Công an đẩy trách nhiệm điều tra cho tòa

Công an thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa cho biết cơ quan này đã có kết luận điều tra bổ sung vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ xảy ra trên quốc lộ 1, đoạn qua xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa ngày 18-10-2015.

Vợ chết, chồng bị khởi tố

Đây là vụ án tai nạn giao thông mà nhân chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khẳng định thấy xe tải chạy tốc độ cao vượt lên gây tai nạn chết người ngồi sau xe máy nhưng người điều khiển xe máy lại bị khởi tố.

Theo cáo trạng của VKSND thị xã Ninh Hòa công bố trước đây, lúc 14 giờ ngày 18-10-2015, ông Huỳnh Thanh Quang điều khiển xe máy chở vợ là bà Trần Thị Xuân trên quốc lộ 1. Khi đến đoạn qua xã Ninh Quang, ông Quang điều khiển xe máy chạy trên lề đường, phía sau có xe tải do tài xế Đặng Hoàng Thạch (ngụ xã Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa) điều khiển chạy cùng chiều.

Do muốn vượt một ô tô cùng chiều phía trước đang chạy chậm lại nên ông Quang cho xe máy chuyển làn đường sang làn xe tải đang chạy. Do không quan sát gương chiếu hậu nên để xe tải va quẹt gây tai nạn, làm bà Xuân bị chết khi đang cấp cứu tại bệnh viện.

Lúc đầu ông Quang bị Công an thị xã Ninh Hòa khởi tố do có hành vi điều khiển mô tô không giữ khoảng cách an toàn gây tai nạn làm chết người. Tuy nhiên, cáo trạng của VKS cáo buộc ông Quang chuyển làn đường không đảm bảo an toàn nên gây tai nạn chết người.

Ông Huỳnh Thanh Quang nói: “Vợ tôi đã bị xe tải gây tai nạn chết rồi, giờ họ muốn buộc tôi phải vào tù!”. Ảnh: TẤN LỘC

Công an: Tòa thấy có tội thì khởi tố

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 28-9, TAND thị xã Ninh Hòa quyết định trả hồ sơ cho VKSND cùng cấp để điều tra bổ sung. Trong các nội dung phải điều tra bổ sung, tòa yêu cầu làm rõ hành vi của tài xế Đặng Hoàng Thạch có cấu thành tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ hay không, làm rõ các căn cứ buộc tội đối với ông Quang…

Tuy nhiên, trong kết luận điều tra bổ sung, Công an thị xã Ninh Hòa không làm rõ hay kết luận về hành vi của tài xế Thạch theo yêu cầu của tòa. Ngược lại, bản kết luận điều tra bổ sung lại đề nghị: “Trong quá trình xét xử, nếu HĐXX phát hiện hành vi của ông Đặng Hoàng Thạch cấu thành tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thì có quyền khởi tố hoặc yêu cầu VKS khởi tố theo quy định của pháp luật”.

Với yêu cầu của tòa về làm rõ các căn cứ khởi tố đối với ông Huỳnh Thanh Quang, bản kết luận điều tra bổ sung cũng không làm rõ mà chỉ giải thích: “Cơ quan CSĐT khởi tố bị can Quang do có hành vi điều khiển mô tô không tuân thủ quy định về sử dụng làn đường, gây tai nạn làm chết một người chứ không phải hành vi đi không đúng làn đường”.

Tòa: CQĐT phải làm rõ yêu cầu của tòa

Trong khi đó, Công an thị xã Ninh Hòa thừa nhận trong quá trình khám nghiệm hiện trường, cơ quan CSĐT không phát hiện trên đoạn đường xảy ra tai nạn có biển báo sử dụng làn đường cho các phương tiện tham gia giao thông mà chỉ có vạch kẻ đường để phân làn đường.

Trao đổi với PV, Đại tá Đặng Đức Luân, Trưởng Công an thị xã Ninh Hòa, cho biết: “Tòa trả hồ sơ yêu cầu làm rõ hành vi của tài xế xe tải có cấu thành tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ hay không nhưng CQĐT thấy chưa đủ yếu tố để khởi tố. CQĐT có quan điểm của mình. Mặt khác, ra tòa HĐXX còn căn cứ vào diễn biến tại phiên tòa đánh giá lại toàn bộ chứng cứ. Nếu có căn cứ thì chủ tọa phiên tòa có quyền khởi tố hoặc yêu cầu VKS khởi tố. Luật cho phép như vậy”.

Còn ông Võ Văn Hải, Chánh án TAND thị xã Ninh Hòa, thì nói hiện VKS chưa chuyển hồ sơ vụ án sang tòa. “Về nguyên tắc, tòa trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung thì CQĐT phải tiến hành điều tra, làm rõ các yêu cầu của tòa. Nếu CQĐT không làm thì phải chuyển hồ sơ ngay để tòa xem xét. Trong trường hợp này, HĐXX sẽ xem xét vì sao CQĐT không làm rõ các yêu cầu của tòa cũng như đánh giá lại toàn bộ chứng cứ của vụ án” - ông Hải nói.

Công an không thể đẩy trách nhiệm lại cho tòa

Theo tôi, trong trường hợp này thẩm quyền điều tra bổ sung là của công an chứ không “đẩy” ngược lại cho tòa được. Bởi BLTTHS quy định rõ thẩm quyền của tòa án trong trường hợp tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung khác với tự mình khởi tố tại tòa.

Cụ thể, tòa chỉ có quyền độc lập tự mình khởi tố vụ án tại tòa trong trường hợp quá trình xét xử thấy CQĐT bỏ lọt tội phạm. Tức là một hành vi phạm tội khác chưa bị phát hiện và tòa ra quyết định khởi tố thành một vụ án khác, tách khỏi vụ án đang xét xử.

Trong vụ này, ông Quang đã bị khởi tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, tòa yêu cầu điều tra bổ sung hành vi của ông Thạch xem có cấu thành tội tương tự hay không, tức là yêu cầu này liên quan đến cùng một vụ án. Bởi giả sử ông Thạch có phạm tội thì trách nhiệm hình sự của ông Quang sẽ bị giảm đi hoặc phải tính toán lại vì nó có mối quan hệ với nhau. Nghĩa là khi vấn đề cần làm rõ cùng liên quan đến một hành vi phạm tội và cùng nằm trong một vụ án thì tòa không thể khởi tố một bị can khác, một vụ án khác được. Do vậy, tòa trả hồ sơ yêu cầu VKS và CQĐT điều tra bổ sung là hợp lý và đúng thẩm quyền, việc công an cùng cấp đá trách nhiệm lại cho tòa là sai. Kết quả điều tra lại có thể có hoặc không nhưng về thẩm quyền và trách nhiệm thì vẫn phải làm.

TS VÕ THỊ KIM OANH,Trưởng khoa Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM

T.TÙNG ghi

Phía nạn nhân yêu cầu khởi tố tài xế xe tải

Ông Huỳnh Thanh Quang cho biết: “Trong giai đoạn điều tra bổ sung, CQĐT chỉ triệu tập tôi làm việc một lần duy nhất. Điều tra viên và kiểm sát viên không hỏi gì về vụ tai nạn mà chỉ động viên tôi nhận tội để họ làm cho nhanh.”

Từ khi bị khởi tố, không chỉ ông Quang kêu oan mà người thân của nạn nhân cũng liên tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng kêu oan cho ông này, đồng thời yêu cầu khởi tố tài xế xe tải Đặng Hoàng Thạch.

Tuy nhiên, bà Trần Thị Nga, em ruột nạn nhân Trần Thị Xuân, cho biết điều tra viên liên tục vận động bà rút hết các đơn khiếu nại, tố cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm