Dân bị oan 35 năm, VKS cứ như vô can!

Ngày 30-10, một nguồn tin xác nhận TAND thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa vừa ra thông báo trả lại đơn khởi kiện của ông Trần Bê (59 tuổi, ngụ phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa) yêu cầu VKSND tỉnh này bồi thường oan. Lý do trả đơn là ông Bê chưa đủ điều kiện khởi kiện theo quy định tại Điều 22 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTNN).

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một thẩm phán TAND thị xã Ninh Hòa giải thích thêm: Theo quy định, trước hết, VKSND tỉnh và ông Bê phải tiến hành thương lượng bồi thường. Nếu thương lượng không thành thì ông Bê mới được khởi kiện đòi bồi thường. Trên cơ sở đó, tòa sẽ xem xét thụ lý”.

Viện chưa thương lượng nên không được kiện!

Ông Trần Bê cho biết ông đang yêu cầu VKSND tỉnh Khánh Hòa tiến hành thương lượng việc bồi thường theo yêu cầu của tòa án. “Nếu VKSND tỉnh vẫn từ chối thương lượng hay không chấp nhận bồi thường, tôi yêu cầu họ phải có văn bản để tôi có cơ sở tiếp tục khởi kiện ra tòa” - ông Bê nói.

Ông Trần Bê kể lại nơi xảy ra vụ án mà ông bị bắt giam oan từ 35 năm về trước. Ảnh: TẤN LỘC

Trước đó, ông Bê có đơn yêu cầu VKSND tỉnh tổ chức xin lỗi công khai và bồi thường oan cho ông gần 2 tỉ đồng. Tuy nhiên, viện này cho rằng đã hết thời hiệu nên không xin lỗi, bồi thường oan cho ông Bê. Sau khi ông Bê khiếu nại, Cục Bồi thường nhà nước - Bộ Tư pháp có công văn đề nghị Vụ Thực hành quyền công tố - kiểm sát xét xử VKSND Tối cao tham mưu cho lãnh đạo VKSND Tối cao xem xét, chỉ đạo VKSND tỉnh Khánh Hòa giải quyết theo thẩm quyền. Ban Nội chính Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng có văn bản trả lời trường hợp của ông Bê thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND tỉnh này; nếu viện giải quyết không thỏa đáng thì ông có quyền kiện ra tòa yêu cầu VKS phải xin lỗi, bồi thường.

Tương tự, hiện gia đình ông Huỳnh Chiếm Phái (sinh năm 1931, người bị oan, đã mất, ở phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa) cũng đã có đơn yêu cầu VKSND tỉnh Khánh Hòa thương lượng việc bồi thường. Trước đó, sau hơn hai năm rưỡi thụ lý, ngày 1-8, TAND thị xã Ninh Hòa ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ kiện của ông Phái yêu cầu VKSND tỉnh bồi thường oan. Tòa đình chỉ với lý do chưa đủ điều kiện khởi kiện, mà điều kiện này chính là cơ quan có trách nhiệm bồi thường oan chưa thực hiện thủ tục thương lượng việc bồi thường.

Tại phiên họp phúc thẩm ngày 19-9, TAND tỉnh cũng cho rằng ông Phái và VKSND tỉnh chưa tiến hành thương lượng nên chưa đủ điều kiện để khởi kiện. Tại phiên họp phúc thẩm này, VKSND tỉnh (vừa là bị đơn vừa là cơ quan tiến hành tố tụng) thừa nhận viện này có nhận đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông Phái nhưng hai bên chưa tiến hành thương lượng việc bồi thường. Vì vậy, viện không xác định được ngày kết thúc việc thương lượng để tính thời hạn ra quyết định bồi thường nhà nước theo quy định. Từ đó, đại diện VKS cho rằng ông Phái chưa đủ điều kiện khởi kiện VKSND tỉnh.

Cơ quan làm oan: Vừa đá bóng vừa thổi còi

Ông Huỳnh Chiếm Hoạnh (con ông Phái) khẳng định gia đình ông sẽ yêu cầu VKSND tỉnh thực hiện đúng Luật TNBTNN cũng như kết luận của tòa phúc thẩm. “Nếu viện trưởng VKSND tỉnh tiếp tục từ chối thương lượng, làm cho gia đình tôi không thể khởi kiện, chúng tôi sẽ khiếu nại, tố cáo ông viện trưởng” - ông Hoạnh nói.

Theo luật sư (LS) Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa, các quy định về thủ tục tiền tố tụng trong vụ kiện đòi bồi thường oan là quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan giải quyết bồi thường, không phải nghĩa vụ của người bị oan. Khi người bị oan yêu cầu bồi thường thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải chủ động thụ lý, tiến hành các bước thương lượng theo luật định.

“Trong vụ này, VKSND tỉnh Khánh Hòa là cơ quan có trách nhiệm bồi thường nhưng đã không thụ lý, không thương lượng, có văn bản từ chối với lý do hết thời hiệu. Khi VKSND tỉnh không thực hiện đúng luật về các điều kiện tiền tố tụng, người dân buộc phải đưa vụ việc ra tòa án giải quyết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị oan. Tòa từ chối với lý do chưa có thủ tục tiền tố tụng là từ chối thực thi nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người” - LS Hà bình luận.

Cũng theo LS Hà, thực tiễn thi hành Luật TNBTNN cho thấy các cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan không thực hiện đúng luật nhưng lại là người “cầm cân nảy mực” để xử chính mình. “Điều này giống như vừa đá bóng vừa thổi còi, thể hiện sự bất bình đẳng trong quan hệ giữa công dân với cơ quan tố tụng và là nguyên nhân gây bức xúc, khiếu kiện kéo dài. Vấn đề này cần phải khắc phục khi sửa đổi, bổ sung trong xây dựng dự án Luật TNBTNN” - LS Hà đề xuất.

Nỗi oan 35 năm và trách nhiệm của VKS

Ông Huỳnh Chiếm Phái và ông Trần Bê là hai trong bốn người bị bắt oan trong vụ án giết người xảy ra ở xã (nay là phường) Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa cách đây 35 năm. Ngày 19-10-1981, Công an tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hòa) bắt giam ông Phái, ông Bê cùng với hai người khác để điều tra tội giết người với cáo buộc có liên quan đến vụ chủ tịch UBND xã Ninh Giang bị bắn chết.

Sau hơn 13 tháng tạm giam, ngày 2-2-1983, VKSND tỉnh Phú Khánh ra lệnh tạm tha đối với ông Phái. Sau khi ông Phái liên tục kêu oan, tháng 12-2009, VKSND tỉnh Khánh Hòa giao cho gia đình ông Phái bản sao “quyết định đình chỉ điều tra” do VKSND tỉnh Phú Khánh ký ngày 25-9-1984. Quyết định nêu rõ: “Xét thấy không đủ bằng chứng để buộc tội Huỳnh Chiếm Phái phạm tội giết người”.

Tương tự, ông Trần Bê bị giam gần ba năm rồi được trả tự do vào ngày 25-9-1984 kèm theo quyết định đình chỉ điều tra. Quyết định này ghi rõ: “Xét thấy không có đủ bằng chứng buộc tội Trần Bê về tội giết người”.

Ông Bê và gia đình ông Phái liên tục yêu cầu cơ quan tố tụng xin lỗi, bồi thường oan nhưng đến nay VKSND tỉnh không giải quyết. Hai ông khởi kiện VKS nhưng TAND thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa từ chối giải quyết với lý do VKS chưa thương lượng việc này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm