Cựu thiếu tá công an kêu oan tội hủy hoại rừng

Mới đây, TAND tỉnh Đắk Nông đã mở phiên xử phúc thẩm vụ Phạm Xuân Sáng (cựu thiếu tá, cán bộ công an tỉnh này) bị truy tố về tội hủy hoại rừng theo kháng cáo kêu oan của bị cáo. Tuy nhiên, tòa đã hoãn xử theo yêu cầu của luật sư bào chữa cho bị cáo do luật sư có việc bận.

Thuê người chặt phá rừng?

Theo cáo trạng, đầu năm 2015, Sáng quen Trần Văn Tuân, nói với Tuân là được các sếp nhờ bán thửa đất rẻ và đẹp, nếu Tuân mua thì Sáng sẽ đứng tên mua cho.

Sau đó, Sáng cùng Tuân đi xem đất tại lô 3 khoảnh 1 tiểu khu 1697 (do UBND huyện Đắk Glong quản lý, thuộc địa giới hành chính xã Đắk Ha). Thấy trên đất có cây rừng rậm rạp và còn nhiều gỗ lớn, Tuân nói “Đất thì đẹp, gần đường nhưng diện tích rừng còn nhiều và lớn thì làm thế nào được”. Nghe vậy, Sáng nói đất của các sếp bán, đừng làm nhà cửa, phát dần những cây nhỏ để làm trước, nếu có gì Sáng chịu trách nhiệm.

Do không đủ tiền mua đất, Tuân nói với Sáng bán thửa đất trên cho người khác thì Sáng nói đất này có tương lai, nếu không tin thì Sáng và Tuân chung nhau mua, sếp bán khoảng 180 triệu đồng nên mỗi người chịu một nửa.

Tiếp đó, Sáng nói Tuân đi vay ngân hàng rồi cho Sáng vay lại, Tuân đồng ý. Ngày 27-1-2015, vợ chồng Tuân ra quỹ tín dụng vay 50 triệu đồng. Sau đó, Tuân đưa toàn bộ tiền vay cộng với số tiền Tuân có là 11 triệu đồng cho Sáng (Sáng có viết giấy nhận tiền). Đến ngày 5-2-2015, vợ chồng Tuân tiếp tục vay chị dâu 100 triệu đồng rồi đưa cho Sáng. Tổng số tiền Tuân đưa cho Sáng là 161 triệu đồng.

Bị cáo Sáng giơ tay kêu oan tại phiên xử sơ thẩm hồi tháng 4-2018. Ảnh: YC

Tuân và Sáng thuê năm người dân địa phương chặt phá rừng tại mảnh đất trên. Trong khoảng hai tháng, Tuân cùng những người dân trên đã dùng dao phát để chặt cây bụi, cây thân leo, cây gỗ từ 10 cm trở xuống trên diện tích là 8.404 m2 rồi gom lại thành đống để đốt thì làm cháy lan sang những cây gỗ có đường kính từ 10 cm trở lên khiến những cây này bị chết khô.

Sáng chỉ đạo cho Tuân tiếp tục chặt phá rừng. Thời điểm này, thấy người của Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glong thường xuyên tuần tra, Tuân sợ bị xử lý nên đòi lại số tiền đã mua. Cuối tháng 5-2016, Sáng trả lại cho Tuân 100 triệu đồng.

Sau đó hành vi của Sáng và Tuân bị phát hiện, bị khởi tố để điều tra. Theo biên bản khám nghiệm hiện trường, tổng diện tích rừng Tuân và Sáng đã hủy hoại là 8.404 m2. Tại bản kết luận giám định hồi tháng 4-2017 của giám định viên tư pháp thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glong kết luận: Về trạng thái là rừng thường xanh trung bình, rừng sản xuất, về mức độ thiệt hại về rừng 97%, về mức độ thiệt hại quy ra tiền gần 108 triệu đồng. Bản kết luận giám định bổ sung hồi tháng 11-2017 xác định về diện tích 8.404 m2 rừng bị chặt phá tại lô 3 khoảnh 1 tiểu khu 1697 thuộc rừng tự nhiên và mức độ thiệt hại tại thời điểm bị chặt trái phép là tháng 3-2015.

Tháng 11-2017, VKSND huyện Đắk Glong có cáo trạng truy tố Sáng và Tuân về tội hủy hoại rừng theo khoản 1 Điều 189 BLHS 1999. Ngoài ra, VKS còn truy tố Tuân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 139 BLHS 1999 (do có hành vi nói dối rồi nhận 20 triệu đồng tiền mua đất của hai người khác).

Kháng cáo kêu oan

Tại phiên xử sơ thẩm của TAND huyện Đắk Glong hồi tháng 4-2018, bị cáo Sáng kêu oan, không thừa nhận hành vi hủy hoại rừng. Tuy nhiên, HĐXX bác lời kêu oan của bị cáo, phạt bị cáo chín tháng tù về tội hủy hoại rừng; Tuân bảy tháng tù về tội hủy hoại rừng, sáu tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt chung là một năm một tháng tù.

Sau phiên tòa, bị cáo Sáng tiếp tục kháng cáo kêu oan.

Theo bị cáo, việc các cơ quan tố tụng huyện Đắk Glong xử lý hình sự bị cáo về tội hủy hoại rừng là oan bởi chứng cứ trong vụ án còn nhiều mâu thuẫn: Quyết định khởi tố vụ án ghi “căn cứ báo cáo của UBND xã Đắk Ha” nhưng trong hồ sơ vụ án không có báo cáo này. Tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư của bị cáo nhiều lần yêu cầu đại diện VKS chứng minh có bản báo cáo của UBND xã Đắk Ha làm căn cứ để khởi tố vụ án nhưng đại diện VKS không chứng minh được... Hồ sơ vụ án thể hiện rừng bị chặt phá từ năm 2015 nhưng ngày 23-3-2017, cơ quan điều tra, VKS mới khám nghiệm hiện trường. Khi khám nghiệm hiện trường lại không triệu tập bị cáo. Bị cáo từng gửi tám lá đơn đề nghị cơ quan điều tra, VKS cho thực tế đến hiện trường nhưng không được chấp nhận...

Cạnh đó, bản kết luận giám định và kết luận giám định bổ sung không đảm bảo tính chính xác, khách quan. Không có hội đồng giám định mà chỉ có một cá nhân tiến hành giám định những vấn đề liên quan đến thiệt hại rừng. Mức độ thiệt hại về rừng 97%, trùng với tỉ lệ ước tính mức độ thiệt hại được ghi nhận trong biên bản khám nghiệm hiện trường, chính xác đến 100% là bất thường. Quyết định giám định cũng nêu “qua đo đếm các chỉ số lâm học tính được trữ lượng rừng là 130,5 m2/ha”. Như vậy, với 0,84 ha thì có trữ lượng gỗ là hơn 104 m3. Thế nhưng hồ sơ vụ án không thể hiện khối lượng gỗ rất lớn này ai sử dụng, vận chuyển ra khỏi hiện trường bằng cách nào, đang ở đâu…

Ngoài ra, theo một số tài liệu, lời khai của bị cáo và một số nhân chứng trong vụ án xác nhận thời điểm các bị cáo chặt phá cây thì thửa đất đó chỉ có cây gỗ có đường kính lớn nhất khoảng 10 cm trở xuống, xen lẫn là cây bụi và cây thân leo. Bị cáo cho rằng diện tích rừng đã bị tàn phá, hủy hoại, lấn chiếm hết trong khoảng thời gian 1998-2014. Việc xác định các bị cáo hủy hoại rừng vào thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5-2015 là vô lý...

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về kết quả xét xử phúc thẩm.

Tội hủy hoại rừng

Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

(Theo khoản 1 Điều 189 BLHS 1999)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm