Có thể tăng quyền cho Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương

Thực hiện chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban bí thư, Ban Nội chính Trung ương đang gấp rút hoàn thiện một đề án nhằm đổi mới tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo (BCĐ) cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương.

Yêu cầu sửa đổi toàn diện Quy định 40

Cùng với việc ban hành Nghị quyết 08 - nghị quyết chuyên đề đầu tiên về tư pháp, năm 2002, Bộ Chính trị cũng quyết định thành lập BCĐ CCTP Trung ương. Đến năm 2005, khi Bộ Chính trị ban hành tiếp Nghị quyết 49 về chiến lược CCTP, BCĐ được kiện toàn với nhiệm vụ chính là chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết 49 và các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kết luận của trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư trong lĩnh vực mới mẻ, đầy khó khăn và thử thách này.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp thứ 12 của
Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. Ảnh: VGP

Ban đầu, Ban Nội chính Trung ương thực hiện chức năng thường trực BCĐ CCTP Trung ương. Ban Nội chính Trung ương giải thể năm 2007 thì đến năm 2011, Văn phòng BCĐ được thành lập giữ vai trò bộ phận thường trực. Ban Nội chính Trung ương tái lập năm 2012 thì đến năm 2017, Văn phòng BCĐ nhập với Ban Nội chính Trung ương. Từ đó đến nay, Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực của BCĐ.

Vấn đề là Nghị quyết 49 về chiến lược CCTP mới chỉ xác định nhiệm vụ tới năm 2020. Hết thời hạn này, nhiều nội dung, công việc đã đặt ra, do nhiều lý do vẫn chưa triển khai được. Tổng kết Nghị quyết 49, được thực hiện năm 2019, đã thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế: “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ CCTP có lúc, có việc chưa thực sự nhất quán, quyết liệt, kiên trì; hiệu quả hoạt động, vai trò của BCĐ […] trong một số trường hợp còn chưa cao”.

Ngoài ra, hoạt động của BCĐ và cơ quan thường trực BCĐ cho đến nay vẫn dựa trên Quy định 40-QĐ/TW do Bộ Chính trị ban hành từ năm 2011, chưa cập nhật các biến động về nhân sự, tổ chức từ đó đến nay.

Tất cả vấn đề đặt ra yêu cầu sửa đổi toàn diện Quy định 40, để ban hành quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của BCĐ CCTP Trung ương.

Sửa thế nào?

Cho đến nay, việc xây dựng đề án về tổ chức, hoạt động của BCĐ cho nhiệm kỳ 2021-2026 đã cơ bản hoàn tất. Tin từ cơ quan chủ trì cho hay dự thảo Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của BCĐ được xây dựng trên cơ sở kế thừa Quy định 40 của Bộ Chính trị, đồng thời nâng một số nội dung vốn thuộc quy chế làm việc của BCĐ hiện hành lên tầm quy định.

Theo đó, sẽ quy định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng BCĐ, phó trưởng Ban thường trực, phó trưởng ban và các ủy viên, cũng như của cơ quan thường trực là Ban Nội chính Trung ương.

Trong các sửa đổi, bổ sung này, một đề xuất đáng chú ý là bổ sung thẩm quyền cho BCĐ, trong trường hợp cần thiết, được yêu cầu các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền báo cáo việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước “trong giải quyết một số vụ án, vụ việc có nhiều thông tin, dư luận phức tạp về oan, sai, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, để chỉ đạo xử lý theo quy định”.

Đây là điểm mới đáng kể, so với hiện nay BCĐ chỉ có thẩm quyền chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc… chung chung về công tác CCTP, mà không được gắn với vụ án, vụ việc cụ thể.

Tuy nhiên, với thẩm quyền mới này, khi tổ chức thực hiện sẽ phải đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng, không chồng chéo công việc của BCĐ Trung ương về phòng chống tham nhũng mà Tổng bí thư là trưởng ban.

Về thành viên BCĐ, đề xuất đáng chú ý là phân công chánh án TAND Tối cao làm phó trưởng ban, thay vì chỉ là ủy viên như lâu nay. Lập luận đưa ra là đến thời điểm này, tòa án không chỉ là trung tâm của CCTP như Nghị quyết 49 đã vạch ra từ 15 năm trước. Hơn thế, tòa án đã được định vị cao hơn trong Hiến pháp 2013, là cơ quan “thực hiện quyền tư pháp”, để thực hiện cơ chế “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Được biết, đề án đã được hoàn thiện để chuẩn bị báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất.

Nâng cao vị thế chế định Chủ tịch nước

Việc xây dựng đề án tổ chức, hoạt động của BCĐ CCTP Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 được đặt trong bối cảnh sau Đại hội XIII, chế định Chủ tịch nước đã được kiện toàn, do nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc toàn tâm gánh vác, thay vì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm nhiệm mấy năm trước. Nhờ vậy, vị trí trưởng BCĐ sau một thời gian để trống đã được Bộ Chính trị phân công cho Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, tương tự như cơ cấu thành viên BCĐ từ khi thành lập đến trước khi nguyên Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần.

Ngoài ra, ở nhiệm kỳ này, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Chủ tịch nước không chỉ làm trưởng BCĐ CCTP, mà còn được Bộ Chính trị phân công làm trưởng BCĐ xây dựng đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Đây sẽ là đề án rất lớn, mà kết quả là nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, bao trùm các yêu cầu cả về chiến lược lập pháp và CCTP, thay vì như trước đây mới chủ yếu nằm trong hai Nghị quyết 48, 49 do Bộ Chính trị ban hành.

Phát biểu tại phiên họp Thường trực BCĐ hôm 22-6, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá việc xây dựng đề án và kiện toàn BCĐ CCTP Trung ương sẽ góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu xây dựng và thực hiện chiến lược hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm