Cựu giám đốc sở lưu ý cấp phó ‘Con bí thư đấy!’

Chiều 15-10, tiếp tục phiên xử vụ án gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, tòa đã xét hỏi cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT Triệu Thị Chính.

Bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, bà Chính là bị cáo duy nhất “không đồng tình với cáo trạng truy tố của VKS”. “Tôi có lỗi. Nhưng với nhận thức pháp luật của tôi, tôi không phạm tội” - bà Chính khẳng định.

Bà Chính khai bà chỉ lập danh sách 13 thí sinh và nhờ bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (cựu trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục) xem điểm môn ngữ văn chứ không nhờ nâng điểm, càng không thống nhất với Hoài về điểm số của bất kỳ thí sinh nào…

Do bà Chính không thừa nhận việc nhờ xem điểm, HĐXX trích lại biên bản làm việc của đoàn công tác Bộ GD&ĐT khi xảy ra vụ việc. Tại buổi làm việc này, bị cáo Chính cũng đã giải trình và ký vào biên bản. Trong biên bản này có nêu tên, tuổi cụ thể của 13 thí sinh, cũng như phụ huynh, thí sinh nào nhờ xem điểm, thí sinh nào nhờ nâng điểm.

Bị cáo Triệu Thị Chính, cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, đến tòa ngày 15-10. Ảnh: ĐỨC MINH

Theo biên bản, trong danh sách 13 thí sinh có thí sinh Lưu Thủy Tiên, con bà Chúng Thị Chiên - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang. “Bà Chiên nhắn tin có thể qua Zalo cho bà Chính để nhờ nâng điểm và tin nhắn qua số điện thoại thường dùng của bà Chiên 0912.609xxx. Nội dung tin nhắn đến nay vẫn còn được lưu trong số điện thoại của bà Chính. Bà Chính tự nguyện mở máy điện thoại của mình và cho tổ công tác của Bộ GD&ĐT chụp ảnh” - biên bản ghi rõ.

Liên quan đến trường hợp thí sinh Triệu Ngọc Mai, con ông Triệu Tài Vinh, biên bản thể hiện: “Trong cơ quan, nhiều người biết có con đồng chí Vinh thi năm 2018. Có lúc trao đổi ngoài lề, đồng chí Vũ Văn Sử (Giám đốc Sở GĐ&ĐT) có nhắc: “Con bí thư đấy!”. Bà Chính nói: “Em biết rồi””.

Cuối biên bản, bà Chính còn ghi: “Tất cả những nội dung trong biên bản, tôi cơ bản nhất trí. Tôi xin khẳng định lại chỉ đưa danh sách 13 em cho Hoài và chỉ nói em xem hộ môn văn trong phạm vi cho phép, tuyệt đối không được làm liều. Đây là con cháu đồng chí, đồng nghiệp và một số con em lãnh đạo…; và không hề nói phải nâng điểm bằng bất kỳ giá nào”.

Sau khi nghe chủ tọa công bố toàn bộ nội dung biên bản, bà Chính giải thích buổi làm việc kết thúc muộn, thời điểm đó bà cũng rất mệt mỏi, tâm trạng rối bời, bà đã ký vào biên bản mà không đọc hết toàn bộ nội dung... Bà Chính đề nghị HĐXX kiểm tra lại toàn bộ nội dung các tin nhắn. “Tôi không làm gì trái với lương tâm; còn tôi làm sai, tôi sẽ chịu trách nhiệm. Mong HĐXX xem xét” - bà Chính nói.

Trả lời câu hỏi của luật sư, bà Chính đề nghị làm rõ trong vụ án này có yếu tố vụ lợi vật chất hay không. “Không có một người bình thường nào đi nâng điểm cho ngần ấy người mà không có bất kỳ vụ lợi gì” - bị cáo Chính nhấn mạnh.

Hôm nay, 16-10, TAND tỉnh Hà Giang tiếp tục phiên xử.

Giữ xe, bán cá… đều được nâng điểm để “tạo phúc”

Trong phiên xét xử buổi sáng, HĐXX cũng đã xét hỏi cựu cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hà Giang Lê Thị Dung. Bà Dung bị đưa ra xét xử về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ để trục lợi. Theo cáo buộc của VKS, do mối quan hệ quen biết, bị cáo Lê Thị Dung đã nhờ và được ông Nguyễn Thanh Hoài (cựu trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục) giúp nâng điểm cho 20 thí sinh.

“Có 12 người nhờ tôi, đây đều là người thân, ân nhân của tôi” - bà Dung nói và liệt kê danh sách những người được bà giúp đỡ nâng điểm. Đáng chú ý, danh sách này ngoài người nhà, thông gia của bà Dung còn có cả… người giữ xe của bệnh viện, người bán hàng ở đình, lái xe chuyên giúp bà cắt thuốc nam trị bệnh, nhân viên bán cá của chị dâu, bệnh nhân điều trị cùng phòng với bà…

HĐXX sau đó công bố cả 20 thí sinh bà Dung nhờ ông Hoài đều được nâng điểm, người được nâng nhiều nhất tới 29,75 điểm. “Chính bản thân tôi lúc đi nhờ chỉ nghĩ tới việc tạo phúc, chứ không nghĩ anh Hoài nâng tới ngần ấy điểm” - bà Dung nói. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...