Đau đầu xử lý tội phạm ngân hàng

“Tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng (NH) gần đây diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều thủ đoạn mới rất tinh vi” - ông Vũ Như Hà (Trưởng phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46), Công an TP.HCM) cho biết tại hội nghị chuyên đề nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và xử lý tội phạm trong lĩnh vực NH. Hội nghị do VKSND TP.HCM tổ chức mới đây đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực.

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Theo ông Hà, xuất hiện tình trạng nhiều cán bộ NH lợi dụng chủ trương, chính sách của chính NH để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chẳng hạn như vụ Lê Mỹ Thuận (nguyên là kiểm soát viên của NH Đông Á) đã lợi dụng việc quản lý tiền của khách hàng VIP, giả mạo chữ ký khách hàng để chiếm đoạt 7 tỉ đồng.

Dư luận cũng từng xôn xao vụ Ngô Anh Duy (nguyên nhân viên tín dụng của NH HDBank Chi nhánh Phú Nhuận) phạm tội khi được giao giải quyết hồ sơ vay vốn của Công ty SK. Duy có trách nhiệm chuyển hồ sơ phê duyệt giải ngân cho Công ty SK nhưng không chuyển mà cạo sửa thông tin trên hồ sơ. Tiếp đó, Duy báo cáo với lãnh đạo NH rằng Công ty SK yêu cầu giải ngân 1 tỉ đồng và chiếm đoạt số tiền này. Phía Công ty SK đợi lâu không nhận được tiền giải ngân nên đã đến NH phản ánh. Sau khi NH yêu cầu công an vào cuộc điều tra thì Duy bỏ trốn đến giữa tháng 3-2017 mới bị bắt.

Cũng theo ông Hà, đặc biệt bắt đầu xuất hiện tình trạng đối tượng phạm tội đã xuyên tạc nhằm gây bất ổn cho tình hình hoạt động của NH, xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân. Đó là vụ Bùi Đình Quang đã có hành vi tung tin nhắn tuyên truyền vu khống lãnh đạo NH TMCP Sài Gòn có tiêu cực. Từ đó Quang kêu gọi người dân đổ xô đi rút tiền, làm nhiễu loạn thông tin và hoạt động của NH này. Mới đây PC46 Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Quang về tội vu khống.

Cạnh đó, nhiều NH phát triển dịch vụ thanh toán qua thẻ (ATM, Visa, Master Card…) nhưng lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, mở tài khoản và cấp phát thẻ cho khách hàng. Điều này đã tạo kẽ hở cho các đối tượng sử dụng CMND giả mạo để đăng ký mở tài khoản. Thậm chí có vụ một đối tượng liên hệ mở nhiều tài khoản đứng tên nhiều người khác nhau tại cùng một chi nhánh NH nhưng vẫn được NH chấp nhận cấp. Từ đó đã tạo điều kiện cho các đối tượng người Đài Loan, Trung Quốc thực hiện hành vi lừa đảo.

Tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng tinh vi. Trong ảnh: Xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Khó thu hồi tài sản phạm tội

Theo bà Nguyễn Thị Lan (Phó phòng 3, VKSND TP.HCM), quy định pháp luật về tội phạm trong lĩnh vực NH vẫn còn điểm chưa rõ. Từ đó dẫn đến nhận thức, đánh giá về tội danh, chứng cứ của các cơ quan tiến hành tố tụng còn khác nhau. Nhiều vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung tới lui nhiều lần. Ngoài ra còn có tình trạng tòa sơ thẩm xử khác tội danh với VKS truy tố, tòa phúc thẩm kháng nghị hoặc hủy án.

Cạnh đó, việc thu thập thông tin, xác minh ban đầu về tội phạm NH còn gặp khó khăn do quy định: “Chỉ cung cấp tài liệu cho cơ quan điều tra sau khi có quyết định khởi tố vụ án”. Hậu quả là việc điều tra không kịp thời, đối tượng có thể tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán tài sản phạm tội…

Bà Lan nói: “Do đặc thù của nhóm tội phạm này thường liên quan đến tài sản có giá trị lớn như bất động sản. Khi phát hiện thì hành vi phạm tội đã xảy ra trong thời gian dài, được che đậy tinh vi nên công tác giám định thiệt hại, định giá tài sản thường bị kéo dài, việc định giá đôi khi không phù hợp”. Những khó khăn này dẫn đến việc thu hồi tài sản thiệt hại do các đối tượng đối phó ngay từ đầu hoặc đã kịp tẩu tán, chuyển hóa tài sản phạm tội.

Bà Lan dẫn chứng vụ Phạm Văn Minh có hành vi tham ô tài sản của NH TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank). Vụ án này xảy ra từ năm 2009, đến năm 2015 mới phát hiện, liên quan đến nhiều cá nhân, một số chứng từ kế toán không đầy đủ.

Cơ quan CSĐT có văn bản gửi cơ quan giám định NH Nhà nước đề nghị hỗ trợ thực hiện giám định thiệt hại nhưng hơn một năm vẫn chưa có kết quả giám định.

“Trong điều kiện hội nhập và phát triển, dự báo tội phạm trong lĩnh vực NH sẽ diễn biến phức tạp với nhiều hình thức đa dạng, thủ đoạn tinh vi, nhiều vụ mang tính quốc tế. Để đấu tranh toàn diện với nhóm tội phạm này, cần thiết phải tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, ký kết các điều ước quốc tế, hiệp định tương trợ tư pháp để xử lý tội phạm đạt hiệu quả” - bà Lan đề xuất.

Nhiều cán bộ ngân hàng biến chất

Chủ thể tội phạm trong lĩnh vực NH gồm nhóm cán bộ NH và nhóm đối tượng ngoài NH. Đối với nhóm ngoài NH, thủ đoạn chủ yếu là lừa đảo nhưng có sự thông đồng, tiếp tay của cán bộ NH. Các thủ đoạn phạm tội, tham nhũng của cán bộ NH là chủ động thực hiện hành vi phạm tội hoặc bị lôi kéo, mua chuộc tiếp tay cho tội phạm ngoài ngành NH hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Nhiều cán bộ tha hóa, biến chất đã dễ dàng bị những khoản lợi nhuận làm mờ mắt, làm nạn tham nhũng trong lĩnh vực NH ngày càng gia tăng.

Liên quan đến tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực tín dụng, NH, các đối tượng có nhiều thủ đoạn nhưng tập trung có ba thủ đoạn đặc trưng xảy ra nhiều là cán bộ NH móc nối với đối tượng ngoài NH cố ý làm trái các quy định, hưởng chênh lệch. Lập hồ sơ khống để rút tiền. Lợi dụng quyền hạn của mình để làm sai các quy định của Nhà nước.

Ông NGUYỄN MẠNH THƯỜNG, Trưởng phòng 2, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng chức vụ, VKSND Tối cao 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm