Cưa gỗ khô trong rừng, bị xử tội trộm cắp

Ngày 26-9, TAND huyện Đăk Hà, Kon Tum đã đưa vụ án Phan Tiến Dũng và đồng phạm bị truy tố về tội trộm cắp tài sản ra xử lưu động. Đây là vụ án khá lạ bởi cơ quan tố tụng truy tố, xét xử về tội danh không ăn nhập gì đến hành vi khai thác trái phép cây rừng của các bị cáo.

Cưa gỗ rừng bị khởi tố tội trộm cắp

Theo cáo trạng, Phan Tiến Dũng là kiểm lâm của Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy. Ngày 11-4-2016, Dũng rủ Lê Quốc Khánh ra quán cà phê để nhờ tìm thuê người làm cành cà phê thì Khánh đã chủ động xin Dũng vào rừng Đăk Uy cưa trộm gỗ trắc khô. Cả nể việc Khánh thường tìm thuê người làm cà phê cho mình nên Dũng đồng ý.

Sáng sớm hôm sau, Khánh cùng Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Văn Thụ, Nguyễn Ngọc Bình đi vào trạm I của rừng, phát hiện có cây gỗ trắc đã chết khô, không có lá nên cùng nhau cưa cây. Khi đó Dũng làm cảnh giới, canh chừng kiểm lâm khác để cho Khánh, Bảy, Thụ, Bình cắt gỗ. Do cây bị đổ tạo ra tiếng kêu lớn nên một nhân viên kiểm lâm đã phát hiện và báo cho giám đốc rừng là ông Nay Y Riu. Bị đuổi nên Khánh, Bảy, Bình đi giấu tang vật. Khi nghe có tiếng súng nổ, tất cả bỏ chạy về nhà.

Trong ngày 12-4-2016, Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy đã đề nghị CQĐT làm rõ hành vi của các đối tượng vào rừng cắt trộm gỗ trắc và trong lúc vây bắt, các đối tượng đã dùng dao chém đứt ngón tay của ông Nay Y Riu.

Theo kết luận giám định, ông Nay Y Riu bị thương tật 5% (tại thời điểm giám định), vết thương đốt xa ngón hai bàn tay trái bờ mép nham nhở có dị vật màu đen như dầu nhớt, vật gây thương tích không phải là vật sắc bén. CQĐT cho rằng thương tích này không liên quan tới các bị cáo nên không có cơ sở để khởi tố các bị cáo tội chống người thi hành công vụ.

Qua giám định, cây gỗ bị cưa nói trên là cây gỗ trắc đã chết khô, không còn khả năng sinh trưởng và phát triển. Khúc gỗ mà các bị cáo lấy trị giá gần 20 triệu đồng.

Sau đó Dũng, Khánh, Bảy, Thụ và Bình cùng bị truy tố về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 BLHS.

Các bị cáo cho rằng mình bị xử lý hình sự là bị oan. Ảnh: NGÂN NGA

Xử phạt hành chính mới đúng?

Tại tòa, các bị cáo đều thừa nhận mọi hành vi như cáo trạng của VKS. Tuy nhiên, các bị cáo khẳng định việc làm của mình là sai nhưng chỉ ở mức xử phạt hành chính chứ không bị xử lý hình sự như VKSND huyện Đăk Hà truy tố.

Theo VKSND huyện Đăk Hà, do cây gỗ trắc chết trước khi bị cưa hạ nên hành vi của các bị cáo cấu thành tội trộm cắp tài sản. Việc các bị cáo chưa mang được khúc gỗ ra ngoài rừng để tiêu thụ là nằm ngoài ý thức của các bị cáo. Riêng bị cáo Dũng, với vai trò là viên chức kiểm lâm, lại đi cảnh giới cho các bị cáo phạm tội nên phải chịu trách nhiệm với vai trò là đồng phạm giúp sức. Từ đó đại diện VKS đề nghị phạt bị cáo Khánh 15-18 tháng tù, Bảy 14-17 tháng tù, các bị cáo Thụ, Bình và Dũng 12-15 tháng tù.

Tranh luận lại, luật sư cho rằng các bị cáo không phạm tội trộm cắp tài sản và đề nghị HĐXX tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Cụ thể, biên bản giao nhận quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can hai bị cáo ghi thời điểm kết thúc trước thời điểm bắt đầu. Quyết định khởi tố bị can số 53/QĐ-CSĐT ngày 22-7-2017 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Đăk Hà thể hiện thông tin Nguyễn Ngọc Bình nhưng phần quyết định lại khởi tố Lê Quốc Khánh.

Căn cứ vào Điều 12 Nghị định 157/2013 (quy định về xử phạt vi phạm hành chính về quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản) thì các bị cáo khai thác trái phép chưa tới 1,5 m3 gỗ nên chỉ bị xử phạt tiền từ 30 triệu đến 50 triệu đồng. Như vậy, hành vi của các bị cáo trong trường hợp này chỉ phải chịu xử phạt hành chính theo khoản 3 Điều 12 Nghị định số 157/2013 chứ chưa đến mức bị xử lý hình sự. Việc VKS truy tố các bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản là không đúng.

Đáp lại, VKS nói vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố.

Hôm nay (27-9), TAND huyện Đăk Hà tiếp tục xét xử vụ án.

Truy tố không hợp lý

Việc các bị cáo bị truy tố về tội trộm cắp tài sản là không hợp lý. Trong trường hợp này các bị cáo đã thực hiện hành vi khai thác trái phép cây rừng được quy định tại Điều 175 BLHS năm 1999 (tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng).

Thứ nhất, theo hướng dẫn tại Điều 1 Mục IV Thông tư liên tịch số 19/2007/BNN-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC thì:

a) Hành vi khai thác trái phép cây rừng tại Điều 175 BLHS năm 1999 là hành vi: “Khai thác cây rừng ở rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép…”. Các bị can trên đã thực hiện hành vi cưa gỗ trắc tại rừng đặc dụng mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép nên đây là hành vi khai thác trái phép cây rừng.

b) Người khai thác trái phép cây rừng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản (thuộc chương các tội xâm phạm sở hữu) đối với hành vi khai thác trái phép rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao cho tổ chức, tập thể, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp mà người được giao đã bỏ vốn đầu tư trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ... Như vậy, rừng đặc dụng trong vụ án trên không thuộc trường hợp rừng trồng, rừng khoanh… vừa đề cập nên không thể truy cứu các bị cáo nêu trên về tội trộm cắp tài sản.

Thứ hai, theo quy định tại Điều 175 BLHS thì hành vi khai thác trái phép cây rừng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Dấu hiệu “Gây hậu quả nghiêm trọng” theo hướng dẫn tại Điều 1 Mục IV Thông tư liên tịch số 17/2007/BNN-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC có thể được hiểu là: “Gây thiệt hại về lâm sản từ trên mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính…”. Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 12 Nghị định 157/2013 (quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản) thì mức tối đa bị xử phạt hành chính đối với hành vi khai thác trái phép gỗ thuộc nhóm IIA tại rừng đặc dụng là đến 5 m3.

Theo nội dung cáo trạng thì các bị cáo khai thác trái phép gỗ trắc chưa vượt quá khối lượng 5 m3 nên không coi là gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời những người này cũng chưa từng bị xử phạt hành chính và chưa từng bị kết án về tội phạm tại Điều 175 BLHS nên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm tội này.

Tóm lại, các bị cáo nói trên chỉ có thể bị xử phạt hành chính về hành vi khai thác trái phép cây rừng theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 12 Nghị định 157/2013.

ThS TRẦN THANH THẢO, giảng viên ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm