Đánh người để buộc khai đúng cũng có tội

Trong hai ngày 6 và 7-12, TAND Tối cao tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn triển khai BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung) tại 778 điểm cầu trên toàn quốc. BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung) gồm 426 điều, bãi bỏ ba điều so với BLHS hiện hành; giữ nguyên 30 điều; sửa đổi, bổ sung 396 điều với nhiều nội dung sửa đổi lớn.

Tăng nặng hình phạt để đề cao trách nhiệm

Tại hội nghị, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đặc biệt nhấn mạnh tới chương các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, bởi theo ông, “anh thực thi công lý mà vi phạm công lý nữa thì nguy hiểm”.

Chương này gồm 25 điều, tăng hai điều so với BLHS hiện hành và 23 điều còn lại đều sửa đổi chủ yếu theo hướng tăng nặng hình phạt, đề cao trách nhiệm của các cơ quan tố tụng.

Đáng chú ý, hai tội dùng nhục hình (Điều 373) và tội bức cung (Điều 374) đã được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người mà Việt Nam là thành viên. Mức hình phạt cao nhất dành cho hai tội danh nói trên đã tăng từ 10 năm tù, 12 năm tù lên đến tù chung thân.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay Quốc hội cũng yêu cầu xử lý nghiêm hành vi bức cung bởi hàng loạt vụ án oan xảy ra thời gian qua như vụ Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Hàn Đức Long (Bắc Giang).... cho thấy có hiện tượng bức cung, dùng nhục hình.

Hàng loạt vụ án oan xảy ra thời gian qua cho thấy có hiện tượng bức cung, dùng nhục hình. Trong ảnh: Đại diện VKSND TP.HCM bắt tay xin lỗi ông Trương Bá Nhàn, người bị làm oan gần 14 năm trước. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo ông Bình, BLHS hiện hành chỉ quy định người nào tiến hành điều tra, truy tố, xét xử mà bằng các thủ đoạn trái pháp luật buộc người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm... Trong khi đó, theo BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung) thì chỉ cần có hành vi trái pháp luật ép buộc người khai báo phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc là cấu thành tội phạm này.

“Anh đánh một hồi, buộc người ta khai báo, kể cả khai đúng, anh cũng có tội” - ông Bình nhấn mạnh.

Cũng theo ông Bình, về hậu quả của hành vi, BLHS hiện hành chỉ quy định mang tính định tính là hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng. Chính vì cái “tù mù”, không chứng minh được này mà dễ làm oan. Khắc phục hạn chế này, BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung) đã quy định rõ các hậu quả gồm: Làm oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm, giải quyết vụ án bị sai lệch, vụ án bị đình chỉ, tội phạm bỏ trốn, tội phạm tiếp tục phạm tội mới...

Trong khi đó, tội dùng nhục hình cũng được sửa đổi cơ bản về cấu thành tội phạm. Theo đó, mở rộng chủ thể thực hiện hành vi không chỉ ở các giai đoạn tố tụng, thi hành án mà cả ở giai đoạn áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính. Cùng với đó, ngoài hành vi dùng vũ lực, nếu có hành vi đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm (bạo lực tinh thần) đối với người khác dưới bất kỳ hình thức nào cũng cấu thành tội phạm này.

Bị can được quyền đọc, ghi chép hồ sơ vụ án

Giới thiệu về những điểm mới đáng chú ý trong BLTTHS 2015, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: “Lần đầu tiên chúng ta cho phép bị can đọc hồ sơ vụ án”. Cụ thể, theo Điều 60, bị can được quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu.

Ông Bình cho hay khi trao đổi về vấn đề này, các chuyên gia của Thụy Sĩ cho biết ở nước họ, mỗi bị cáo được cấp cho một mã (code) để đọc tất cả chứng cứ liên quan đến phần kết tội họ. “Người ta cũng sợ đưa hồ sơ cho bị cáo  họ xé mất nên cho tiếp cận qua mạng. Ở ta cho tiếp cận hồ sơ bản phôtô những nội dung liên quan đến phần buộc tội hay gỡ tội của anh. Đây là thách thức đối với điều tra và truy tố” - ông Bình cho hay.

Ông Bình nhấn mạnh trong tương lai, nếu bị cáo ra tòa khai họ không được tiếp cận hồ sơ, tài liệu thì đó là vi phạm tố tụng.

Một điểm mới quan trọng khác, BLTTHS 2015 quy định điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán cũng có thể bị triệu tập tới tòa. “Điều luật cho phép HĐXX triệu tập điều tra viên nếu bị cáo khai bị bức cung, nhục hình. Ở phiên phúc thẩm, HĐXX cũng có quyền triệu tập cả thẩm phán xét xử sơ thẩm. Tôi lưu ý để các đồng chí chuẩn bị đối mặt khi bị triệu tập” - Chánh án nói.

Có hiệu lực từ 1-1-2018

Theo Nghị quyết số 41/2017 của Quốc hội, từ ngày 1-1-2018, BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung), BLTTHS 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành.

Theo đó, tất cả điều khoản của BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung) được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 phút ngày 1-1-2018.

Các điều khoản của bộ luật này xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 1-1-2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm