Đang xử vụ án mẹ làm con gái 2 tuổi tử vong

Vụ án đáng chú ý ở chỗ trong khi VKS bảo lưu quan điểm truy tố tội vô ý làm chết người thì tòa cho rằng bị cáo có khả năng phạm một tội khác có khung hình phạt cao hơn tội danh đã bị truy tố.

Đang xử vụ án mẹ làm con gái 2 tuổi tử vong ảnh 1

Tờ xét nghiệm ADN và cái chết của bé gái hai tuổi
8 giờ 30 sáng 10-2-2016, anh Nguyễn Trang (ngụ đường hương lộ 2, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) vào phòng để kêu vợ và con gái út hai tuổi dậy ăn sáng. Kéo mền ra, anh phát hiện con gái người bị tím tái, ngưng thở, còn Phượng thì cổ tay trái bị chảy máu.
Anh Trang vội gọi người đưa vợ đến BV quận Bình Tân cấp cứu, còn con gái đã chết nên anh để nguyên hiện trường và đến Công an phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân trình báo. CQĐT khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng.
Kết luận giám định pháp y tử thi ngày 6-5-2016 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM ghi nhận: “Thân người và tứ chi không phát hiện thấy dấu vết tổn thương; kết luận tổn thương vi thể: Cơ và sụn vùng cổ bị chèn ép tương tự hình ảnh tổn thương thắt - siết cổ. Phù phổi cấp. Tình trạng rối loạn vi tuần hoàn”. Bé gái chết ngạt do chẹn đường hô hấp trên ở vùng cổ”.
Ngày 18-2-2016, Phượng bị khởi tố tội giết người. Đến ngày 3-1-2017, CQĐT thay đổi tội danh thành vô ý làm chết người. Ngày 22-2-2017, VKSND TP.HCM ban hành cáo trạng truy tố Phượng tội danh này.
Cáo trạng xác định vợ chồng Phượng kết hôn năm 2000, đã có hai con, một trai, một gái. Trong thời gian buôn bán vải tại chợ Tân Bình, Phượng ngoại tình với người đàn ông bán vải tại sạp cùng số ở cạnh bên. Ngày 13-12-2013, Phượng sinh con gái, khai sinh tên là NBN, cha là Nguyễn Trang.
Do nghi ngờ nên ngày 5-1-2016, anh Trang đưa bé đến BV Truyền máu và Huyết học TP.HCM để xét nghiệm ADN về huyết thống. Kết quả cho thấy anh không phải là cha đẻ của bé N.
Một tháng sau, 10 giờ đêm 9-2-2016, anh Trang kêu Phượng vào phòng hỏi sự việc nhưng Phượng né tránh. Tức giận, anh Trang đánh Phượng 3-4 cái vào mặt rồi đóng cửa phòng lại không cho Phượng ra ngoài.
Đến nửa đêm, anh Trang mở cửa phòng cho Phượng xuống tầng trệt ngủ. Phượng sợ anh Trang mời cha mẹ ruột vào để nói chuyện dẫn đến gia đình bị xấu hổ, đồng thời lo lắng sau này anh Trang sẽ đối xử không tốt với bé N. Trong đêm, Phượng đã tìm cách tự tử nhiều lần nhưng đều bị phát hiện ngăn cản. Lúc ôm con nằm ngửa trên người, tay trái của Phượng có đeo nhiều vòng kim loại tiếp xúc mạnh vào vùng cổ của con dẫn đến làm chẹn đường hô hấp. Phượng sờ gò má của con thấy lạnh, liền đưa tay lên mũi thì phát hiện bé tắt thở nên Phượng lấy kéo cắt đứt gân gấp cổ tay quay, gân gan tay dài, đứt thần kinh giữa, tỉ lệ thương tật 23%. Phượng trở lại nằm kế bên con, lấy mền đắp lên người cả hai cho đến khi chồng phát hiện…
Điều gì đã gây ra cái chết cho bé gái hai tuổi?
Ngày 21-4-2017, TAND TP.HCM đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Sau phần xét hỏi, HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm xác định ý thức chủ quan của Phượng khi thực hiện hành vi phạm tội, để từ đó xác định Phượng có phạm một tội khác có khung hình phạt cao hơn tội danh đã bị truy tố hay không.
Theo HĐXX, lời khai của bị cáo tại CQĐT và tại phiên tòa cho thấy bé N. chết ngạt do chẹn đường hô hấp trên: Khi bị cáo ôm con nằm ngửa siết chặt tại tầng trệt thì bé đã khóc, sau đó bị cáo đã trở người bé nằm sấp mặt úp thẳng vào lồng ngực của bị cáo, khi đó bé vẫn còn khóc nhưng sau đó thì không khóc nữa cho đến khi phát hiện đã chết. Như vậy, bé N. đã chết trong khoảng thời gian bị mẹ cho nằm sấp để mũi, mặt và miệng úp vào lồng ngực của mình. Điều này phù hợp với kết luận giám định về nguyên nhân tử vong, thời gian tử vong, đồng thời phù hợp với lời khai của người làm chứng.
Việc để bé N. ở tư thế nằm sấp, úp mặt thẳng vào lồng ngực của Phượng làm chẹn hoàn toàn đường hô hấp trên dẫn đến tử vong, Phượng phải dùng một lực đủ mạnh để con không thể vùng vẫy theo phản xạ bản năng. Điều này phù hợp với kết luận giám định tử thi.

Đang xử vụ án mẹ làm con gái 2 tuổi tử vong ảnh 2
Huỳnh Thị Kim Phượng tại tòa.

Những mâu thuẫn trong lời khai của Phượng và những người chứng kiến sự việc liên quan đến thời điểm bé N. chết. Thái độ khi phát hiện con chết, Phượng đã không bất ngờ, không hốt hoảng... Tất cả thể hiện Phượng đã biết trước hậu quả xảy ra và chấp nhận hậu quả do hành vi của mình gây ra; đây là dấu hiệu để xác định không phải Phượng phạm tội với lỗi vô ý.
Do đó, theo HĐXX, không thể căn cứ vào lời khai của bị cáo mà cần phải xác định rõ ý thức chủ quan để xác định lỗi trên cơ sở toàn bộ quá trình diễn biến vụ án, mâu thuẫn gia đình, động cơ, mục đích thực hiện hành vi phạm tội… nhằm áp dụng đúng quy định của pháp luật khi xác định tội danh.
Ngoài ra, theo HĐXX, kết luận của cáo trạng về nguyên nhân khiến bé N. chết không phù hợp với kết luận giám định, không phù hợp với lời khai của bị cáo tại CQĐT và tại phiên tòa về nguyên nhân chết, tư thế chết và dấu vết tử thi.
HĐXX yêu cầu trưng cầu từ cơ quan chuyên môn để xác định: “Đối với một đứa trẻ với chiều cao, cân nặng như bé N. nếu bị nằm ở vị trí úp mặt, mũi và miệng vào lồng ngực người lớn trước khi bị chẹn hoàn toàn đường hô hấp trên thì phản xạ bản năng của trẻ như thế nào? Phải dùng một lực bao nhiêu để tác động và thời gian bao lâu để đủ kiềm chế, kết thúc phản xạ này?”, “Cụm từ “Đường hô hấp trên” trong kết luận giám định bao gồm những bộ phận nào và đề nghị cung cấp sơ đồ, hình ảnh xác định vị trí những bộ phận đó trên cơ thể con người”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm