Cựu chủ tịch Đà Nẵng: Ký chỉ để hoàn thành thủ tục

Trong phiên tòa ngày 3-1, hai cựu chủ tịch UBND TP Đã Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến liên tục khẳng định những quyết định của mình trong việc chuyển nhượng nhà đất công sản cũng như các dự án bất động sản là vì lợi ích chung của TP chứ không hề vì động cơ cá nhân.

Nộp tiền mấy tháng rồi mới ký

Khai về mối quan hệ với Phan Văn Anh Vũ, ông Văn Hữu Chiến (cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) cho rằng không biết Vũ đứng sau các doanh nghiệp chuyển nhượng nhà đất công sản. Ông quen Vũ trong một cuộc họp giao ban, khi đó lãnh đạo TP giới thiệu Vũ có công ty bình phong của Bộ Công an.

Được hỏi căn cứ gì khi ký các công văn để các công ty của Vũ được nhận quyền sử dụng đất và giảm 10% tiền sử dụng đất? Ông Chiến khai do các cơ quan tham mưu trình lên, chủ tịch TP cũng nói đây là công ty bình phong.

“Khi ký bị cáo có kiểm tra?” – chủ tọa truy vấn. Đáp lời, cựu chủ tịch Đà Nẵng nói lĩnh vực của mình quá bận bịu nên hoàn toàn tin tưởng vào quyết định của chủ tịch và hai cơ quan cấp sở và văn phòng UBND TP. Ở dưới trình lên theo một quy trình, bị cáo chỉ là một khâu trong quy trình đó, là người ký cuối cùng để giải quyết công việc theo thủ tục.

Ông Chiến khẳng định việc ký không chịu sự chỉ đạo của bất kỳ ai, bản thân tuyệt đối không được hưởng lợi ích gì.

Đáng chú ý, bị cáo này khai rằng có những chữ ký, quyết định phê duyệt giá của mình dù chưa ký, cấp sở chưa trình lên nhưng ở dưới đã nộp tiền theo chủ trương của chủ tịch rồi, ví dụ như dự án 22 Cô Giang, 45 Nguyễn Thái Học, 158 Bạch Đằng…

“Có những cái 4-5 tháng sau người ta đã nộp tiền hết rồi, việc ký chỉ là để hoàn thành thủ tục” - ông Chiến nói.

“Như vậy quy trình bán không đúng cũng ký để người ta được nhận chuyển nhượng?” – HĐXX đặt câu hỏi.

Cựu chủ tịch Đà Nẵng lý giải lúc đó không biết, sau này CQĐT cho xem thì mới biết họ đã nộp tiền trước cả mấy tháng rồi. Ông nhiều lần lặp lại câu nói “quyết định của mình chỉ mang tính hoàn thành thủ tục”, do đó mong HĐXX xem xét.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: TTXVN

Bộ Công an có văn bản nên bắt buộc phải làm

Về phía mình, bị cáo Trần Văn Minh (cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) rất tự tin khi đưa ra các căn cứ và cho rằng mình không hề sai trong việc chuyển nhượng các nhà đất công sản trên địa bàn. Vì thấy mình không sai, ngay khi có kết luận điều tra, ông đã phản hồi ngay. Đến khi có cáo trạng, bị cáo tiếp tục phản hồi về “những oan ức, nỗi niềm của anh em Đà Nẵng”.

Điển hình là khu đất Công viên An Đồn cũ, ông Minh thừa nhận có ra chủ trương để chuyển nhượng quyền sử dụng cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 không qua đấu giá. Tuy nhiên, ông khẳng định việc này là đúng quy định.

Chủ tọa hỏi đúng quy định là quy định nào? Cựu chủ tịch Đà Nẵng cho rằng đất chưa giải phóng mặt bằng thì sẽ không qua đấu giá; ngoài ra, đây là đặc thù của một công ty bình phong, phải thực hiện theo chỉ thị của Thủ tướng về thực hiện pháp lệnh tình báo.

Nhiều lần được hỏi, ông Minh cho rằng văn bản của Bộ Công an (do Vũ ký, đề nghị được chuyển nhượng quyền sử dụng đất để phục vụ công tác nghiệp vụ ngành công an) là mang tính bắt buộc phải thực hiện với người làm chủ tịch UBND TP như bị cáo.

Khai thêm về mối quan hệ với Phan Văn Anh Vũ, ông Minh cho hay khi là chủ tịch UBND TP Đà Nẵng có được Bộ Công an giới thiệu Vũ là một sĩ quan tình báo hoạt động trên địa bàn, chủ tịch phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho tình báo viên hoạt động hoàn thành nhiệm vụ.

Trước việc bị cáo luôn khẳng định mình đúng, HĐXX đặt vấn đề các cơ quan chức năng đã kết luận việc giao 22 nhà đất công sản cũng như bảy dự án bất động sản có sai phạm, tại sao bị cáo cứ khăng khăng nói không sai phạm?

Bị cáo Minh cho hay không phải đứng trước tòa ông mới khẳng định như vậy.

“Cách đây 14 năm, trước Bộ Chính trị, tôi và anh Nguyễn Bá Thanh nhận sai sót ở một điểm, đó là không xin phép Trung ương trước khi ban hành những văn bản mang tính sáng tạo. Có chuyện đó. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng báo cáo trước Bộ Chính trị, mặc dù chính quyền Đà Nẵng có những chủ trương, chính sách chưa xin ý kiến Bộ Chính trị nhưng đã có tác động đến việc phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng, góp phần đưa TP Đà Nẵng phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, bị cáo nói.

Khi được hỏi trong số 22 nhà đất công sản và bảy dự án bất động sản, tại sao đa số tập trung vào một người, mà đó lại là Phan Văn Anh Vũ. Ông Minh cho rằng đó là sau này CQĐT vào cuộc và phát hiện, chứ thời điểm bị cáo làm, các đơn vị đang thuê đã sử dụng cơ sở nhà, đất đó nhiều chục năm rồi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm