Vụ gang thép Thái Nguyên và trách nhiệm của Bộ Công Thương

Sáng 14-4, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ đại án gang thép Thái Nguyên. 19 bị cáo hầu tòa là các cựu lãnh đạo, cán bộ của Tổng Công ty thép Việt Nam (VNS) và Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Theo cáo trạng, Tập đoàn Khoa học công nghệ và thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) vi phạm hợp đồng khi triển khai dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên.

Tuy nhiên, những người có trách nhiệm tại TISCO và VNS vẫn chỉ đạo, thống nhất ký các văn bản đề nghị Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng cho phép điều chỉnh chi phí hợp đồng.

Các bị cáo vụ gang thép Thái Nguyên tại tòa

Ngoài ra, TISCO còn giới thiệu Tổng công ty xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) làm nhà thầu phụ để thi công phần C. Do VINAINCON không đủ năng lực, TISCO phải ký thêm 13 hợp đồng với 13 nhà thầu phụ khác để thực hiện phần việc mà VINAINCON  không thể hoàn thành.

Đáng chú ý, khai tại tòa, ông Trần Trọng Mừng (cựu TGĐ TISCO) thừa nhận trách nhiệm trong việc giới thiệu VINAINCON làm nhà thầu phụ. Tuy nhiên, đề xuất này của TISO là dựa trên sự giới thiệt trước đó của Bộ Công thương.

Theo lời bị cáo, một thứ trưởng Bộ Công thương đã trực tiếp giới thiệu VINAINCON, nói đây là doanh nghiệp của bộ, có kinh nghiệm và từng xây lắp nhiều công trình quan trọng.

Trong khi đó, ông Đặng Văn Tập (cựu PGĐ Thường trực Ban Quản lý dự án) cho biết có nhận được thông báo của thứ trưởng Bộ Công thương từ chủ đầu tư nhưng không nói đến việc dừng dự án.

"Chính vì văn bản chỉ đạo tiếp tục dự án này nên chúng tôi mới phải đứng trước toà ngày hôm nay", bị cáo trình bày.

Theo bị cáo này, sau khi ký hợp đồng nhà thầu phụ, VINAINCON dần thực hiện yếu kém, thi công một số hạng mục rồi dừng, nên đã có văn bản gửi nhiều nơi, trong đó có Bộ Công thương. Do VINAINCON không thực hiện hợp đồng, từ tháng 3-2010, TISCO đã có văn bản gửi lên Bộ và sau 12 tháng mới có thêm nhà thầu phụ.

"Việc lựa chọn các nhà thầu phụ là hệ quả của việc VINAINCON dừng thi công", bị cáo Tập nói.

Được triệu tập tới tòa, đại diện Bộ Công thương cho rằng văn bản của Bộ chỉ mang tính chất giới thiệu VINAINCON làm nhà thầu phụ, còn quyết định hay không là ở TISCO và VNS.

Về vấn đề đồng ý giao cho VNS điều chỉnh giá của gói thầu 01#EPC, vị đại diện khẳng định những văn bản của Bộ Công thương đều được ký đúng pháp luật. Thời điểm xảy ra vụ án, nguyên nhân lớn nhất khiến chi phí phải điều chỉnh là do biến động về giá của vật tư, thiết bị, sự khủng hoảng của thị trường…

Trước câu trả lời này, thẩm phán Trương Việt Toàn, thành viên HĐXX đặt vấn đề “đã ký hợp đồng thì phải chấp nhận cả rủi ro, giá lên thì lỗ, giá xuống thì thắng, đó là quan hệ kinh tế, chứ không phải tất cả là do vấn đề về giá”.

“Vậy ông hiểu hợp đồng EPC là như thế nào? Là hợp đồng xây lắp, chuyển giao theo hình thức trọn gói, đã ký hợp đồng trọn gói rồi thì lời ăn lỗ chịu, tại sao giá vật liệu xây dựng mới thấp thỏm, nhấp nhô một chút mà đã đòi hỏi?” – vị thẩm phán truy vấn.

Ông cũng cho rằng nếu Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan quản lý ngành mà ký các văn bản đều đúng pháp luật thì có lẽ hôm nay có rất ít bị cáo, chứ không phải 19 người phải đứng trước tòa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm