Đại gia của Sài Gòn One Tower bị truy tố tội lừa đảo

VKSND tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Phùng Ngọc Khánh (sinh năm 1963, cựu phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Sài Gòn One Tower, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP M&C); Nguyễn Trọng Hiếu (sinh năm 1977, cựu chủ tịch HĐQT Công ty CP phát triển điện lực Sài Gòn) và Kim Văn Bộ (sinh năm 1973, cựu phó giám đốc Công ty CP phát triển điện lực Sài Gòn) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các bị can Tạ Bá Long (sinh năm 1955, cựu chủ tịch GPBank), Phạm Quyết Thắng (sinh năm 1973, cựu tổng giám đốc GPBank), Đoàn Văn An (sinh năm 1958, cựu phó chủ tịch GPBank) cùng bảy cựu cán bộ GPBank và chi nhánh TP.HCM bị truy tố về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Ông Phùng Ngọc Khánh hầu tòa trong đại án Ngân hàng TMCP Đông Á giai đoạn 2. Ảnh: HY

 Cáo trạng xác định với động cơ, mục đích chiếm đoạt tiền để chi tiêu cá nhân, trong thời gian từ tháng 8-2011 đến tháng 9-2011, ông Khánh (Công ty Sài Gòn One, Công ty M&C) đã bàn bạc, thống nhất ông Bộ (Công ty Điện lực Sài Gòn) lập khống Hợp đồng mua bán 6 căn hộ Dự án cao ốc Sài Gòn M&C giữa Công ty M&C và Công ty Điện lực Sài Gòn giá trị 477 tỉ đồng.

Đồng thời, ông Khánh nâng khống 255.000 cổ phần của Công ty M&C có giá trị thực theo kết luận định giá là 14,2 tỉ đồng lên 510 tỉ đồng, để dùng làm tài sản thế chấp, bảo đảm cho Công ty Điện lực Sài Gòn vay 305 tỉ đồng của GPBank. Từ đó chiếm đoạt 290,7 tỉ đồng.

Trong quá trình thẩm định và quyết định cho vay, các bị can lãnh đạo, nhân viên Hội sở GPBank và Chi nhánh GPBank TPHCM đã không thực hiện đúng việc kiểm tra, thẩm định mục đích sử dụng vốn, khả năng tài chính đảm bảo trả nợ, vi phạm quy định về xem xét, quyết định cho vay; vi phạm quy định về thẩm định và quyết định cho vay, nhận tài sản thế chấp là 6 căn hộ Dự án Cao ốc Sài Gòn M&C của bên thứ ba trong khi tài sản này không thuộc quyền sở hữu của bên thứ ba.

Cạnh đó, khi thẩm định giá, các bị can ngân hàng GPBank đã nâng khống giá trị tài sản bảo đảm để cấp tín dụng cho vay trái pháp luật cho Công ty Điện lực Sài Gòn. Đến nay, do Công ty M&C không còn hoạt động, không xác định được giá trị cổ phần nên về trách nhiệm dân sự, VKS cho rằng các bị can lừa đảo phải liên đới chịu trách nhiệm theo yêu cầu của GPBank. Đến nay, dư nợ số tiền vay đã là 961,4 tỉ đồng gồm gốc 305 tỉ và lãi 656,4 tỉ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm