Cùng là quan tòa, người mặc áo choàng, người không

Sáng 11-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về tổng kết việc thực hiện thí điểm trang phục xét xử của thẩm phán TAND và việc thực hiện thống nhất trang phục xét xử của thẩm phán trên cả nước.

Thẩm phán chính thức mặc áo choàng khi xử

Theo đó, UBTVQH quyết từ ngày 1-1-2018, hơn 6.500 thẩm phán trên cả nước sẽ mặc trang phục xét xử mới do TAND Tối cao thiết kế, đề nghị áp dụng thống nhất tại các phiên tòa…

Theo báo cáo thẩm tra về nội dung này, TAND Tối cao đã tổ chức thiết kế, lựa chọn trang phục xét xử của thẩm phán. Trang phục mới này là bộ áo choàng dài tay màu đen, dùng chung cho cả nam và nữ, có sự phân biệt giữa các ngạch thẩm phán.

TAND Tối cao đã tổ chức thí điểm tại nhiều tỉnh, thành với 1.755/6.521 thẩm phán tham gia thực hiện thí điểm. Trong số 2.878 người được hỏi ý kiến, số người nhất trí về thiết kế, kiểu dáng trang phục xét xử chiếm tỉ lệ 85,89%; số người không nhất trí chiếm tỉ lệ 14,11%. Một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa lại kích cỡ, họa tiết, chất liệu để phù hợp với đặc điểm con người, khí hậu của Việt Nam.

Dự kiến thời điểm bắt đầu thực hiện thống nhất trang phục xét xử của thẩm phán trên phạm vi cả nước kể từ ngày 1-1-2018. Niên hạn sử dụng là năm năm/hai chiếc, lần đầu cấp hai chiếc.

Góp ý cho nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị trang phục phải tính đến đặc điểm khí hậu rất nóng bức của Việt Nam và điều kiện cơ sở vật chất của tòa cấp huyện ở các vùng miền, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho thẩm phán làm việc. “Trang phục làm sao cho đỡ nóng, không phải tòa huyện nào cũng có máy điều hòa, có những vùng, miền ngày hè rất nóng. Rồi phải tính đến trường hợp xét xử lưu động thời tiết nóng nực mà bên trong mặc bộ vest, bên ngoài khoác thêm áo choàng nữa thì không chịu được” - bà Nga đề nghị.

Làm rõ thêm nội dung này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết việc thiết kế mẫu trang phục, lựa chọn chất liệu đã được bàn kỹ. Về màu sắc thì tuân theo triết lý của tòa án là “trắng đen rõ ràng”. Qua tham khảo thì hầu hết các nước không dùng trang phục thẩm phán truyền thống màu đen tuyền nữa. Về đề nghị làm trang phục sao cho đỡ nóng, ông Bình cho hay: “Chúng tôi cũng thí điểm ở vùng nóng, cũng có nóng thật. Nếu chỉ mặc quần áo sơmi, không mặc áo vest thì đỡ nóng hơn”.

Thẩm phán mặc áo choàng khi xét xử nhưng hội thẩm(bìa phải) thì mặc comple. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nhưng hội thẩm thì vẫn như cũ

Tại phiên họp hôm qua (11-8) UBTVQH không đề cập đến trang phục của hội thẩm nhân dân. Tuy nhiên, trên thực tế, trang phục của hội thẩm được thực hiện theo Nghị quyết số 1214/2016/UBTVQH13 ngày 13-6-2016 của UBTVQH. Theo nghị quyết này, trang phục của hội thẩm nhân dân theo niên hạn gồm trang phục xuân hè là quần âu, áo sơmi trắng; trang phục thu đông là bộ comple, áo sơmi dài tay.

Từ đây có thể thấy tuy cùng là quan tòa, cùng có quyền hành ngang nhau trong việc biểu quyết để ra phán quyết khi xét xử nhưng thẩm phán thì mặc áo choàng, còn hội thẩm thì không. Hình ảnh thiếu đồng bộ và chưa được đẹp mắt này đã xuất hiện gần một năm qua, kể từ khi TAND Tối cao tổ chức thí điểm thẩm phán mặc áo choàng.

Theo BLTTHS, HĐXX tại phiên tòa sơ thẩm thông thường gồm một thẩm phán và hai hội thẩm nhân dân (nếu vụ án phức tạp thì hai thẩm phán và ba hội thẩm). Luật sư Lưu Văn Tám (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng thẩm phán và hội thẩm ngồi ngang hàng và ngang quyền nhau nên phải thống nhất về cách ăn mặc khi xét xử. Nếu chỉ trang bị áo thụng cho riêng thẩm phán thì hình ảnh ấy mâu thuẫn với chính vị trí và vai trò của các thành viên trong HĐXX. “Nhìn một cách trực quan, nếu HĐXX ăn mặc không đồng nhất thì người dân sẽ có cảm giác là tính bình đẳng và ngang quyền không có. Các vị hội thẩm sẽ bị “lép vế” về hình ảnh và tính quyền uy trong xét xử của họ bị giảm sút” - luật sư Tám bình luận.

Tương tự, luật sư Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận) cũng cho rằng hình ảnh HĐXX sơ thẩm với ba hoặc năm thành viên mà có hai kiểu áo, hai màu áo khác nhau thấy rất khập khiễng. Cá nhân hai thẩm phán mặc áo thụng đen thì nổi bật nhưng đặt bên cạnh ba hội thẩm mặc sơmi trắng lại trở thành đơn điệu. “Khi hội thẩm ngồi vào ghế HĐXX thì về mặt pháp lý, họ đang nhân danh Nhà nước thực hiện chức năng xét xử và phán quyết. Vì vậy, không nên phân biệt thẩm phán thì mặc áo choàng còn hội thẩm thì lại không” - luật sư Nguyễn Toàn Thiện góp ý.

Từ những phân tích trên, nhiều chuyên gia cho rằng UBTVQH và TAND Tối cao nên quy định và trang bị áo choàng dài tay màu đen cho hội thẩm nhân dân như của thẩm phán. Có như thế mới tạo sự đồng bộ, thống nhất về trang phục xét xử của cả HĐXX, góp phần làm tăng tính trang trọng, uy nghiêm của phiên tòa...

Không nên phân biệt, dù là màu áo

Nếu chỉ quy định đồng phục áo choàng dài tay cho thẩm phán thì chưa đủ, chưa thể hiện sự trang nghiêm của phiên tòa. Bởi HĐXX thực hiện chức năng xét xử, là hình ảnh đại diện cho Nhà nước nên cần uy nghiêm về tác phong, thống nhất về hình thức. Ở phiên tòa phúc thẩm thì không nói vì thành phần xét xử đều là các thẩm phán. Nhưng trong phiên tòa sơ thẩm chỉ có một thẩm phán (hoặc hai) mặc áo choàng thì nhìn đơn điệu và sẽ tạo ra sự chênh lệch, có ý phân biệt về vai trò, vị trí các thành viên trong HĐXX. Theo tôi, nên trang bị cả áo choàng cho hội thẩm để hội thẩm cảm thấy tự tin hơn trong quá trình xét xử.

Một hội thẩm nhân dân của TAND TP.HCM

Hội thẩm sẽ tủi thân

Quả thật, với quy định về trang phục còn phân biệt như thế thì các hội thẩm sẽ tủi thân.

Theo tôi, có hai cơ sở để trang bị đồng bộ áo choàng dài tay cho cả HĐXX: Thứ nhất, mô hình tố tụng nước ta không giống các nước có bồi thẩm đoàn khi xét xử nên không cần phân biệt. Ở mô hình này, thẩm phán ngồi vị trí cao nhất mặc áo thụng, bồi thẩm đoàn ngồi phía dưới và quyền cũng khác nhau nên mới cần phân cấp về hình thức. Thứ hai, về cơ sở pháp lý, từ hiến pháp đến các bộ luật, luật tố tụng đều khẳng định HĐXX gồm thẩm phán và hội thẩm có quyền ngang nhau trong xét xử.

Thay đổi trang phục xét xử là cần thiết để nâng cao hình ảnh cao đẹp của người đại diện công lý khi xét xử nhưng trang bị đồng bộ cho cả HĐXX thì tốt hơn nhiều. 

          Ông ĐINH VĂN QUẾnguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm