Cộng lùi tỉ lệ thương tật theo tình trạng sức khỏe giảm dần

Cụ thể: Kết luận giám định pháp y xác định ông Phong bị một vết sẹo tại sống mũi phải, kích thước 1,5 x 0,3 cm, ảnh hưởng đến thẩm mỹ tỉ lệ 6%, đồng thời mũi ông bị gãy xương chính, tỉ lệ thương tật 9%. Cộng dồn hai thương tích này thì ông Phong có tỉ lệ thương tật là 14%.

Nhiều bạn đọc thắc mắc tại sao phương pháp cộng trong xác định tỉ lệ thương tật lại khác với phép cộng toán học thông thường (9% + 6% = 15%).

Ông Phạm Công Hùng (nguyên Thẩm phán TAND Tối cao) cho biết theo điểm 5 Mục III Thông tư liên bộ số 32 ngày 27-11-1985 của Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH, đối với trường hợp một người bị nhiều vết thương hỗn hợp thì định tỉ lệ riêng cho từng di chứng, cuối cùng áp dụng phương pháp cộng lùi để tính tỉ lệ chung của các vết thương rồi mới xếp vào hạng. Phương pháp cộng thẳng có thể được vận dụng trong những trường hợp có nhiều vết thương ở các bộ phận có tính chất hiệp đồng chức năng như hai tay, hai chân, hai mắt, hai tai. Tuy nhiên, phương pháp cộng lùi mới là phổ biến. Cộng lùi là cách tính dựa theo tỉ lệ tình trạng sức khỏe giảm dần sau những lần bị thương tật. Dù cộng thẳng hay cộng lùi vẫn phải bảo đảm nguyên tắc tỉ lệ chung không được vượt quá mốc tỉ lệ 100% của toàn cơ thể hoặc tỉ lệ mốc tối đa của từng bộ phận…

Trong cách xác định tỉ lệ thương tật hiện nay, có nơi sử dụng số lẻ, có nơi dùng số chẵn bằng cách làm tròn số (lên hoặc xuống). Ví dụ: 20,84% được làm tròn thành 21%, 20,48% được làm tròn thành 20%...

Như vậy, trong trường hợp cụ thể của ông Phong, thương tật cao nhất là 9% (so với cơ thể khỏe mạnh ban đầu là 100%). Cộng với tỉ lệ thương tật còn lại là 6% so với ban đầu 100% (thực tế lúc này cơ thể chỉ còn khỏe mạnh là 91%) thì tỉ lệ 6% này đối với 91% chỉ còn 5,46%. Tính theo phương pháp này thì tất cả thương tật của ông Phong có tỉ lệ là 9% + 5,46% = 14,46% (có thể làm tròn là 14%).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm