Công ty thua kiện vụ tranh chấp hợp đồng trồng rừng

TAND tỉnh Hà Tĩnh đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ “tranh chấp hợp đồng hợp tác trồng rừng” giữa nguyên đơn kháng cáo là Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê (Hà Tĩnh) và bị đơn là vợ chồng ông Lê Hữu Chí, bà Phan Thị Thu (trú xã Hương Giang, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh).

HĐXX phúc thẩm nhận định: Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, Công ty Hương Khê không xuất trình được bản gốc hợp đồng hợp tác trồng rừng số 11 giữa công ty và vợ chồng ông Chí. Công ty không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến số tiền bán vật tư, phân bón cây giống, tiền chăm sóc với số tiền hơn 32 triệu đồng.

Hai cha con ông Chí hồi hộp đứng nghe HĐXX phúc thẩm tuyên án. 

Do đó, HĐXX phúc thẩm đã tuyên không chấp kháng cáo của Công ty Hương Khê, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Theo hồ sơ, phía Công ty Hương Khê khởi kiện cho rằng ngày 10-12-2003, Công ty Nông lâm công nghiệp Hà Tĩnh (nay là Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê) ký hợp đồng hợp tác trồng rừng số 11-HĐ/HTTR trên diện tích đất là 7,74 ha tiểu khu 215 (xã Hương Giang) để hợp tác trồng rừng nguyên liệu (cây keo lá tràm) với ông Chí.

Trong hợp đồng đã thống nhất các điều khoản để phân chia lợi nhuận cho các bên.

Thời gian trồng cây keo theo hợp đồng năm 2003 và 2004 là sáu năm, sản lượng ước tính là 80 tấn/ha. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, công ty đã cung ứng vật tư, phân bón, cây giống, tiền công chăm sóc... là 32 triệu đồng.

Tuy nhiên, rừng keo tính đến thời điểm hiện nay đã là 13 năm, do vậy sản lượng keo ước tính là 120 tấn/ha. Tổng số tiền bán sản phẩm rừng keo là hơn 1 tỉ đồng. Sau khi trừ chi phí còn lại 272 triệu đồng, trong đó công ty được hưởng 57%, hộ gia đình ông Chí hưởng 40%, UBND xã hưởng 3%.

Ông Chí thắng kiện và vui vẻ ra về.

Đã nhiều lần công ty thông báo bằng văn bản cho gia đình ông Chí để thanh lý hợp đồng nhưng ông Chí không hợp tác. Công ty đã làm đơn khởi kiện lên TAND huyện Hương Khê yêu cầu tòa công nhận quyền khai thác, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm của Công ty Cao su đối với số cây trên diện tích rừng trên; đồng thời cáo buộc ông Chí tội cản trở quyền khai thác, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm của công ty.

Trong khi vợ chồng ông Chí khẳng định không ký kết hợp đồng nêu trên và cho rằng hợp đồng đó làm giả. Phía đại diện Công ty Cao su Hương Khê lập luận hợp đồng, chứng từ gốc bị "thất lạc không tìm được". 

Ngày 3-7, TAND huyện Hương Khê xử sơ thẩm, tuyên bác toàn bộ đơn kiện, không chấp nhận yêu cầu của Công ty Hương Khê và công ty này đã làm đơn kháng cáo.

Hiện gia đình ông Chí cho biết đang đề nghị cơ quan chức năng điều tra, làm rõ hành vi làm giả hợp đồng kinh tế số 11-HĐ/HTTR (ký ngày 10-12-2003) của Công ty Hương Khê. Theo ông Chí, năm 2003 chưa có công ty lâm nghiệp Hà Tĩnh và chưa có con dấu của công ty này vì công ty ra đời sau ba năm so với thời điểm ký hợp đồng...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm