, nếu thiệt hại hơn 50 m3 gỗ bị mất là 165 triệu đồng (như CQĐT cho biết) thì có cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự của những người có hành vi thiếu trách nhiệm theo Điều 285 BLHS 1999.

Không khởi tố bị can vì chưa đủ 15 tấn gạo

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, năm 2010, tỉnh Kon Tum phê duyệt hồ sơ thiết kế khai thác tận dụng gỗ trên đất lâm nghiệp chuyển sang làm đường giao thông đoạn đi qua tiểu khu 95 (huyện Đăk Glei). Công ty TNHH MTV Đoàn Kết khai thác tận dụng số gỗ này.

Tháng 4-2012, ông Trần Văn Tám, Hạt phó Hạt Kiểm lâm KBTTN Ngọc Linh và ông Nguyễn Xuân Nghĩa (cán bộ kỹ thuật) phát hiện tại tiểu khu 95 có nhiều cây gỗ tròn bị chặt. Sau đó hai ông và ông Phạm Hồng Kỳ (thanh tra pháp chế) kiểm tra, làm rõ.

Qua kiểm tra đã phát hiện 74 cây gỗ (khối lượng hơn 245 m3) bị chặt trái phép. Nhưng đến tháng 9-2013, Hạt Kiểm lâm KBTTN Ngọc Linh mới lập biên bản và cùng cơ quan tố tụng huyện khám nghiệm hiện trường và xác định được số gỗ khai thác trái phép chỉ còn 43 gốc (khối lượng hơn 128 m3). Từ đó Hạt Kiểm lâm KBTTN Ngọc Linh đã ra quyết định khởi tố vụ án vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng.

Tháng 9-2014, cơ quan chức năng xác minh lại thì lúc này số gỗ lại giảm xuống chỉ còn 23 cây (khối lượng 83 m3). Trong đó gỗ còn lại hiện trường là hơn 33 m3, số gỗ đã vận chuyển ra khỏi hiện trường là hơn 50 m3. Công an huyện Đăk Glei khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng theo định giá hơn 50 m3 gỗ tròn là gỗ vật chứng bị mất tại thời điểm tháng 4-2012 tương đương hơn 14 tấn gạo, nên không khởi tố bị can với hai ông Tám và Kỳ. Theo công an, hậu quả thiệt hại phải đủ 15 tấn gạo trở lên mới đủ định lượng để truy cứu hình sự. Tháng 5-2015, CQĐT tạm đình chỉ điều tra vụ án vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và đình chỉ điều tra vụ án thiếu trách nhiệm...

Hướng dẫn cho BLHS 1985

Việc quy đổi giá trị tài sản sang gạo là theo quy định tại Chỉ thị 01 năm 1987 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao và Thông tư liên ngành 01 năm 1992 (Bộ Tư pháp - Bộ Tài chính - TAND Tối cao - VKSND Tối cao) trong giai đoạn BLHS năm 1985 có hiệu lực.

Vụ việc này xảy ra năm 2012 thì bắt buộc việc định giá phải tuân theo Nghị định 26/2005 của Chính phủ (về định giá tài sản trong tố tụng hình sự). Nghị định này không có quy định nào quy đổi giá trị tài sản tương đương với khối lượng gạo. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm