Đấu giá đất làm lợi cho Nhà nước hơn 711 tỉ

Ngày 1-12, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM (Sở Tư pháp TP, gọi tắt là trung tâm) đã phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.HCM (Sở TN&MT TP) bán thành công 584 nền đất (diện tích hơn 7 ha) ở phường Cát Lái và phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) với giá hơn 2.062 tỉ đồng.

Giá khởi điểm của 584 nền đất này là 1.351 tỉ đồng. Như vậy, buổi đấu giá đã làm lợi cho Nhà nước hơn 711 tỉ đồng.

Đấu giá “nghẹt thở” đến 23 giờ 20

Ông Phạm Văn Sỹ (Giám đốc trung tâm) cho biết 584 nền đất biệt thự, nhà phố… ở quận 2 đưa ra đấu giá được chia làm 19 gói thầu. Buổi đấu giá dự kiến bắt đầu từ 9 giờ và kết thúc lúc 17 giờ. Thế nhưng những cuộc trả giá so kè nhau từng chút, dẫn đến đấu nhiều vòng, kéo dài thời gian đến 23 giờ 20 mới xong. Theo quy định của pháp luật, phải bán đấu giá liên tục trong ngày, không được để qua ngày khác nên Trung tâm phải bán cho xong. Người chốt giá cuối cùng của gói thầu số 19 xướng xong là đồng hồ điểm 23 giờ 20.

“Nếu như các gói thầu khác đấu giá hơn 10 vòng là chốt được người mua thì gói thầu số 3 phải đấu tới 63 vòng mới chốt được giá khi có cá nhân xướng giá hơn 117 tỉ đồng (tăng 27 tỉ đồng so với giá khởi điểm). Họ tính toán, so kè giá cả nhích lên từng chút, đúng là nghẹt thở khi tham gia phiên đấu giá này” - ông Sỹ hào hứng chia sẻ.

Khu đất ở quận 2 được đấu giá thành công ngày 1-12 (trong vòng tròn màu đỏ). Ảnh: TR.T

Nhiều gói thầu tăng cả trăm tỉ

Có những cá nhân, tổ chức chỉ đăng ký tham gia đấu giá một gói thầu nhưng cũng có nhiều người đăng ký tham gia đấu giá tất cả 19 gói thầu. Khi tham gia đấu thầu tại trụ sở trung tâm, mỗi người tham gia sẽ bốc thăm số thứ tự và họ ngồi đúng số đó (được bố trí ghế có số thứ tự in sẵn) thể hiện sự minh bạch, rõ ràng và tránh sự thông đồng, móc nối khi tham gia phiên đấu giá.

kinh nghiệm, nhân lực

Trước đó, UBND TP.HCM đã chấp thuận đề xuất của Sở TN&MT TP, cho phép bán đấu giá 584 nền đất này và giao cho trung tâm thực hiện.

Theo đánh giá của Sở TN&MT TP, trung tâm là đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp, có chức năng và nhiều kinh nghiệm, nhân lực trong hoạt động bán đấu giá, bảo đảm được sự chặt chẽ, minh bạch, chống thất thoát tài sản của Nhà nước.

“Chúng tôi làm rất chuyên nghiệp, uy tín và luôn minh bạch trong thông tin, trong phiên đấu giá. Làm sao để mọi người đăng ký tham gia đấu giá đều bình đẳng với nhau. Ai trả giá cao nhất thì được mua và chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện để thu được lợi nhiều nhất cho Nhà nước trên tinh thần đúng pháp luật, không để thất thoát tài sản nhà nước” - ông Sỹ cho biết.

Kết quả, có nhiều gói thầu đấu giá thành công tăng so với giá khởi điểm hơn 100 tỉ đồng. Ví dụ gói thầu số 14 (diện tích 9.252 m2) có giá khởi điểm 156 tỉ đồng, khi đấu giá thành công là 260 tỉ đồng (tăng 104 tỉ đồng). Gói thầu số 19 (diện tích hơn 9.000 m2) giá khởi điểm 153 tỉ đồng, đấu giá thành công lên đến 254 tỉ đồng…

Những tài sản bán đấu giá

1. Tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá, bao gồm:

a) Tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;

b) Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật;

c) Tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

d) Tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm;

đ) Tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;

e) Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước, tài sản kê biên để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

g) Tài sản là hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia;

h) Tài sản cố định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

i) Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản;

k) Tài sản hạ tầng đường bộ và quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

l) Tài sản là quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản;

m) Tài sản là quyền sử dụng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng;

n) Tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện;

o) Tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật;

p) Tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá.

2. Tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá theo trình tự, thủ tục quy định tại luật này.

(Trích Điều 4 Luật Đấu giá tài sản năm 2016)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm