Công an xã đánh chết dân: Yếu tố công vụ ở đâu?

Trên số báo hôm qua (30-3), chúng tôi có đăng bài viết “Công an xã đánh chết người, tội gì?”phản ánh chuyện công an viên xã Phú Xuân, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) tên Lê Viết Hùng đánh chết nghi can vụ trộm. Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố Hùng tội giết người rồi chuyển sang tội danh làm chết người trong khi thi hành công vụ. Sau đó, VKSND huyện Krông Năng truy tố Hùng tội này nhưng TAND cùng cấp lại cho rằng tội cố ý gây thương tích (dẫn đến chết người) mới đúng.

Vậy bị cáo Hùng phạm tội gì? Dưới đây là ý kiến phân tích của các chuyên gia pháp luật xung quanh vụ án này.

Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:

Tội giết người mới đúng

Theo tôi, hành vi của Lê Viết Hùng đã cấu thành tội giết người theo khoản 1 Điều 93 BLHS.

Nạn nhân (ông Thâu) chưa phải là người bị khởi tố điều tra. Công an viên Hùng không phải là điều tra viên, không có quyền và trách nhiệm hỏi cung, truy bức để lấy lời khai nghi can đến 5-6 lần trong đêm. Hơn nữa, lúc ấy không có chứng cứ thể hiện nạn nhân phạm tội quả tang nên công an viên xã hay bất cứ ai cũng không có quyền bắt giữ nghi can. Do vậy, không có căn cứ để đổi tội danh của Hùng sang tội làm chết người trong khi thi hành công vụ.

Công vụ không hợp pháp, lẽ ra còn phải xem xét việc khởi tố, điều tra Hùng và những người giúp sức về tội bắt, giữ người trái pháp luật theo Điều 123 BLHS.

Dù xét nghiệm trong máu nạn nhân có nồng độ cồn nhưng nạn nhân vẫn tự đi lại trong đêm được, vẫn tỉnh táo khẳng định: “Tao không trộm sắt mà chỉ vào coi sắt”. Và dù bị đánh đập dã man, bị buộc viết bản tự khai đến 5-6 lần nhưng nạn nhân vẫn kiên quyết không nhận tội. Lời khai của nhân chứng Hồ Minh Tuấn rằng bị can Hùng có tát mạnh vào má phải ông Thâu thì ông Thâu nói: “Anh đánh tôi chảy máu miệng”, chứng tỏ sức khỏe thể chất và tinh thần của nạn nhân bình thường, không phải là nguyên nhân để nạn nhân tự ngã gây chấn thương sọ não và bầm tím khắp người, gãy răng, chảy máu miệng... dẫn đến tử vong.

Chị Võ Thị Kim Quê (bìa trái, vợ nạn nhân Nguyễn Hữu Thâu) yêu cầu xử bị cáo đúng tội danh. Ảnh: N.NGA

Luật sư BÙI QUANG NGHIÊM, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM:

Ít nhất là tội cố ý gây thương tích

Không thể nào xử Lê Viết Hùng ở tội làm chết người trong khi thi hành công vụ được. Không có luật lệ nào cho phép anh được sử dụng công cụ hỗ trợ là dùi cui và dùng bạo lực để đánh nghi can trong khi lấy lời khai cả. Hành vi giật tóc, tát vào mặt nạn nhân tới 13-14 cái, dùng dùi cui đánh vào người nạn nhân rồi ép họ viết bản tự khai là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo tôi, ít nhất là phải xử Hùng tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người hoặc tội giết người mới đúng. Còn việc cơ quan tố tụng cho rằng ông Thâu ngồi trên ghế rồi ngủ quên nên mới tự té đập đầu xuống nền nhà là ngụy biện. Bởi ông Thâu đang trong tình trạng bị tra tấn về thể xác, bị ép viết tới năm bản tự khai và bị đánh nhiều lần vào đầu, người như thế mà ông Thâu vẫn không nhận tội thì khó có thể cho rằng ông này uống rượu say, ngủ quên tự ngã đập đầu xuống đất được. Đây chỉ là ngụy biện!

Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Không phải thi hành công vụ

Theo khoản 7 Điều 9 Pháp lệnh Công an xã năm 2008 và Điều 9 Thông tư số 12/2010 của Bộ Công an (về nhiệm vụ, quyền hạn của công an xã) thì công an xã chỉ có nhiệm vụ lập biên bản theo quy định và dẫn giải ngay đối tượng lên công an cấp trên. Công an xã không có chức năng, quyền hạn trong việc lấy lời khai hay buộc người phạm tội quả tang ghi bản tự khai, ghi lời khai. Vì vậy, hành vi của ông Lê Viết Hùng không thể được xem là thi hành công vụ.

VKS cho rằng bị cáo Hùng yêu cầu ông Thâu viết bản tự khai, lấy lời khai theo sự chỉ đạo của cấp trên là trưởng công an xã nên lúc này Hùng đang thi hành công vụ. Theo tôi, nhận định như trên là không đúng. Người thi hành công vụ là người đang thi hành nhiệm vụ được cơ quan nhà nước, cơ quan, tổ chức giao cho hoặc theo quy định của pháp luật vì lợi ích chung. Trường hợp này ngay cả trưởng công an xã cũng không có chức năng, nhiệm vụ lấy lời khai người phạm tội quả tang. Vì vậy, không thể xem việc công an viên Hùng ép viết bản tự khai, ghi lời khai là đang thi hành công vụ.

TS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn Luật hình sự ĐH Luật TP.HCM:

Vì sao nạn nhân chấn thương sọ não?

VKS cho rằng “ngoại lực tác động vào vùng đỉnh chẩm đầu ông Thâu là do tay của bị can tác động vào, hậu quả làm cho vùng đỉnh chẩm bị tụ máu, phù hợp với bản kết luận giám định pháp y của Trung tâm Pháp y tỉnh Đắk Lắk: “Tổn thương trên được gây ra bởi vật tác động thuộc loại cứng, tày, diện rộng”.

Theo tôi, việc lý giải này là chưa phù hợp với kết luận pháp y về nguyên nhân gây ra cái chết cho ông Thâu là do “chấn thương sọ não, vật tác động thuộc loại cứng, tày, diện rộng”.

Để xác định chính xác nguyên nhân chết của ông Thâu và định tội danh đối với hành vi của bị cáo Hùng thì cần triệu tập người giám định để làm rõ nguyên nhân chấn thương sọ não là do ông Thâu té hay do vật cứng, tày tác động. Nếu nguyên nhân gây chết là do Hùng dùng vật tày (dùi cui hoặc roi điện...) đánh vào đầu ông Thâu gây chấn thương sọ não thì hành vi của Hùng có dấu hiệu của tội giết người…

Luật sư NGUYỄN VĂN HỒNG, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Đủ căn cứ xử tội giết người

Kết luận giám định pháp y thể hiện: “Nguyên nhân tử vong của Nguyễn Hữu Thâu là chấn thương sọ não, vật tác động thuộc loại cứng, tày, diện rộng”. Công văn trả lời của VKSND huyện Krông Năng cũng cho rằng: “Trong quá trình làm việc, bị can đã nhiều lần dùng tay tát vào vùng mặt và dùng tay túm tóc ông Thâu giật ngược lên. Như vậy, ngoại lực tác động vào vùng đỉnh chẩm đầu anh Thâu là do tay bị can tác động vào, hậu quả làm cho vùng đỉnh chẩm đầu bị tụ máu”.

Có thể thấy hành vi của Hùng dùng tay đánh nhiều lần vào vùng đỉnh chẩm đầu người bị hại có mối liên hệ nhân quả trực tiếp đối với cái chết của người bị hại. Bị cáo ý thức được hành vi tấn công này là nguy hiểm, có thể gây chết người nhưng vẫn thực hiện do coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác. Do vậy, có đủ căn cứ để truy tố bị cáo về tội giết người.

Đánh chết nghi can, bị ba năm tù

Theo hồ sơ, do nghi ngờ ông Nguyễn Hữu Thâu trộm sắt, Lê Viết Hùng, công an viên xã Phú Xuân, huyện Krông Năng (Đắk Lắk), bắt ông về trụ sở thôn. Hùng gọi báo cho trưởng công an xã và được trưởng công an chỉ đạo chỉ lập biên bản sự việc, ghi lời khai người biết việc, lời khai ông Thâu, tạm giữ phương tiện rồi cho ông Thâu về. Tuy nhiên, Hùng đã neo giữ ông Thâu lấy lời khai và đánh đập, đến sáng thì ông Thâu hôn mê sâu và tử vong vì chấn thương sọ não.

Ban đầu Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố Hùng về tội giết người, sau đó chuyển sang tội danh làm chết người trong khi thi hành công vụ và chuyển vụ án về cơ quan tố tụng huyện Krông Năng điều tra, truy tố theo thẩm quyền. TAND huyện này nhận định bị can có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích (dẫn đến chết người) nên trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng VKS vẫn bảo lưu quan điểm. Do giới hạn xét xử, tòa vẫn xử Hùng tội làm chết người trong khi thi hành công vụ và phạt bị cáo ba năm tù.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm