Cựu thượng tá công an khóc khi nói lời sau cùng

Ngày 16-5, sau một tuần làm việc, phiên tòa xét xử 15 bị cáo trong vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình kết thúc phần tranh luận. Trước khi vào nghị án, HĐXX cho các bị cáo nói lời sau cùng.

Theo dự kiến, ngày 21-5 tới đây, tòa sẽ có phán quyết đối với các bị cáo.

Các bị cáo trong vụ gian lận thi cử tại tòa. Ảnh: TP

Kêu oan tới cùng                                                                                       

 Bị cáo buộc có vai trò chủ mưu, Nguyễn Quang Vinh (cựu trưởng phòng khảo thí) tiếp tục cho rằng không phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ bởi bị cáo không nhận lời bất kỳ phụ huynh, thí sinh nào để nâng điểm.

Dù vậy, ông Vinh thừa nhận những gì mình làm trong kỳ thi năm 2018 là có sai phạm về mặt quy chế và xin chịu trách nhiệm.

Bị cáo nói trước kỳ thi cũng có người nhờ bị cáo nâng điểm, nhờ quan tâm các cháu nhưng đều từ chối vì đây là kỳ thi nghiêm túc.

“Những gì tôi làm chỉ mong kỳ thi tốt hơn, nhưng vì sự chủ quan mà bây giờ phải trả giá" - ông Vinh nghẹn ngào và cho rằng "nếu vẫn bị kết tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ thì sẽ kháng cáo đến cùng".

Tương tự, Khương Ngọc Chất (cựu trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hòa Bình) một mực khẳng định mình bị truy tố, xét xử về tội danh trên là không đúng người, đúng tội, oan sai.

Cựu thượng tá công an cho rằng bản thân luôn nâng cao tinh thần đấu tranh với tội phạm và tham nhũng nhưng đến nay chính mình “lại bị oan ức”.

"Mong bố mẹ, anh chị, các con tiếp sức cho tôi, tôi sẽ kêu oan, kháng cáo đến cùng, sẽ đề nghị xử đến phúc thẩm, giám đốc thẩm, thậm chí đời tôi chưa xong thì đời con, đời cháu tôi vẫn phải minh oan cho tôi vô tội" - ông Chất bật khóc.

Vết nhơ của gia đình

Là người duy nhất bị truy tố về hai tội danh, Đỗ Mạnh Tuấn (cựu hiệu phó Trường Dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy) gửi lời xin lỗi đến Đảng, Nhà nước, nhân dân, ngành giáo dục, đặc biệt là các bậc cha mẹ, học sinh.

"Trong phiên tòa, bị cáo đã nhận rất nhiều cáo buộc cho rằng mình nói không đúng sự thật, nói oan cho người khác. Nhưng các bị cáo khác hãy nhìn vào dư luận đặt cương vị mình vào các phụ huynh, học sinh chịu ảnh hưởng trong kỳ thi để phán xét lương tâm của mình” - bị cáo nhắn nhủ.

Trong khi đó, Diệp Thị Hồng Liên (cựu phó trưởng phòng khảo thí) khi đứng trước bục khai báo cho biết đã rất ăn năn, hối hận về hành vi phạm tội của mình.

"Sai lầm của bị cáo tạo ra vết nhơ cho gia đình mình, một gia đình có công với cách mạng, tạo nên gánh nặng cho chồng, cho đứa con còn nhỏ dại...” - bị cáo nói và mong HĐXX có một bản án khoan hồng.

Về phía mình, Nguyễn Thị Thu Loan (cựu giáo viên Trường THPT Lạc Long Quân) thừa nhận hành vi phạm tội và liên tục khóc nức nở.

Cựu giáo viên tha thiết mong HĐXX nhìn bị cáo với con mắt độ lượng hơn để thấy "đáng thương nhiều hơn là đáng trách".

Bị cáo cho hay suốt 13 tháng bị tạm giam, bản thân đã đi đến tận cùng của nỗi đau cả về vật chất lẫn tinh thần.

“Bị cáo xin nhận mình là một tấm gương mờ trong ngành giáo dục và xin được mở cánh cửa trở về cuộc đời” - bà Loan nghẹn ngào, sau đó khóc ngất khiến nhân viên y tế phải vào chăm sóc.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vụ án ông Tô Hoài Dân: Phản cung toàn diện

Vụ án ông Tô Hoài Dân: Phản cung toàn diện

(PLO)- Cả 3 bị cáo trong vụ án lừa đảo liên quan ông Tô Hoài Dân ở Cà Mau đều phản cung, cho rằng mình không có chiếm đoạt của Nhà nước 7,3 tỉ đồng như cáo buộc.